top-banner-2

Thứ bảy, 26/04/2014, 15:11 GMT+7

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Sao không nhìn cách làm của Hàn Quốc và các nước láng giềng quanh ta?”

Viết bởi Xuân An   
Thứ bảy, 26/04/2014, 15:11 GMT+7

Đó là câu nói của bà Phạm Chi Lan gợi ra trong cuộc trao đổi về nội dung phát triển ngành công nghiệp giải trí, vốn được nhiều quốc gia coi là một trong những yếu tố tạo nên “sức mạnh mềm” của mình, nhưng lại khá mới mẻ đối với Việt Nam.

Gần đây phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, thành viên UB quốc gia Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

alt

Bà Phạm Chi Lan

- Vài năm gần đây, các khái niệm “công nghiệp văn hoá, kinh tế văn hoá” đã trở nên quen thuộc. Tại một số nước châu Á và thế giới, công nghiệp văn hoá đã góp phần đáng kể trong nền kinh tế quốc dân. Bà có nhận định gì về vấn đề này?

Đây là ngành kinh tế mà thế giới gọi là “công nghiệp giải trí”, bao gồm phim ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, các sản phẩm văn hoá, các sáng tạo nghệ thuật…, có tiềm năng rất lớn để phát triển và đóng góp vào nền kinh tế, do nhu cầu ngày càng cao và liên tục thay đổi của xã hội.

Một ví dụ rất sinh động là Hàn Quốc, họ có chiến lược, kế hoạch bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, nhưng mặt khác, công nghiệp giải trí của Hàn Quốc theo hướng hiện đại, quốc tế hóa đã cực kì phát triển và đem lại lợi nhuận rất lớn.

Đó là phim cổ trang được nhiều tầng lớp công chúng ở các nước yêu thích, đó cũng là một phương pháp tôn vinh, quảng bá văn hoá truyền thống không những hiệu quả mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao.

Các doanh nghiệp, các nhà làm phim còn khéo léo lồng ghép yếu tố thời trang vào phim ảnh, tạo thành các trào lưu thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc, thúc đẩy ngành thời trang và mỹ phẩm nước này phát triển.

Rồi nền âm nhạc hiện đại Hàn Quốc cũng có những nét văn hoá truyền thống nhưng rất hiện đại, gần gũi được giới trẻ cả thế giới yêu thích, trở thành những “thương hiệu mạnh” trong nền công nghiệp giải trí thế giới. Có thể nói công nghiệp giải trí là một trong những yếu tố thành công giúp Hàn Quốc sau khi “hoá rồng” nhanh chóng vượt lên thành 1 trong 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

alt

alt

Điện ảnh và Kpop không chỉ là ngành công nghiệp "tỉ đô" của Hàn Quốc mà nó còn tham gia một cách mạnh mẽ vào việc xây dựng hình ảnh quốc gia này bên ngoài biên giới của mình

- Theo bà, ngành “công nghiệp giải trí” có vai trò thế nào trong nền kinh tế của Việt Nam hiện nay và tương lai?

Tôi cho rằng ngành một trong những ngành kinh tế Việt Nam có thể phát triển tốt là ngành dịch vụ du lịch. Đi cùng với nó là ngành “công nghiệp giải trí” như tôi đã nói ở trên, cũng rất có tiềm năng để phát triển.

Nhưng đã hội nhập thì phải tính đến yếu tố cạnh tranh, phục vụ nhiều đối tượng hưởng thụ khác nhau không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Lâu nay có những khái niệm văn hoá rất cơ bản chưa được làm rõ. Một số vấn đề khác chưa mang tính cấp bách và cần thiết lại được đưa ra bàn rộng rãi…

Chẳng hạn, khi nói đến chiếc áo dài hay áo tứ thân của Việt Nam, người nước ngoài rất thích thú và trang phục đó được biết đến rất rộng rãi, không cần khoác cho nó danh hiệu hay một cái tên cao siêu nào đó. Từ 1 ví dụ nhỏ như vậy cho thấy, không nên gò ép các khái niệm văn hoá theo một cái chuẩn nào đó, nếu không đạt “chuẩn” thì gạt ra ngoài…

Chẳng hạn như phim ảnh của Việt Nam lồng ghép quá nhiều yếu tố chính trị, gò ép vào các khuôn khổ... Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn ra các nước láng giềng xung quanh, nhìn cách làm của Hàn Quốc để nghiên cứu sự phát triển ngành công nghiệp giải trí của họ, coi đó là những kinh nghiệm để áp dụng cho ngành công nghiệp du lịch và giải trí của mình…

Đồng thời phải dùng mọi hình thức, thế mạnh của công nghiệp giải trí để quảng bá các phong tục tập quán, thậm chí hàng hoá thế mạnh của Việt Nam… Muốn vậy phải có chiến lược và giải pháp cụ thể, sáng tạo, không thể chung chung và càng không thể bảo thủ, khư khư bám giữ và bắt "thiên hạ" theo thị hiếu của mình.

Xin cảm ơn bà!

Theo Văn hóa


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Sao không nhìn cách làm của Hàn Quốc và các nước láng giềng quanh ta?”

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc