top-banner-2

Thứ bảy, 27/10/2018, 10:41 GMT+7

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon

Viết bởi Minh Mẫn   
Thứ bảy, 27/10/2018, 10:41 GMT+7

Để giao được các kiện hàng đúng thời hạn, nhanh chóng và miễn phí, các công ty chuyển phát nhanh đối tác của Amazon đã phải vắt kiệt người lao động của mình đến mức tối đa.

Vị thế số một về thương mại điện tử của Amazon là điều không phải bàn cãi. Nhưng đi kèm với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của công ty, nhu cầu đối với các tài xế cũng trở nên cấp thiết hơn.

Hiện Amazon có hơn 100 triệu thành viên trả phí Prime. Với mức phí hàng năm là 119 USD, các thành viên sẽ được cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng 2 ngày miễn phí cho hàng triệu món hàng. Với gói Prime Now, việc giao hàng sẽ được thực hiện trong ngày.

Trong năm 2017, công ty đã giao đến hơn 5 tỷ kiện hàng theo gói Prime trên toàn cầu. Để đảm bảo hàng triệu kiện hàng đó được giao mỗi ngày, Amazon phải thuê các lái xe theo chương trình Amazon Flex Program. Các lái xe Flex sẽ làm việc trực tiếp với Amazon. Họ tự làm chủ giờ làm của mình và là ông chủ của chính mình.

Ngoài ra, Amazon cũng sử dụng cả dịch vụ của FedEx, UPS và USPS, cũng như các công ty bên thứ ba mà họ gọi là các đối tác dịch vụ giao hàng, hay DSP (delivery service partner), để tự quản lý đội xe của riêng mình.

Đối với Amazon, việc trả tiền cho các công ty bên thứ ba để giao hàng là một sự thay thế hiệu quả về chi phí để có được việc phục vụ toàn thời gian. Còn đối với người tiêu dùng, tốc độ giao hàng trong 2 ngày đúng là tuyệt diệu. Nhưng theo cuộc phỏng vấn của trang Business Insider với 31 tài xe (đã và đang làm việc cho các đối tác DSP của Amazon,) vận chuyển số kiện hàng lớn như vậy không hề dễ dàng, và công việc này có rất nhiều vấn đề.

Cuộc phỏng vấn kéo dài 8 tháng này cũng tiết lộ nhiều mặt tối phía sau ưu đãi free ship (miễn phí giao hàng) của Amazon, bao gồm hàng loạt các cáo buộc lạm dụng, quịt tiền lương làm thêm giờ, trả thiếu lương, hăm dọa và thiên vị. Các lái xe cũng cho biết, đây là công việc đòi hỏi nhiều hoạt động thể chất, dưới áp lực thời gian nghiêm ngặt. Họ thường xuyên chịu áp lực lái xe ở tốc độ nguy hiểm, vượt đèn giao thông, bỏ bữa và thiếu nghỉ ngơi, thậm chí việc phải đi tiểu vào chai ngay trên xe cũng không hiếm.

Đáp lại, đại diện của Amazon cho biết, một số thách thức vẫn còn tồn tại trong mạng lưới các nhà cung cấp của họ và họ đang làm việc để cải thiện hệ thống. Phát ngôn viên của Amazon, Amanda Ip trả lời trang Business Insider:

"Chúng tôi đã làm việc với các đối tác, lắng nghe nhu cầu của họ và triển khai các chương trình mới để đảm bảo các doanh nghiệp vận tải nhỏ phục vụ cho khách hàng Amazon có được công cụ họ cần để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng và nhân viên."

Việc đăng ký để trở thành đối tác chuyển phát nhanh của Amazon khá dễ dàng, khi được thực hiện trực tuyến. Thậm chí quảng cáo của Amazon còn cho biết: "Bắt đầu việc kinh doanh của bạn chỉ với 10.000 USD. Không đòi hỏi kinh nghiệm logistic." Toàn bộ quá trình đăng ký có thể mất từ 4 tuần đến 6 tháng.

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 1.

Khi được chấp nhận, Amazon sẽ cung cấp cho các đối tác một số tuyến đường vận chuyển hàng ngày. Mỗi tuyến dành cho một lái xe duy nhất, với khối lượng trung bình từ 250 đến 300 kiện, và có thể còn lên tới 400 kiện vào thời gian nghỉ lễ cao điểm. Bên cạnh đó, Amazon còn cung cấp một thiết bị điện tử - được gọi là con thỏ để quét lên mỗi kiện hàng và định hướng tuyến đường.

Gần đây, để mở rộng hơn nữa mạng lưới này, Amazon đưa ra các ưu đãi, như mức phí đặc biệt cho các chương trình bảo hiểm lái xe và xe tải, đối với bất kỳ ai sẵn sàng tham gia việc kinh doanh vận tải. Tuần trước nữa, công ty còn cho biết họ đã cung cấp khoảng 20.000 chiếc xe tải Mercedes Benz cho chương trình ưu đãi mới này.

Theo các lái xe, những công ty chuyển phát nhanh trả lương cho nhân viên theo hai cách: hoặc một khoản cố định từ 125 USD đến 150 USD một ngày, hoặc từ 13 USD đến 15 USD mỗi giờ. Mức lương đó cũng phù hợp với các công việc vận chuyển khác. Theo Cục thống kê Lao động Mỹ, mức lương trung bình của các công ty vận tải là 15,12 USD/giờ, hoặc 31.450 USD/năm.

Jim Blanchard, đại diện của công ty chuyển phát Courier Distribution System và DeliverOL, cho biết, công việc vận chuyển hàng cho Amazon đã đưa nhiều người nghèo ở Mỹ ra khỏi tình trạng đói khổ cùng cực và cho phép họ mua nhà và xe.

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 2.

Một cựu lái xe cho Courier Distribution System, Jermaine Lakota Johnson cho biết, ông đã được trả 740 USD/tuần, khoảng 38.000 USD mỗi năm trước thuế. "Đó là một công việc tuyệt vời, một trong những việc tôi thực sự yêu thích." Bên cạnh khoản thu nhập kha khá, ông còn có thời gian linh hoạt và có thể nghỉ khi muốn. Nếu ông hoàn thành việc giao hàng lúc 2h chiều, ông có thể nghỉ ngơi cả ngày.

Nhưng dường như nhiều lái xe khác lại không may mắn như vậy. Nhiều người đã than phiền về việc các ông chủ của họ đã không làm đúng như những gì họ hứa.

Những ông chủ khó ưa

Hàng loạt lái xe từ các công ty chuyển phát nhanh này đã mô tả các ông chủ của họ như những kẻ tồi tệ, không giữ lời hứa và ngược đãi nhân viên.

Bốn lái xe từ 3 công ty đối tác của Amazon cho biết, ông chủ của họ có hứa hẹn các lợi ích về sức khỏe nhưng sau đó không thực hiện. Tám nhân viên đến từ 4 công ty cho biết, các lái xe bị từ chối trả lương làm ngoài giờ, cho dù đã làm tốt hơn 40 giờ một tuần. 13 nhân viên từ 5 công ty khác than phiền về việc tiền lương bị trả thiếu.

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 4.

Ku Irvin, một lái xe tại DeliverOL ở Colorado cho biết vào tháng Mười Một, 2016. "Văn hóa ở đây đúng là ăn cướp. Đó là một cánh cửa quay vòng vòng. Rất nhiều lời hứa được đưa ra nhưng không thực hiện." Chín tháng sau khi vào làm, ông trở thành quản lý nhưng sau đó ông không thể chịu đựng nổi nó và ra đi sau khi thấy không thể bảo vệ các lái xe.

Không chỉ vậy, những lời phàn nàn thường bị đáp lại bằng việc sa thải, trừ lương hoặc không giao cho tài xế tuyến đường nào. Một người giám sát tại công ty Prime EFS đã nhắn tin đe dọa các lái xe rằng:

"Ngày mai là Thứ Bảy. Cuối tuần. Lúc mọi người muốn nghỉ ngơi. Các bạn đã được xếp lịch vào ngày mai, vì vậy tôi muốn mọi người xác nhận và đến đúng giờ vào ngày mai. Bất kỳ ai muốn nghỉ ngơi, tôi sẽ đảm bảo bạn không nhận được bất kỳ tuyến nào trong một tuần."

Tám lái xe từ 5 công ty khác chỉ trích quản lý của họ là những người thiên vị. "Nếu họ thích bạn, bạn sẽ gặp may. Nếu không, họ sẽ làm cuộc sống của bạn khốn khổ. Cuối cùng, họ biết mọi người cần việc làm. Vì vậy, nếu bạn không thích nó và rời đi, họ sẽ thay thế bạn bằng người khác."

Shanaea Burnett và Naimah Turner, hai cựu nhân viên của Prime EFS cho biết, một trong các quản lý của họ liên tục chỉ định những xe tải và tuyến đường tốt hơn cho một số lái xe nhất định.

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, Business Insider cũng nhận lời phàn nàn từ 13 nhân viên của 5 công ty khác nhau vì những vấn đề trong việc trả lương của họ. Ví dụ như, các quản lý tại DeliverOL thường "quên" không gửi paycheck cho lái xe mới gia nhập hệ thống. Chỉ đến khi các lái xe phát hiện ra và kêu ca, vấn đề mới được sửa chữa.

Ngoài ra, một nhà quản lý tại một công ty Texas cũng cho biết, công ty của mình không trả tiền làm ngoài giờ cho các lái xe trong ít nhất một năm. Mọi việc chỉ thay đổi khi vụ việc được đưa ra tòa.

Điều kiện làm việc

Cho dù Amazon các lái xe có 30 phút nghỉ ăn trưa và hai lần nghỉ 15 phút giữa chừng, nhưng với khối lượng hàng tăng vọt, các lái xe cho rằng việc dừng lại ăn trưa hay nghỉ ngơi sẽ làm họ trễ lịch giao hàng, và có thể mất việc.

Một quản lý công ty chuyển phát nhanh ở New Jersey cho biết: "Công việc này thật tàn bạo. Các lái xe thường xuyên phải đi tiểu ngay trên xe."

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 7.

Marvic Trejo, người từng làm lái xe cho 2 công ty chuyển phát nhanh cho Amazon, kể lại rằng, anh từng nhặt được mấy chai nước tiểu trên xe tải và tại các kho của Amazon, nơi anh lấy hàng. "Thật kinh tởm. Chẳng có nơi nào trong xã hội này mà có người còn phải đi tiểu vào chai. Điều tồi tệ nhất là mọi người thậm chí còn không quăng nó đi. Họ chỉ việc ném luôn nó ra sàn."

Nhưng điều đáng sợ nhất với các lái xe là họ thường xuyên vi phạm luật giao thông để kịp giao hàng. Tám lái xe cho biết, họ thường xuyên phóng quá tốc độ. Rất nhiều người chỉ trích Amazon, khi cho rằng các tuyến đường công ty vạch ra không tính đến các yếu tố như thời tiết hay giao thông.

Eric Jeffries, cựu chuyên viên trong quân đội Mỹ, cho biết, Amazon chỉ dành cho từ 3 đến 4 phút để quay đầu xe giữa các lần giao hàng khi anh làm cho DeliverOL vào năm ngoái. Đối với anh, công việc giao hàng này cần thể lực và cảm xúc nhiều hơn cả trong quân đội. Anh cho biết, gần như không thể hoàn thành tuyến đường giao hàng trong khung thời gian 9 tiếng do Amazon vạch ra.

Anh không trách công ty nhưng anh trách Amazon: "Họ bị Amazon chèn ép về các chi phí cơ bản, và họ đẩy các hành động vô nhân đạo này về phía những người lao động."

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 8.

Amazon cho biết, lượng hàng giao của họ có sự dao động, phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nhu cầu của khách hàng, và họ luôn luôn đánh giá lại các tuyến đường cũng như thực hiện điều chỉnh, ví dụ thuê thêm lái xe ở các khu vực nhu cầu cao.

Trong khi đó, Ip phát ngôn viên của Amazon cho biết, hơn 90% tuyến đường giao hàng được hoàn thành trong khung thời gian hợp lý và các lái xe được khuyến khích nghỉ khi nào cần thiết. "Phần lớn các lái xe hoàn thành tuyến đường hàng ngày của họ dưới 9 tiếng, bao gồm cả nghỉ ngơi, các vấn đề giao thông, và hơn nữa."

 

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon - Ảnh 9.

Thế nhưng theo bảng lương của hàng loạt lái xe mà Business Insider phỏng vấn, thời gian làm việc của họ lâu hơn nhiều so với 9 tiếng. Ví dụ, với hơn 200 tuyến đường trong một tuần làm việc của Prime EFS vào tháng Chín, trung bình các lái xe mất hơn 11 tiếng để hoàn tất.

Quảng cáo tuyển lái xe của công ty Southern Star Express thông báo, giờ làm việc kéo dài từ 12 tiếng đến 15 tiếng mỗi ngày. Họ cho biết số lần dừng sẽ là từ 200 đến 250 lần mỗi ngày, và giao được ít nhất 25 kiện hàng mỗi giờ.

Ai là người có lỗi

Các lái xe vận tải của Amazon có thể có nhiều vấn đề, nhưng Amazon lại không phải giải quyết nó. Về mặt kỹ thuật, công ty không thuê họ. Cũng như hàng triệu đối tác lái xe cho Uber và Lyft, các công việc làm khoán (contract work) đã giúp các tập đoàn tỷ USD này có trong tay một đạo quân lao động hùng hậu mà không phải trực tiếp thuê mướn họ.

Việc chuyển dịch từ nhân viên toàn thời gian sang các người lao động làm khoán đã tạo ra một cơn địa chấn đối với lực lượng lao động Mỹ. Nó mang lại lợi ích tài chính cho các tập đoàn lớn. Amazon cho biết, họ sử dụng mô hình này để trao quyền cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng với những người đang làm việc với họ, điều này khiến họ cảm thấy mình mất hết quyền tự chủ.

Theo Beth Gutelius, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Illinois, Chicago, xu hướng này càng tồi tệ hơn đối với ngành vận tải, nơi chi phí là lợi thế cạnh tranh duy nhất để được Amazon chọn trở thành đối tác.

Một phần vấn đề nằm ở khách hàng

Amazon đã tạo ra một trải nghiệm mua hàng liền mạch, làm cho khách hàng đặt mua hàng ngày càng nhiều hơn, đến mức như không dừng lại để xem bao nhiêu gói hàng sẽ xuất hiện ở cửa nhà của mình.

Tia Koose, giám đốc nghiên cứu pháp lý và chính sách tại UCLA Labor Center, cho biết: "Kỳ vọng mà Amazon tạo ra – giao hàng nhanh, miễn phí – là gần như không thể. Việc giao hàng luôn tốn tiền. Bởi vì đó là quá trình vô hình nên chúng ta, những người tiêu dùng, sẵn sàng bỏ qua nó và những gì đang diễn ra với người lao động."

Theo cafebiz.vn 27/10/2018

Nguồn: http://cafebiz.vn/mat-trai-dau-buon-cua-free-ship-trong-de-che-ban-le-amazon-20181027085420168.chn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Mặt trái đau buồn của free-ship trong đế chế bán lẻ Amazon

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc