top-banner-2

Thứ hai, 12/08/2013, 08:13 GMT+7

Họa sĩ Trần Thuận: "Mỗi bức tranh là cảm xúc duy nhất"

Thứ hai, 12/08/2013, 08:13 GMT+7

Không qua trường lớp mỹ thuật, Trần Thuận tự khám phá hội họa bằng chính bản năng và tâm thức, với slogan gắn với nghiệp “cầm cọ” của mình: Tự pha màu đời tôi.

Những “mảng màu” trong tranh của Trần Thuận cũng giống như “cái nghiệp” của chị vậy, chân thật, không giấu diếm. “Trần Thuận sử dụng phương pháp thể hiện đồng hiện, không cần đến sự thấu thị trong hội họa. Trong tranh Trần Thuận thấp thoáng tranh mộc bản Nhật Bản và Pop châu Âu. Cái hay của Trần Thuận là chuyển tải theo ý đồ riêng của mình trong màu nước”- “Họa sĩ bồi bàn” với “kiểu vẽ” nổi tiếng bằng ngón tay ở xứ sở sương mù Đà Lạt - Võ Trịnh Biện cảm nhận.

Gặp chị tại căn gác nhỏ, bừa bộn tranh, cọ, màu… nhưng “ngập nắng” – bởi những mảng màu trong những bức tranh sen sâu lắng, mượt mà; được “pha màu” bởi chính “bầu máu nóng”, sự nhiệt huyết của người con miền Trung đầy nắng và gió; chúng tôi bật cười bởi chị đang rộn ràng sắp đặt cho nhiếp ảnh gia Xuân Anh và Lê Hồng Quân chụp lại hai bức tranh mới nhất chị vẽ để tặng cho Triển lãm tranh “Bóng Mẹ” đấu giá từ thiện.

Tự tìm tòi cách pha màu mới, cách sắp xếp bố cục và vẽ mẫu. Từ thợ thiết kế mẫu hoa, chuyển qua hội họa là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời họa sỹ Trần Thuận. Không được đào tạo chính quy, không kiến thức về hội họa, không có người đỡ đầu, chị chọn lấy con đường hội họa gian nan bằng màu nước. Chị còn lang thang khắp tiệm tranh ở Sài Gòn để học hỏi thêm. Sau khi vẽ thành tác phẩm và bán được bức tranh đầu tiên tại tiệm tranh trên đường Pasteur, chị đã khóc...

Tranh thủ thời gian, chị lại lọ mọ đi học thêm photoshop, corel để thiết kế mẫu in thiệp cho một công ty ở Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, rồi mày mò học hỏi thêm sơn dầu, màu acrylic, cả cách sáng tạo kết hợp giữa cách vẽ màu nước và air brush (phun màu bằng màu nước, màu poster), ngoài ra chị còn kết hợp với phương pháp dùng hóa chất và các chất liệu khác như cao su, sáp, muối, nhựa… Càng ngày, chị cho ra những biến tấu tuyệt đẹp từ những sự kết hợp mới mẽ này, các tác phẩm ngày một mới lạ và hoàn hảo.

Màu nước vẽ rất nhanh, nhưng đòi hỏi cách xử lý khôn khéo và kiên nhẫn từ người cầm cọ. Đến nay, chị Trần Thuận đã biết đến như họa sĩ hiếm hoi thành công ở Việt Nam trong lĩnh vực tranh màu nước. Chính bản thân chị cũng thổ lộ rằng: “So với một số loại tranh khác, tranh màu nước cần phải vẽ liên tục, không được dừng tay cho đến khi xong tác phẩm, và đặc biệt ngay cả người vẽ cũng không thể sao chép lại chính bức tranh của mình một cách chuẩn xác quá 80%. Mỗi bức vẽ là một cảm xúc duy nhất của tác giả”.

Nhiều người quen biết với chị cũng không hiểu được một phụ nữ độc thân như chị, làm thế nào để luôn mỉm cười như thế. Thậm chí sau từng ấy thời gian bươn chải, chị vẫn ở trong căn gác xếp nhỏ với vài lọ màu. Dường như trong chị có cả một cái đầu lạnh lùng và một trái tim nóng hổi, để biết đâu là giới hạn của sự đau khổ và ranh giới của niềm tin trong sáng. Nó làm chị cân bằng hoàn toàn để không cảm thấy bất an, chông chênh. Nhìn những bức tranh tĩnh vật của chị, chúng mềm mại và bình yên đến lạ; chỉ một lần gặp không nghĩ chị là một người sôi nổi, trẻ trung đến vậy. Để những tác phẩm của chị ẩn chứa sự nhỏ bé và hạn hẹp của cuộc nhân sinh, để người xem cảm nhận và buông bỏ bớt những bon chen, phiền toái đời thường. Và với ngay cả bản thân chị, một họa sĩ, một người được xem đầy trung thành và tâm huyết với hội họa. Chị tạo ra một cuộc sống đầy những điều mới mẻ, ngăn nắp và đẹp đẽ bằng những đường họa tuyệt mỹ, bằng những vũ điệu màu nước riêng biệt theo cách của mình.

Mang đến Triển lãm “Bóng Mẹ” là hai bức tranh màu nước với chủ đề “Vòng tay Mẹ” và “Đời Mẹ” (được phác hoa bởi hình ảnh của hoa sen), chị gửi gắm cả một tình yêu màu nước, cả một tâm cảm về hình ảnh thiêng liêng của đấng sinh thành nhân Mùa Vu lan…

Bức tranh "Đời Mẹ"

Bức tranh "Vòng tay Mẹ".

Họa sỹ Trần Thuận (áo dài hoa) chụp cùng nhiếp ảnh gia Xuân Anh (áo xanh) trong triển lãm "Bóng Mẹ".

Họa sĩ Trần Thuận quê ở Cát Tiến, Phù Cát, Bình Định.

- Triển lãm cá nhân Giai điệu màu nước ở News & New Art café (Đà Lạt - Lâm Đồng).

- Hội nghị hội thảo mỹ thuật khu vực V, Nam miền Trung và Tây Nguyên lần 1 - Triển lãm mỹ thuật Bình Định - Phú Yên - Quảng Ngãi.

Vì chương trình có thay đổi, chỉ diễn ra một buổi duy nhất vào tối 10/8 thay vì cả ngày 11/8 như dự kiến, nên nhiều khách tham quan vẫn chưa kịp mua tranh. Đáp ứng nhu cầu của những người yêu nghệ thuật và có lòng hảo tâm đối với những việc thiện nguyện, Ban Tổ chức đã quyết định đưa tất cả những bức tranh sen, tranh mẹ con Mùa Vu lan, sách ảnh Bóng Mẹ về chùa Từ Quang - Bình Chánh (B1/7 Quốc Lộ 1A - Ấp 2 - Xã Tân Kiên – H.Bình Chánh - TP.HCM) từ 12 âm lịch đến hết tháng 7 âm lịch (DL 18/8 đến 4/9) để cho các Phật tử có thể tham quan và mua tranh ủng hộ chương trình.

 

Bài: Thiên Bình - Ảnh: Xuân Anh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Họa sĩ Trần Thuận: "Mỗi bức tranh là cảm xúc duy nhất"

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc