top-banner-2

Thứ ba, 13/08/2024, 09:34 GMT+7

Cần tiếp sức cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 13/08/2024, 09:34 GMT+7

Muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử, VN cần hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ cho sự phát triển của kho ngoại quan, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, gồm cả kho bãi và công nghệ quản lý dữ liệu.

can-tiep-suc-cho-hang-viet-tren-san-thuong-mai-dien-tu

Shipper giao hàng đặt mua online cho khách tại một cao ốc văn phòng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng ban logistics cho thương mại điện tử (TMĐT) của Hiệp hội Logistics VN (VLA), khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh TMĐT, cải thiện hệ thống logistics của VN trước sự tràn ngập của hàng Trung Quốc tại VN nhờ hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới.

Ông Hùng nói trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, việc đầu tư vào hạ tầng logistics và hoàn thiện khung pháp lý là điều cần thiết để VN có thể cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cần có kho ngoại quan cho TMĐT

Cần tiếp sức cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Hùng

* Có một nghịch lý là hàng hóa từ Trung Quốc, mua bán qua các sàn TMĐT, lại được giao cho khách hàng tại VN nhanh hơn với giá rẻ hơn so với hàng đang ở VN, tại sao vậy thưa ông?

- Thứ nhất, các sản phẩm từ Trung Quốc thường được tập kết sẵn tại các kho biên giới như Bằng Tường và Hà Khẩu.

Nhân viên bán hàng điều khiển từ xa qua các nền tảng công nghệ đặt tại Singapore hoặc Thâm Quyến, giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển.

Khi có đơn hàng trên vận đơn ghi lấy hàng từ Thâm Quyến hay một địa điểm khác, thực tế là hệ thống công nghệ thông tin đã được tích hợp để xử lý lệnh vận chuyển từ xa.

Người bán hàng tại Thâm Quyến chỉ cần tạo vận đơn trên hệ thống, tất cả dữ liệu liên quan sẽ được truyền ngay lập tức đến kho hàng tại biên giới gần VN.

Do hàng hóa đã được tập kết sẵn ở đó, nên chỉ cần in vận đơn, dán lên hàng và được chuyển ngay vào VN, rút ngắn thời gian di chuyển nội địa tại Trung Quốc đến hai ngày.

Hơn nữa hàng hóa TMĐT có giá trị dưới 1 triệu đồng không phải kiểm tra chuyên ngành, không đóng thuế nhập khẩu. Điều này giúp giảm chi phí, chưa kể chính sách miễn thuế cho hàng giá dưới 1 triệu đồng.

Một container đầy từ Trung Quốc sang VN, chi phí 20 triệu đồng, chứa gần 15.000 đơn hàng, tính ra chi phí vận chuyển chỉ khoảng 1.400 đồng/đơn hàng.

Thứ hai, các kho hàng tại Trung Quốc có quy mô lớn, quy trình logistics được chuẩn hóa và tự động hóa cao, giúp giảm thiểu sai sót và tăng năng suất trong quá trình vận hành. Ngay quá trình đóng gói đến quản lý dữ liệu đều được thực hiện một cách tự động, giúp giảm chi phí và tăng tốc độ giao hàng.

Trong khi đó hoạt động kinh doanh TMĐT tại VN còn phân tán. Các doanh nghiệp logistics đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp TMĐT nội địa chưa đủ mạnh, không có điều kiện để tối ưu khi mô hình bán hàng qua kênh TMĐT...

* Với việc Trung Quốc xây dựng các trung tâm livestream quy mô lớn dọc biên giới, phục vụ việc bán hàng cho khách VN, những thách thức lớn nhất mà các nhà bán hàng VN phải đối mặt là gì?

- Tại VN, dù các nhà bán hàng có thể tổ chức livestream và chốt đơn hàng thông qua các nền tảng như Facebook hay Zalo có thể tổ chức livestream, nhưng sự hỗ trợ của hệ thống logistics vẫn còn nhiều hạn chế. Thông tin khách hàng thường chưa được tự động hóa kết nối trực tiếp với các hệ thống logistics.

Ngoài ra việc xử lý đơn hàng phụ thuộc nhiều vào nhân công, dẫn đến quy trình xử lý đơn hàng sau khi livestream có thể kéo dài 1 - 2 ngày mới hoàn tất, nếu người bán có thể chốt đến vài trăm ngàn đơn hàng. Khi đó việc hoàn thành đóng gói trước khi đưa vào công đoạn vận chuyển và giao hàng (last mile) có thể mất thêm 1 - 2 ngày.

Trong khi tại các nước, các sàn TMĐT có thể xử lý hàng trăm nghìn đơn hàng trong vòng một giờ nhờ vào hệ thống tự động hóa toàn diện (ODEM).

Khi người mua đã được xác thực trên nền tảng số, mọi thông tin từ họ tên, địa chỉ đến số điện thoại đều được tự động xử lý, giúp quá trình vận hành nhanh hơn rất nhiều.

Ngoài ra chi phí vận chuyển ở VN cũng là một vấn đề, thường cao hơn so với Trung Quốc do quy mô và sự tự động hóa chưa cao.

* Trong chuyến tác nghiệp tại Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư kho hàng vào VN, trong đó có kho ngoại quan cho hàng TMĐT VN...

- Các công ty logistics Trung Quốc (như Best, SF Express, J&T Express)... đã đón đầu xu hướng, đầu tư kho hàng và các trung tâm xử lý đơn hàng tự động (sorting center) tại VN.

Đến khi VN thông qua các chính sách, hạ tầng của các doanh nghiệp này đã sẵn sàng. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp logistics Trung Quốc so với các doanh nghiệp VN.

Với mô hình kho ngoại quan, chỉ khi nào có người mua hàng, hàng hóa mới được làm thủ tục hải quan và xuất khẩu, giúp doanh nghiệp không phải lo lắng về chi phí tồn kho, đồng thời đẩy nhanh quá trình giao hàng.

Các công ty như Amazon đã tận dụng mô hình này để mở kho ngoại quan tại nhiều quốc gia, hàng hóa sẽ được xuất khỏi kho ngay khi có đơn đặt hàng, giúp giảm chi phí và thời gian cho cả người bán và người mua.

Rất tiếc là VN vẫn chưa có khung pháp lý chính thức cho phép hình thành các kho ngoại quan cho TMĐT, mà mới chỉ có kho ngoại quan dành cho hàng tạm nhập tái xuất, chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp.

Nếu muốn thúc đẩy TMĐT, theo tôi, VN cũng cần sớm có sự điều chỉnh về pháp lý để hỗ trợ mô hình kho ngoại quan này.

Xem live bán quần áo trên Shopee - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần có điều chỉnh chính sách

* Theo ông, VN cần làm gì để có thể phát triển được mô hình logistics tiên tiến của Trung Quốc?

- Như tôi đã nói, trước hết VN cần điều chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ sự phát triển của kho ngoại quan TMĐT, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, bao gồm cả kho bãi và công nghệ quản lý dữ liệu.

VN cũng cần tập trung vào việc chuẩn hóa quy trình sản xuất và vận hành, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các công ty công nghệ để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Chính phủ về thuế và chi phí đất đai cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng logistics.

* Việc đầu tư và phát triển kho ngoại quan cho TMĐT của VN như ông đề xuất có khả thi trong tương lai gần hay không?

- Tôi tin rằng nếu có sự điều chỉnh khung pháp lý và sự hỗ trợ từ Chính phủ, việc phát triển kho ngoại quan cho TMĐT tại VN hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Một khi chúng ta có được khung pháp lý rõ ràng và hợp lý, các doanh nghiệp sẽ có thể hoạt động theo hành lang này, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của VN trên thị trường TMĐT quốc tế.

Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, việc đầu tư vào hạ tầng logistics và hoàn thiện khung pháp lý là điều cần thiết để VN có thể cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

* Các doanh nghiệp logistics ở VN cần làm gì và cần được Chính phủ hỗ trợ gì để cải thiện hiệu quả kinh doanh, thưa ông?

- Đây là một vấn đề phức tạp, giống như câu chuyện "con gà quả trứng". Các doanh nghiệp logistics ở VN đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí đất đai cao đến các quy định nghiêm ngặt như phòng chống cháy nổ.

Chi phí xây dựng kho bãi ngày càng rẻ, nhưng các yêu cầu về phần mềm và hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động lại rất đắt đỏ.

Việc kết nối với các doanh nghiệp TMĐT có sản lượng đủ lớn và tập trung để xử lý tại các trung tâm chia chọn lớn là không dễ dàng. Do đó việc đầu tư vào hạ tầng logistics đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, mà gần như không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính sách nhà nước.

Các doanh nghiệp xây dựng kho hàng chủ yếu để phục vụ các công ty sản xuất lớn và phân phối truyền thống, thay vì đầu tư vào kho bãi dành cho TMĐT. Chi phí thuê kho bãi rất cao, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp.

Hơn nữa mô hình kinh doanh TMĐT tại VN vẫn chưa thực sự bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất mới chỉ bắt đầu tham gia bán hàng trực tiếp và thường giữ hàng hóa tại kho riêng của mình, chưa sẵn sàng đưa vào kho TMĐT tập trung.

Điều này tạo ra nhiều rào cản trong việc tối ưu hóa quy trình logistics và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, VN cần có sự điều chỉnh chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng kho bãi, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tham gia hệ thống TMĐT tập trung.

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của VN trên thị trường TMĐT toàn cầu.

Lượng hàng Trung Quốc được bán cho người Việt mua trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh - Ảnh: BÔNG MAI

Thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng... một chiều

VN có hơn 70 triệu người dùng Internet, trong đó khoảng 75% là người mua hàng trực tuyến. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng TMĐT và các ứng dụng mua sắm trực tuyến.

Thời gian qua, thị trường TMĐT VN có sự cạnh tranh giữa các nền tảng với sự thống trị của các "tay chơi" chính là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo cùng sự trỗi dậy của kênh TikTok Shop. Trong đó Shopee đang dẫn đầu với thị phần lớn nhất, đặc biệt trong phân khúc khách hàng trẻ.

Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt của NielsenIQ VN cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023.

Trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online, cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hằng tháng của người VN.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo tổng doanh thu TMĐT bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với năm 2023, lên gần 30 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước, tăng mạnh so với tỉ trọng trên 10% trong năm 2023.

Sau giai đoạn "đốt tiền", không ngừng cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá... hiện nay các sàn đang tập trung nhiều hơn vào sự đa dạng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, việc cải thiện logistics và thời gian giao hàng cũng là yếu tố quan trọng giúp các nền tảng này giữ chân người dùng.

Quá trình này gắn với sự phát triển của thương mại xuyên biên giới và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa quy trình bán hàng. Với khoảng 573.800 cửa hàng trên các sàn chính, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng cho thấy sự đa dạng và sôi động của các nhà kinh doanh online. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc hơn với sự hiện diện của các gian hàng quốc tế (chủ yếu từ Trung Quốc).

"TMĐT xuyên biên giới đang diễn ra mạnh mẽ nhưng đang sôi động một chiều. Trong khi các thương nhân quốc tế dễ dàng đăng bán hàng trên nền tảng thương mại quốc tế, các nhà bán hàng VN lại gặp khó trong đưa hàng ra thế giới", đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) thừa nhận.

Lý do đầu tiên là hàng Việt lâu nay chỉ chú trọng xuất khẩu nông sản, thực phẩm là những mặt hàng có chế độ bảo quản cũng như có hàng rào kỹ thuật khá cao để vào các nước. Thứ hai là hệ thống hạ tầng logistics của VN bên ngoài còn chưa phát triển dẫn đến các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường ra quốc tế cũng rất khó.

Nhà sản xuất Trung Quốc loại bỏ dần các trung gian bán hàng

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển hệ thống logistics, đặc biệt là với mô hình D2C (Direct-to-Consumer). Đây là một biến thể hiện đại trong chuỗi cung ứng, nơi mà vai trò của các trung gian bán hàng đang dần bị loại bỏ.

Trước đây, các nhà sản xuất chỉ tập trung vào sản xuất, còn việc bán hàng và phân phối được giao cho các công ty thương mại.

Tuy nhiên, với sự ra đời của TMĐT, nhà sản xuất có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng mà không cần qua trung gian, không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn giúp tối ưu hóa quá trình vận hành. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đang tự xây dựng bộ phận bán hàng và áp dụng các phương thức marketing trực tiếp.

Tuy nhiên việc vận hành các hoạt động này chưa chuyên nghiệp vì không phải nghiệp vụ chính của họ. "Do đó, các doanh nghiệp đã tìm đến các công ty công nghệ và digital marketing để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và kết nối trực tiếp với khách hàng thông qua các nền tảng như Facebook, TikTok và Zalo, đặc biệt là thông qua hình thức livestream", ông Hùng khẳng định.

Hệ thống logistics VN còn phân tán, thiếu chuẩn hóa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng khẳng định ngay ở thị trường nội địa Trung Quốc, hàng hóa được các nhà sản xuất tập trung kho hàng lớn, chứ không riêng gì hàng TMĐT xuyên biên giới thường được tập trung sẵn tại các kho sát biên giới VN.

Nhờ đó, thời gian vận chuyển từ biên giới Trung Quốc đến TP.HCM được rút ngắn còn khoảng 3 ngày, trong khi hàng Việt từ Hà Nội vào TP.HCM có thể mất 4 - 5 ngày, dù không phải làm thủ tục hải quan.

Điều này là do các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuẩn hóa quy trình đóng gói và vận chuyển, tập trung hàng hóa tại một nơi, giúp tăng tốc độ xử lý đơn hàng. Ngược lại tại VN, các đơn hàng thường phải qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí tăng cao. Đặc biệt hệ thống logistics tại VN còn rất phân tán và thiếu chuẩn hóa.

Hầu hết các doanh nghiệp tại VN chỉ có thể thu gom hàng 1 - 2 lần/ngày, dẫn đến việc chậm trễ trong việc giao hàng. Chẳng hạn nếu đơn hàng được đặt sau khung giờ thu gom, hàng hóa có thể phải chờ đến ngày hôm sau mới được vận chuyển, kéo dài thời gian giao hàng đáng kể.

Hơn nữa việc chuẩn bị và đóng gói hàng hóa ở VN chưa đạt được mức độ tự động hóa và chuẩn hóa cao như ở Trung Quốc. Khi hàng được nhập về, đôi khi không có bao bì sẵn, phải đóng gói lại, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cần tiếp sức cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc