top-banner-2

Chủ nhật, 05/01/2014, 13:53 GMT+7

Hollywood - thánh địa điện ảnh đang lụi tàn?

Viết bởi lehang   
Chủ nhật, 05/01/2014, 13:53 GMT+7

Hollywood từng là nơi làm phim lý tưởng trên thế giới. Tuy nhiên vì nhiều lý do, các nhà làm phim đang thi nhau tìm đến những “thánh địa” điện ảnh mới như Vancouver (Canada), London (Anh) và Wellington (New Zealand).

Gần đây nhất trong xu thế này là đạo diễn James Cameron. Hồi đầu tháng 12/2013, ông đã thông báo các kế hoạch quay và sản xuất 3 tập tiếp theo của phim bom tấn Avatar ở New Zealand.

Thu hút nhờ mức thuế hợp lý

Yếu tố khiến New Zealand “kéo” được đạo diễn Cameron tới đây làm phim là giúp giảm tới 25% chi phí sản xuất cho ông. Đây là một con số không nhỏ, khi công ty của ông phải chi ít nhất 413 triệu USD kinh phí cho 3 tập phim.

“Không nơi nào trên thế giới giúp chúng tôi có thể làm 3 tập phim với mức hợp lý như New Zealand” - nhà sản xuất Jon Landau cho biết - “Không phải do những ngọn núi lửa ở quần đảo này và cũng không phải do những dòng sông băng đầy sức lôi cuốn, mà yếu tố quyết định là tiền bạc. Chúng tôi đã thăm dò ở những nơi khác, nhưng cuối cùng thấy ở đây là hợp lý nhất”.

alt

Đạo diễn Peter Jackson thực hiện những cảnh quay ngoạn mục của bộ ba phim The Hobbit ở New Zealand

New Zealand áp dụng mức thuế ưu đãi cho các nhà làm phim, đổi lại nền kinh tế bản địa cũng được lợi đáng kể từ các dự án điện ảnh. "Ký hợp đồng làm phim Avatar được xem là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất và chúng tôi có thể đặt nhiều hy vọng vào đó” - Alex Lee, một luật sư ngành giải trí của New Zealand, phấn chấn nói.

Dự án điện ảnh của đạo diễn Cameron hiển nhiên được nền công nghiệp điện ảnh New Zealand hồ hởi đón nhận. Loạt phim truyền hình ăn khách Spartacus của kênh truyền hình cáp The Starz đã kết thúc sản xuất từ cuối năm 2013 và bộ 3 phim The Hobbit của Peter Jackson sẽ hoàn thành trong năm nay. Nhờ sản xuất các tập phim tiếp theo của Avatar, khoảng 1.100 nhân công tại Weta Digital Ltd., công ty hiệu ứng kỹ thuật số do Jackson đồng sáng lập hồi năm 1993, sẽ có việc làm đến năm 2018.

“Thật xấu hổ nếu chúng ta mất đi bất cứ tài năng làm phim nào và họ phải chuyển đi nơi khác để làm các tác phẩm của mình” - Celia Wade-Brown, Thị trưởng thành phố Wellington, nói.

Một trong những yếu tố nữa khiến các nhà làm phim phải trở thành những người “du mục” như hiện nay là sức tiêu thụ của những bộ phim được phát hành bằng đĩa DVD đang giảm mạnh.

Hiện trạng đó làm tăng áp lực về kinh phí làm phim, trong khi nhu cầu thưởng thức những cảnh phim ngoạn mục, được tạo dựng bằng kỹ xảo hình ảnh của khán giả, lại gia tăng. Công nghệ phát triển khắp thế giới và ngày càng có nhiều công ty kỹ xảo hình ảnh xuất hiện, không ngừng thu hút các nhà làm phim với mức giá ưu đãi.

Hàng loạt "thánh địa" điện ảnh mới

Sự phóng khoáng của nhiều chính quyền đã góp phần tạo nên những “tiểu thánh địa” điện ảnh ở Vancouver, Montreal, London, New York và Wellington. Tất cả những nơi này đang cạnh tranh nhau quyết liệt để trở thành một “thánh địa” điện ảnh mới kế tiếp.

Trong khi đó tại bang California, nơi đặt Hollywood, các mức ưu đãi thuế còn quá ít nên khả năng thu hút dự án điện ảnh có kinh phí lớn đã kém đi trông thấy. Đứng trước thực tế trên, ông Raul Bocanegra, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đang chuẩn bị dự thảo nhằm cải tổ các chính sách thuế của bang California, dù việc này sẽ không dễ thông qua.
“Khi mức thuế được nới lỏng, chúng ta sẽ đón nhiều nhà làm phim hơn” - Hal "Corky" Kessler, một luật sư về thuế thuộc công ty Deutsch, Levy & Engel có trụ sở ở Chicago khẳng định.

Ông Joseph Chianese, Phó giám đốc điều hành công ty tư vấn EP Financial Solutions cho biết cuộc cạnh tranh nhằm đưa ra những mức thuế hấp dẫn đang rất căng thẳng. Hiện có hơn 30 nước và 44 bang của nước Mỹ đang đẩy mạnh việc giảm thuế cho các nhà làm phim, với hy vọng sẽ thu lợi tối đa từ hoạt động làm phim.

Theo Thế thao Văn hóa


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hollywood - thánh địa điện ảnh đang lụi tàn?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc