top-banner-2

Thứ năm, 13/04/2017, 16:47 GMT+7

CEO VietJet: 'Doanh nghiệp không nên đi theo con đường của Vietjet Air'

Viết bởi An An   
Thứ năm, 13/04/2017, 16:47 GMT+7

"Tôi phải xin nhận việc này. Tôi đi năn nỉ các cơ quan, lãnh đạo, để chứng minh công ty làm đúng theo chuẩn mực, chỉ xin được làm thủ tục cho phù hợp và khẩn trương”.

1-ceo-phuong-thao

Tại sự kiện Forbes Women's Summit vừa được tổ chức hôm 12/4 vừa qua, vị nữ tỷ phú đã có cơ hội chia sẻ lại quá trình IPO mà theo bà mô tả là chứa đầy những khó khăn về thủ tục của Vietjet Air tại thời điểm hơn 1 tháng trước.

800 ngày và lời khuyên 'doanh nghiệp Việt Nam đừng đi theo con đường của chúng tôi'

Trong cuộc trò chuyện với ông Dominic Scriven – Chủ tịch của quỹ Dragon Capital, một cổ đông nước ngoài lớn của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được nhận lời khen rằng thương vụ IPO của Vietjet Air đã được coi là “chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay” tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Phương Thảo, để đi đến cùng chặng đường IPO đó, một bộ máy gồm ban lãnh đạo công ty, các công ty luật, các ngân hàng tên tuổi hàng đầu thế giới đã phải bỏ ra 800 ngày, cùng với số tiền tiêu tốn lên tới hàng triệu USD mà vẫn còn thấy “khó nhằn”.

“Nếu đặt mục tiêu đơn thuần là niêm yết công ty trên sàn chứng khoán, tôi khuyên các doanh nghiệp không nên đi theo con đường của Vietjet Air” – bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Điểm khó nhất, theo như mô tả chính là khoảng cách lớn giữa luật pháp quy định tại Việt Nam và chuẩn mực luật pháp quốc tế theo tiêu chuẩn IPO Regulation S. Theo bà Thảo, thông thường rất khó để một doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, với thực tiễn tại Việt Nam mà có thể đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

“Trong quá trình thực hiện, có quá nhiều vấn đề khác biệt về thực tế kinh doanh và rảo cản pháp luật. Để một doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những điều kiện khó khăn của tiêu chuẩn quốc tế thực sự là không đơn giản” – bà Thảo bộc bạch.

Trong quá trình IPO của Vietjet Air, một vị luật sư làm việc trong dự án phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của cả 4 ngân hàng.

Trong 4 ngân hàng đó thì mỗi ngân hàng có đến 3, 4 bộ phận khác nhau. Mỗi bộ phận thì lại có tiếp những đòi hỏi khác nhau. Ví dụ, “bộ phận compliance thì có một yêu cầu, bộ phận sale marketing thì có một yêu cầu khác trong khi ban lãnh đạo dự án chúng tôi lại có quan điểm khác”.

Trong khi đó, về phía Vietjet Air thì do bộ máy công ty lần đầu thực hiện IPO, mà lại chọn thực hiện theo một chuẩn mực quốc tế ít doanh nghiệp Việt Nam từng chọn nên đã gặp phải không ít những bỡ ngỡ.

Theo bà Thảo, “các quản lý an toàn khai thác, quản lý phi công tiếp viên, quản lý kỹ thuật tàu bay, các nhân viên kỹ thuật của chúng tôi mới chỉ quen làm về mặt kỹ thuật chuyên môn của họ, còn chưa quen đi thẩm định, đi chứng minh rằng hoạt động của chúng tôi hiệu quả”.

“Cho đến tháng 11 năm ngoái, có những lúc ban lãnh đạo và ban dự án dừng lại để đưa ra quyết định quan trọng xem có nên tiếp tục đi nữa hay không vì phía trước có quá nhiều thủ tục khó khăn mà chúng tôi có nguy cơ không vượt qua được”.

Cuối cùng, sau 800 ngày, với sự tư vấn của 3 ngân hàng quốc tế, một số tiền hàng triệu USD được chi trả cho 3 hãng luật khắt khe nhất và một chút may mắn thuận lợi, Vietjet Air đã IPO thành công.

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo tỏ ra đặc biệt tự hào với thành quả này và cho rằng việc IPO thành công theo tiêu chuẩn Regulation S sẽ giúp không chỉ riêng cho Vietjet Air, mà còn giúp cho các các nhà đầu tư có được một sản phẩm chất lượng trên sàn chứng khoán, giúp cho thị trường chứng vốn Việt Nam có một sản phẩm chất lượng khi mang so sánh với các thị trường vốn nước bạn.

Bà cũng chia sẻ thêm rằng sau thương vụ IPO thành công này, Vietjet Air sẽ có ý định niêm yết trên các sàn chứng khoán lớn của thế giới như Singapore, New York hay London.

Không có nhẫn nại, bao dung thì khó đi đến cùng trong môi trường Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về chìa khóa để giúp thương vụ IPO 800 ngày của Vietjet Air đi đến thành công chính là việc: “Phải nhẫn nại, giống như làm việc với khách hàng vậy để các bên thỏa mãn mục tiêu của mình”

Để điểu hành ban dự án trong suốt 800 ngày, vị nữ CEO cho rằng khó khăn không phải ở mình, mà là ở chính team làm dự án. Đó là làm sao để cả bộ máy trong guồng làm việc cường độ cao vẫn có thể có thời gian nghỉ ngơi, học hỏi, cập nhật những kiến thực mới.

“Thực ra, tôi không phải dồn sức mấy cho 800 ngày này, vì làm việc chăm chỉ đã là thói quen ăn vào máu gần 30 năm nay rồi”.

“Đối với tôi, khó khăn nhất là đối với team làm dự án, làm sao để mọi người cùng có thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian để tiếp thu, cập nhật kiến thức thông tin mới để vận dụng vào dự án”.

Về phần mình, bà khiêm tốn nhận trách nhiệm của mình chỉ là “truyền những tinh thần, thói quen, kinh nghiệm của mình cho anh em để dự án đi được đến cùng”.

Cùng với đó, công việc của vị nữ tỷ phú cũng là làm việc với các cơ quan chức năng trong những phần khó nhất về mặt thủ tục của thương vụ IPO.

Bà chia sẻ, khi mà bộ máy và các luật sự nước ngoài hàng đầu đã phải bó tay với thủ tục hành chính của Việt Nam, thì cũng là lúc bà phải sử dụng tên tuổi của mình để vào cuộc

Bà nói: “Tôi phải xin nhận việc này. Tôi đi năn nỉ các cơ quan, lãnh đạo, để chứng minh công ty làm đúng theo chuẩn mực, chỉ xin được làm thủ tục cho phù hợp và khẩn trương”.

“Không có một chút nhẫn nại, không có một chút bao dung thì chúng ta khó đi đến cùng kết quả trong môi trường luật pháp Việt Nam” – bà Nguyễn Thị Phương Thảo kết luận.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

CEO VietJet: 'Doanh nghiệp không nên đi theo con đường của Vietjet Air'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc