Vị CEO khiến Tổng thống Mỹ phải chăm chú lắng nghe |
Viết bởi Tâm Tâm |
Thứ bảy, 15/04/2017, 22:49 GMT+7 |
“Nếu bạn làm bất kỳ công việc nào với tư tưởng mình sẽ làm chúng đến cuối đời thì rồi cuối cùng bạn cũng sẽ gặt hái được thành công,” đây là câu nói của bà Mary Barra, CEO của tập đoàn General Motors khi phát biểu về công việc cũng như những thành công trong sự nghiệp của mình.
Vị nữ CEO đầy quyền năng Mary Barra đã liên tiếp được xếp hạng trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh do tạp chí Forbes bình chọn cũng như đứng số 1 vào năm 2015 do tạp chí Fortune bình bầu. Năm 2017 sẽ là năm thứ 4 vị nữ CEO này đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của tập đoàn sản xuất xe hơi khổng lồ GM và cũng là lần đầu tiên trở thành cố vấn kinh tế cho tân Tổng thống Donald Trump. Thành tích trên của bà Barra là vô cùng đáng nể khi trở thành nữ CEO đầu tiên trong làng sản xuất xe hơi.Trên thực tế, việc bổ nhiệm bà Barra đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ bởi khi đó một số ứng cử viên nam được đánh giá là có tiềm năng hơn bà rất nhiều. Thêm vào đó, việc bổ nhiệm một nữ giám đốc lãnh đạo tập đoàn sản xuất xe hơi chưa bao giờ có, nhất là khi GM đang phải vật lộn do cạnh tranh quyết liệt từ Toyota cũng như do nền kinh tế đang gặp nhiều bất ổn, kéo nhu cầu mua xe đi xuống. Bất chấp những khó khăn đó, CEO Barra đã khôi phục lại được GM ngay khi lên nắm quyền vào năm 2014. Bộ Tài chính Mỹ đã bán được hết cổ phiếu của GM cho các nhà đầu tư, vốn được dùng để cứu trợ công ty này tránh khỏi phá sản trước đó và hãng cũng lần đầu tiên trả được cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm gặp khó khăn. Không dừng lại ở đó, bà Barra còn là vị CEO ưa thích của cựu Tổng thống Barack Obama khi GM trở thành minh chứng cho những thành công cải cách kinh tế mà nhà lãnh đạo này đạt được sau cuộc khủng hoảng 2008. Cũng vào năm 2014, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã mời CEO Barra tới buổi phát biểu thông điệp liên bang, nơi mà đích thân ông Obama đã ca ngợi bà trước toàn thể thính phòng và nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt: “Thành công của chúng ta không phụ thuộc quá nhiều vào may mắn mà là dựa trên tinh thần làm việc cũng như mong muốn thực hiện giấc mơ của chúng ta. Đây là lý do khiến ông cha chúng ta thành lập nên nước Mỹ. Đó cũng là lý do khiến con gái của một công nhân nhà máy trở thành CEO của hãng sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ.” Tuy nhiên, con đường thành công của bà Barry không hề trải đầy hoa hồng.Tương tự như nhiều phụ nữ khác, sự nghiệp của vị nữ CEO này cũng trải nhiều chông gai và thách thức. Người phụ nữ dám chống đối Tổng thống Trump Việc Tổng thống Donald Trump muốn các nhà máy chuyển về Mỹ để tăng việc làm cho người dân không có gì là mới mẻ. Ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần đe dọa các công ty như Toyota, BMW hay thậm chí Ford về việc chuyển nhà máy từ Mexico về Mỹ nếu không muốn bị đánh thuế cao.Thậm chí Ford đã phải nhượng bộ hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Mexico để chuyển đến Michigan-Mỹ. Gần đây, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế mới lên GM khi dòng xe Chevy Cruze của hãng vẫn được sản xuất tại Mexico. Tuy nhiên, hãng GM dưới sự điều hành của bà Barra không sợ điều này và từ chối chuyển nhà máy về Mỹ. “Nhà máy tại Mexico là một khoản đầu tư dài hạn với số vốn lớn. Quyết định này đã được công ty chấp thuận từ cách đây 3-4 năm trước”, bà Barra nói. Có thể nói, người đàn bà thép Barra khá mạnh mẽ so với nhiều nam CEO trong ngành ô tô trước sức ép kinh khủng từ Tổng thống Trump. Để làm nên một tính cách cứng rắn không kém đấng mày râu như vậy, CEO Barra đã trải qua rất nhiều sóng gió cũng như thử thách. Sinh ra tại bang Michigan-Mỹ với người cha là công nhân sản xuất lâu đời trong nhà máy GM, ngay từ bé bà Barra đã có tình yêu với xe cộ. Lớn lên, bà theo học ngành kỹ sư và đã thực tập tại GM từ năm 18 tuổi vào năm 1988 rồi ra làm cho công ty ngay sau khi tốt nghiệp. Hãng GM cũng đã tạo điều kiện cho bà học để lấy bằng thạc sĩ sau đó. Có thể nói, GM không chỉ là nơi khiến sự nghiệp của bà Barra thăng hoa mà còn là ngôi nhà thứ 2 của vị CEO này. Dẫu vậy, thời thế không chiều lòng người khi GM gặp phải những đối thủ vô cùng khó chơi từ Nhật bản như Toyota hay Honda. Thế rồi đến đầu thập niên 2000, cơn khủng hoảng giá dầu khiến mọi người thích những dòng xe tiết kiệm xăng, nhỏ vừa và mức giá vừa phải như Toyota hơn là các loại xe truyền thống. Vào thời điểm này, GM lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện khi chi phí tổ chức sản xuất quá cao, khiến sản phẩm của công ty đắt hơn so với đối thủ. Tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến nhu cầu xe hơi giảm mạnh, đẩy GM đến bờ vực phá sản và buộc chính phủ Mỹ phải mua vào cổ phiếu của hãng và cung cấp các khoản tài trợ hàng tỷ USD để cứu doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nhất nước này. Trong suốt thời kỳ này, bà Barra đã chứng tỏ được năng lực của mình khi chèo chống công ty trong vai trò Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật toàn cầu của GM, rồi Phó giám đốc nhân sự và Phó tổng giám đốc sản xuất. Nhiều nhân viên cho biết bà Barra đã làm việc cật lực trong khoảng thời gian này khi GM lâm vào khó khăn. “Đó là khoảng thời gian rất khó khăn, nhưng rồi tôi biết rằng chúng tôi sẽ vượt qua được”, CEO Barra nhớ lại. Trong quá trình này, bà Barra đã giúp GM cắt giảm những chi phí không cần thiết trong khâu sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, GM cũng chuyển hướng nghiên cứu những dòng xe tiết kiệm xăng hơn trong môi trường giá xăng lên cao. Nhờ những cố gắng của nhà nữ lãnh đạo này cùng toàn thể công ty, GM đã vượt qua được thời kỳ khó khăn và trở lại đường đua trên thị trường sản xuất xe hơi. Sự quay trở lại đầy ngoạn mục Mặc dù vậy, bà Barra cũng gặp khó khăn trên cương vị CEO mới khi nhậm chức vào năm 2014. Vài tháng ngay sau những lời có cánh của cựu Tổng thống Obama, vụ bê bối hệ thống đánh lửa khiến GM phải lao đao. Hãng đã phải thu hồi khoảng 30 triệu sản phẩm tính đến cuối năm 2014 để sửa chữa lỗi này, gây thiệt hại lớn cả về doanh thu lẫn danh tiếng. Không những vậy, sơ xuất này đã khiến 124 người thiệt mạng, khoảng 275 người khác bị thương và bà Barra đã phải ra điều trần trước Nghị viện Mỹ về vụ việc. Nguyên nhân chính là việc GM bị cáo buộc che dấu lỗi này trong suốt 10 năm và khiến nhiều người bị tai nạn. Tuy nhiên phía GM lại cho rằng đây là sơ xuất không có chủ đích và đây hoàn toàn chỉ là tai nạn. Vụ việc kết thúc khi GM đồng ý bồi thường mỗi nạn nhân ít nhất 1 triệu USD và nộp phạt 900 triệu USD cho chính phủ. Đồng thời, khoảng 15 nhân viên quản lý của GM cũng đã bị sa thải do dính dáng đến vụ việc này. Sự kiện này cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của bà Barra khi vị nữ CEO không xuất hiện trên báo chí một thời gian sau đó do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của GM. Tuy nhiên, tài năng điều hành của bà Barra không thể bị che dấu mãi và đến năm 2016, hình ảnh của bà bắt đầu được lan truyền trở lại trên giới truyền thông. Sự việc này diễn ra trong thời kỳ GM đang cố gắng phát triển dòng xe tự động cho các dịch vụ chia sẻ taxi như Lyft, đồng thời nghiên cứu chế tạo các công nghệ thông minh cho xe hơi. Với một chiến lược mới như vậy, GM cần 1 gương mặt đại diện và bà Barra là một ứng cử viên sáng giá cho chiến dịch này. Sự trở lại đầy ngoạn mục của bà Barra đã nhận được sự chào đón của ông Obama khi chỉ định bà làm cố vấn tổng thống cho các vấn đề về xe tự động. Thậm chí, ông Trump cũng bổ nhiệm bà vào ban cố vấn kinh tế của mình. Có thể nói, với vai trò to lớn trong việc vực dậy cả ngành sản xuất ô tô Mỹ, bà Barra đang khiến cả ông Obama lẫn Tổng thống Trump phải nể phục. Rõ ràng, có những nghề tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới thì nữ giới lại làm vô cùng xuất sắc. Theo Doanhnhansaigon.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|