top-banner-2

Thứ hai, 05/12/2016, 10:24 GMT+7

Xây dựng thương hiệu, mở chuỗi và nhượng quyền kinh doanh

Viết bởi An An   
Thứ hai, 05/12/2016, 10:24 GMT+7

Tập trung vào quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển mở rộng hệ thống chuỗi các chi nhánh và cuối cùng nhượng quyền kinh doanh là mục tiêu mà các doanh nghiệp hiện nay vẫn quan tâm.

Trong đó, thực trạng kinh doanh theo mô hình chuỗi và nhượng quyền thương hiệu hiện nay cho thấy bên cạnh nhiều tiềm năng vẫn ấn giấu những rủi ro rất lớn bởi sự tác động của yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

1-hinh-2

Xây dựng thương hiệu: Cần ấn tượng và khác biệt

Trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu là công việc quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của doanh nghiệp ấy, đặc biệt, trong thời đại công nghệ thay đổi như vũ bão hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp cần đầu tư sâu và chất hơn bao giờ hết. Bởi vì “sản phẩm là thứ có thể bị bắt chước một cách dễ dàng nhưng thương hiệu là độc nhất vô nhị”. (Stephen King)

Có nhiều yếu tố hợp thành thương hiệu nhưng mỗi doanh nghiệp cần chú ý vào các vấn đề: mô tả nhận diện sản phẩm (trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm), giá trị, thuộc tính, cá tính (của sản phẩm). Bởi vì thương hiệu ràng buộc với người tiêu dùng qua mối quan hệ thương hiệu-người tiêu dùng nên vấn đề thương hiệu trong mối liên kết tương tác với khách hàng được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, đầu tiên cần hình thành môi trường cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu; sau đó sẽ cho khách hàng tương tác, tiếp xúc với nhân viên và sau cùng doanh nghiệp phải có các hoạt động marketing, truyền thông để quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Đặc biệt, ngày nay, quá trình khách hàng trải nghiệm, dịch vụ sản phẩm càng được chú ý hơn nhiều bởi vì thương hiệu là sự cảm nhận của họ đối với sản phẩm của thương hiệu. Vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay cực kỳ chú trọng xây dựng quá trình trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng.

Không những vậy, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến các vấn đề giá trị, tính năng, chất lượng của sản phẩm vì đó mới là yếu tố nội tại quyết định thành bại của thương hiệu đó. Ngoài ra, nhà kinh doanh cũng cần quan tâm đến việc xây dựng những giá trị vô hình của thương hiệu như việc người tạo ra sản phẩm nổi tiếng và có “thương hiệu” cũng dễ tạo nên ấn tượng và lòng tin ở khách hàng. Đặc biệt, các nhà kinh doanh xây dựng thương hiệu thường không thể bỏ qua việc xây dựng một dấu hiệu đặc trưng cho sản phẩm dịch vụ của mình như: “logo, tông màu, font chữ, bao bì, vật dụng, thiết kế cửa hàng... được thiết kế phù hợp, góp phần làm tôn vinh những giá trị vô hình và hữu hình của sản phẩm và nhà sản xuất, giúp nhận diện thương hiệu được dễ dàng, nổi bật khi đứng cạnh những sản phẩm khác”.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, việc xây dựng thương hiệu càng quan trọng và không hề dễ dàng. Theo lời khuyên của Leslie Wexner, các nhà khởi nghiệp cần phải am hiểu khách hàng, dự đoán thị trường và có tính tò mò để có thể chọn lọc những bước cần thiết và quan trọng nhất tạo nên dấu ấn thương hiệu mạnh nhất có thể. Các công ty khởi nghiệp cần chú ý đến 4 yếu tố để xây dựng thương hiệu có hiệu quả, đó là: chọn một cái tên thương hiệu tuyệt vời và ấn tượng, một tên miền hoàn hảo, thiết kế một logo đơn giản nhưng nổi bật và website được thiết kế chuyên nghiệp.

1-hinh-1

Kinh doanh theo chuỗi và nhượng quyền thương hiệu: Tiềm năng và rủi ro

Hiện nay, một trong những xu hướng kinh doanh phổ biến của thế giới và ở tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp khi phát triển thương hiệu không chỉ dừng lại ở một mà đi vào con đường kinh doanh chuỗi cửa hàng. Bởi vì, kinh doanh chuỗi có khả năng phát huy thế mạnh và quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, xu hướng kinh doanh chuỗi phát triển nhanh tại Việt Nam bởi vì đây là một mảnh đất tiềm năng và trở thành xu hướng kinh doanh thời thượng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ. Các thương hiệu thi nhau mở chuỗi không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, có thể kể đến các thương hiệu Trung Nguyên, Phở 24h, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, Trà Sữa Hoa Hướng Dương, Phở Hùng, Cơm Tấm Cali…

Tuy nhiên, kinh doanh chuỗi hiện nay tiếp tục phát triển thành 2 hình thức phổ biến. Sau khi xây dựng doanh nghiệp và có thương hiệu vững chắc, bắt đầu đi vào kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tự mở chuỗi và quản lý công việc kinh doanh. Và hình thức thứ 2 là các nhà đầu tư sẽ bán lại thương hiệu theo kiểu nhượng quyền kinh doanh. Hình thức kinh doanh này phát triển mạnh trên cả thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thương hiệu nước ngoài phát triển chuỗi tại Việt Nam cũng như các thương hiệu của Việt Nam phát triển chuỗi trong nước và vươn ra nước ngoài đã có nhiều thành công nhưng cũng không ít doanh nghiệp thất bại.

Qua đó, cho thấy một điều rằng kinh doanh chuỗi theo hình thức nhượng quyền kinh doanh có thể phát triển mạnh hay gặp rủi ro còn phụ thuộc vào nhiều yêu tố. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi có được từ việc thương hiệu đã được xây dựng, trải qua một thời gian được thẩm định và được khẳng định chất lượng của sản phẩm, dịch vụ thì việc kinh doanh theo chuỗi sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực và phát triển ngày một mạnh hơn vì sự đồng bộ trong quản lý, có sự uy tín và chuyên nghiệp của thương hiệu, hệ thống nhận diện đặc trưng, đồng nhất và tiện ích bởi chuỗi cửa hàng được mở khắp các nơi, tạo nên sự thuận tiện cho khách hàng.

3-hinh-

Thế nhưng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc kinh doanh nhượng quyền thương hiệu khi phát triển chuỗi cửa hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể, thậm chí tạo nên hiệu ứng di chuyền domino. Gần đây, các thương hiệu nổi tiếng của thế giới kinh doanh chuỗi tại Việt Nam và cả những thương hiệu của Việt Nam phát triển chuỗi ra nước ngoài đối mặt với thất bại đã minh chứng cho việc không vượt qua được những rào cản đầu tư và phát triển chuỗi theo mô hình kinh doanh nhượng quyền, cho thấy những điểm bất ổn của hình thức kinh doanh này. Phân tích nguyên nhân dẫn đến thất bại, các chuyên gia có đề cập đến các vấn đề như khi cửa hàng được nhượng quyền không tuân thủ các nguyên tắc thống nhất của chuỗi thương hiệu, chuỗi cửa hàng được nhượng quyền không vượt qua được những rào cản về phong tục tập quán kinh doanh của mỗi đất nước, không bám sát tôn chỉ kinh doanh của thương hiệu trên toàn cầu, văn hóa tiêu dùng của mỗi nước khác nhau, mỗi khu vực, mặt bằng, nguồn nhân lực, giá cả, sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu sản phẩm…

Từ đó cho thấy, mô hình kinh doanh theo chuỗi không thể áp dụng với tất cả các loại sản phẩm mà chỉ phù hợp với một số mặt hàng thông dụng. Tuy nhiên, với xu hướng, đặc trưng và nhu cầu tiêu dùng của xã hội nên hình thức kinh doanh này vẫn phát triển mạnh và được chào đón. Vì vậy, xây dựng thương hiệu, mở chuỗi và nhượng quyền kinh doanh vẫn là một trong những xu hướng kinh doanh chính hiện nay.

Thực hiện: Hòa Ka

Chuyên đề Tạp chí Văn hóa Doanh nhân tháng 11

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Xây dựng thương hiệu, mở chuỗi và nhượng quyền kinh doanh

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc