top-banner-2

Thứ tư, 03/07/2013, 09:50 GMT+7

Vay nặng lãi - nạn nhân có thể trở thành tội phạm

Thứ tư, 03/07/2013, 09:50 GMT+7

Vài năm trở lại đây, khi cao trào trào kinh doanh bất động sản lên tới cực điểm, hệ thống ngân hàng không đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường này đã tạo cơ hội cho "tín dụng đen" nhảy vào thâu tóm.

"Tín dụng đen" đã làm phát sinh nhiều hệ lụy vô cùng tai hại như làm lệch lạc quan hệ tín dụng đang được Nhà nước bảo hộ; phát sinh hàng loạt những vụ án đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép. Không chỉ có vậy, "tín dụng đen" còn có thể biến nạn nhân trở thành người phạm tội

Nợ bất động sản - mồi ngon cho "tín dụng đen"

Theo một cán bộ Công an Hà Nội thì trong thời gian gần đây, Hà Nội xảy ra khá nhiều vụ đòi nợ thuê, giữ người trái pháp luật... có liên quan đến cho vay nặng lãi. Cơ quan này đang rất vất vả để xử lý những vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" có xuất phát từ việc vay - mượn để mua bán bất động sản.

Vài năm trước khi mà thị trường bất động sản (BĐS) được đẩy lên cao khiến người người đều nhảy vào “lướt sóng”. Chính vì thế mọi nguồn tiền đổ vào tối đa cho thị trường này. Khi thị trường xì hơi, hàng loạt dự án BĐS nằm im tại chỗ, tiền không lấy ra được, thế là hàng loạt hệ quả đã xảy ra, trong đó có rất nhiều vụ án hình sự, gây nhức nhối cho xã hội.

Xuất phát ban đầu chỉ là quan hệ vay mượn dân sự. Thông thường là những quan hệ thân quen hoặc qua các giới thiệu bảo đảm hình thành quan hệ vay - cho vay. Khi và chỉ khi bên vay chậm/hoặc mất khả năng chi trả mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Khi bị cơn lốc đầu tư cuốn đi, chạy theo lợi nhuận ban đầu người đi vay chấp nhận mức lãi suất cao hơn ngân hàng miễn không phiền hà về mặt thủ tục, lấy tiền nhanh gọn với mong muốn sau vài cơn lướt sóng BĐS kiếm lời.

Thế nhưng khi việc “lướt sóng” chuyển nhượng không còn nhanh được nữa, người đầu tư lâm vào tình trạng vay người sau trả người trước, lúc này họ chấp nhận lãi suất bằng mọi giá hòng chống đỡ gắng gượng vượt qua thời điểm mất khả năng chi trả, hy vọng mong manh sẽ sớm chuyển nhượng “món hàng nhà đất đã trót đầu tư” trong nay mai. Nhưng càng cố càng lấn sâu vào nợ nần chồng chất do mức lãi cắt cổ và lãi mẹ đẻ lãi con, nên người vay không còn kiểm soát được tình hình. Chính lúc này chủ nợ ra tay bắt chẹt, đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng từ vài chục phần trăm, có khi tới cả 100% để dồn ép con nợ đến chân tường, buộc phải ký nhận nợ khống.

Nạn nhân trở thành người phạm tội

Lợi dụng tâm lý say kinh doanh hoặc tình trạng bị thúc bách cần tiền quá gấp của người đi vay nên chủ nợ luôn ép con nợ nhận nợ và tiếp tục cho vay với lãi suất rất cao, bất chấp tất cả các giới hạn quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tránh bị quy vào tội “cho vay nặng lãi”, chủ nợ thường hành nghề rất chuyên nghiệp, không để lại dấu vết gì về lãi suất, nhưng lại luôn có đủ giấy tờ nhận nợ để khi cần là có thể xuất trình chứng cứ cho các cơ quan tố tụng yêu cầu truy cứu trách nhiệm của con nợ.

Từ thực tế tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai vợ chồng bị cáo Trần Văn Oanh và Trần Thị Phương Anh trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên, luật sư (LS) Nguyễn Thị Phương Nam - Đoàn LS Hà Nội - cho biết: “Khi tham gia tố tụng, chúng tôi thực sự bất ngờ khi các cơ quan tố tụng Hưng Yên đã đưa Trần Văn Oanh, Trần Thị Phương Anh là các nạn nhân của "tín dụng đen", cho vay nặng lãi trở thành kẻ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói là khi Oanh, Anh vay tiền của Nguyễn Thị Hoa Mai đều có tài sản thế chấp và tài sản này lớn hơn số tiền vay, nhưng cơ quan tố tụng vẫn buộc tội hai bị cáo.

Chưa dừng ở đó “người bị hại - Nguyễn Thị Hoa Mai” còn lấy cả tài sản thế chấp của Oanh, Phương Anh đi cầm cố để vay tiền về cho Oanh vay lại với lãi suất cao hơn gấp nhiều lần quy định của Nhà nước. Trong sổ tay của Trần Thị Hoa mà cơ quan công an thu giữ còn thể hiện việc chuyển lãi vào gốc, vay hộ để trả lãi cao với mức lãi suất cao gấp đôi căn cứ pháp luật hướng dẫn việc truy tố tội “cho vay nặng lãi”. Thế nhưng Viện KSND tỉnh Hưng Yên trong quá trình xem xét đã đánh giá chứng cứ, lại tự “rút” mức lãi suất của Mai cho vay xuống một nửa là 9-11% để không truy tố kẻ cho vay nặng lãi”.

“Kẻ cho vay nặng lãi thì phởn phơ và được có quan tố tụng bảo hộ, nạn nhân của "tín dụng đen" thì phải vào tù, đây có lẽ là điều bất hợp lý trong việc xem xét loại tội phạm này hiện nay” - LS Phương Nam nói. Theo luật sư Phương Nam thì khi các con nợ đi vay đã có tài sản thế chấp bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản vay thì cũng không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và không được phép hình sự hóa quan hệ dân sự. Đối với những vụ án dạng này, việc xác định rõ các quan hệ vay mượn và lãi suất kèm theo như thế nào mới giải quyết được vấn đề một cách triệt để vụ án, không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị hại xác thực.

Tổng kết về loại tội phạm này, một cán bộ của Tổng cục Phòng, chống tội phạm, Bộ Công an cho biết: Khi con nợ chưa có tiền trả, chủ nợ thường gây áp lực, đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí truy sát khiến con nợ phải hoảng sợ, lánh mặt. Chỉ chờ con nợ trốn khỏi nơi cư trú thế là chủ nợ có cớ mượn tay cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự, truy cứu trách nhiệm con nợ về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, rất nhiều người đã mắc bẫy này. Nếu cơ quan tố tụng xử lý không khéo, không nắm được bản chất vấn đề thì lúc này con nợ đang ở vị thế là nạn nhân đã bất đắc dĩ trở thành tội phạm, cơ quan tố tụng vô hình trung lại trở thành người tiếp tay cho kẻ cho vay nặng lãi, tạo cái ô che cho hoạt động "tín dụng đen".

Theo Lao động

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vay nặng lãi - nạn nhân có thể trở thành tội phạm

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc