top-banner-2

Thứ sáu, 16/08/2024, 08:57 GMT+7

Cần sớm chuẩn hóa sản phẩm sâm Việt Nam

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 16/08/2024, 08:57 GMT+7

Sản phẩm sâm Việt Nam đang ngày một phát triển, đạt lợi ích cao về kinh tế. Tuy nhiên, cần có hững hướng dẫn để chuẩn hóa sản xuất sản phẩm này để trở thành một ngành hàng bền vững.

Chưa có quy chuẩn trồng sâm

Tại tọa đàm "Định hướng phát triển sâm Việt Nam" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/8 tại Hà Nội, ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm tỉnh Lai Châu cho biết, việc phát triển cây sâm trên Lai Châu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện, bà con đang gặp khó khăn do bệnh trên loại cây quý này.

can-som-chuan-hoa-san-pham-sam-viet-nam

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần thống nhất gọi tên sản phẩm trước khi xây dựng các quy định cụ thể về sản xuất sâm - Ảnh minh họa

"Hiện chúng tôi có 200 hội viên trồng sâm đang bị thiệt hại do nấm gây ra cho cây sâm. Bà con rất mong các nhà khoa học sớm nghiên cứu chữa bệnh nấm cho sâm, hiện nay sâm bị nấm chết rất nhiều. Hiện có nhiều đề tài khoa học trồng sâm nhiều nhưng về phòng, chữa bệnh cho sâm rất hiếm", ông Hưng bộc bạch.

Về phương án trồng sâm, ông Hưng cho hay: Tại các vùng sâm Lai Châu có Công ty Thái Minh trồng sâm trong nhà màng rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải duy trì 2 phương án vừa trồng ở rừng để tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, vừa mở rộng diện tích sâm trong nhà màng để tạo ra quy mô, sản phẩm với số lượng lớn.

Cũng theo ông Hưng, điều khó nhất hiện nay là việc canh tác sâm mỗi nơi một kiểu khiến cho việc xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu quý này rất khó khăn. "Nếu chúng ta tuyên truyền mỗi nơi một kiểu, một phách thì sẽ rất khó xây dựng được thương hiệu sâm Việt Nam. Chúng ta phải sớm định hình và thống nhất truyền thông về thương hiệu sâm Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm của chúng ta vươn được ra thế giới như sâm Hàn Quốc", ông Hưng khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh (Lai Châu) cho biết, từ bài học của Hàn Quốc chúng ta phải thâm canh sâm mới có thể cho năng suất cao. Thứ 2 là xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.

"Hiện nay, các tỉnh, doanh nghiệp của Việt Nam đang nghiên cứu và trồng mỗi nơi một giống, truyền thông khác nhau. Về lâu dài sẽ không định hình được thương hiệu cho sâm của Việt Nam. Nếu chúng ta không thống nhất sẽ không chỉ tốn nguồn lực mà việc trồng, chế biến, thương mại sâm không hiệu quả", ông Thái nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty sâm Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh có 20 doanh nghiệp trồng nhưng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. "Đơn cử như về truy xuất nguồn gốc, nhiều hộ rất khó làm. Hiện có vùng trồng của chúng tôi trị giá gần 200 tỷ nhưng khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì khó định giá được tài sản", ông Lực khẳng định.

Chia sẻ thêm về thị trường tiêu thụ sâm, ông Lực cho rằng: Tại Hà Nội, nơi tiêu thụ sâm nhiều nhưng đa phần khách hàng dễ mua phải sâm giả, vì trữ lượng sâm thật không nhiều. "Hiện sâm giả, kém chất lượng nhập lậu tràn lan trên thị trường khiến cho người tiêu dùng hoang mang, không phân biệt được sản phẩm nên việc tiêu dùng rất hạn chế. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, nhất là phía Bộ Công an, quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn để dẹp nạn buôn bán, kinh doanh sâm giả, kém chất lượng trên thị trường", ông Lực kiến nghị.

Định hướng 'chuẩn hóa' sâm Việt

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi có chương trình của Chính phủ (Quyết định 611/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045), tỉnh đã đưa ra nghị quyết về phát triển sâm. Quan điểm của tỉnh là phát triển sâm phải từ vùng trồng đến chế biến.

Theo ông Châu, ông rất ủng hộ các doanh nghiệp xây dựng và ưu tiên cả 2 phương án trồng trong nhà lưới và trong rừng. Tuy nhiên, Nhà nước cần xây dựng quy trình trồng sâm để đồng nhất, hiệu quả bền vững hơn.

"Chúng ta có nhiều giống sâm quý, có loại sâm được đánh giá tốt nhất thế giới nhưng các tài liệu, công trình nghiên cứu về chất lượng, hàm lượng hóa học, sinh học... như thế nào chưa có khiến cho việc truyền thông, xây dựng thương hiệu cho cây sâm rất hạn chế.

Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, nếu như trồng trong nhà màng, chúng tôi rất mong sớm có quy trình để tỉnh áp dụng. Nếu trồng dưới tán rừng, chúng ta phải có tiêu chuẩn quốc gia về trồng sâm dưới tán rừng để làm sao không ảnh hưởng đến rừng mà cây sâm vẫn phát triển được.

Tuy vậy, hiện, các đề tài nghiên cứu khoa học về cây sâm còn quá ít, quy trình trồng, phòng chống bệnh cho cây sâm rất hạn chế. Ông Liêm cũng kiến nghị, bên cạnh việc trồng, chế biến sâm, Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn để người dân gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm sâm được nhiều hơn.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy. Chúng ta phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng.

"Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sâm là một sản phẩm đơn thuần nhưng không phải, sâm phải tích hợp giá trị to lớn của một ngành hàng. Từ sâm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm... Chúng ta phải chuyển từ giá trị nông nghiệp sang giá trị công nghiệp

Chúng ta phải đa dạng hóa chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để từ một sản phẩm nhiều tiền thành các sản phẩm giá rẻ nhiều người ai cũng có thể mua được, dùng được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Học từ Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước. Chúng ta cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.

Muốn làm được như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. "Trước tiên chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu... đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Trước các vướng mắc nêu ra tại tọa đàm, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, sắp tới Bộ sẽ ngồi lại với các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước thảo luận để đưa ra các chính sách hỗ trợ của người dân, các doanh nghiệp trồng, chế biến sâm tại các tỉnh đúng hướng, hiệu quả, bền vững hơn.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cần sớm chuẩn hóa sản phẩm sâm Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc