Doanh nghiệp phân phối nội học mô hình ngoại |
Thứ ba, 02/07/2013, 12:48 GMT+7 | |
Là thị trường tiềm năng, song dường như sự nóng bỏng của thị trường phân phối bán lẻ VN không chỉ ở khía cạnh cơ hội, mà còn chứa đựng cả những thách thức không dễ vượt qua.
Saigon Co.op vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối nhằm tăng thế cạnh tranh trên thương trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, các DN nội khó có thể trở thành một đối trọng thực sự với những tập đoàn phân phối nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy, tìm ra một “đường ngách” cho mình ngay tại thị trường trong nước là câu chuyện không dễ làm. Tìm lại thị trường đã mất TS Phạm Hữu Thìn – Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhận định, sự xuất hiện các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia là một thách thức lớn đối với DN bán lẻ VN vốn thiếu kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư. Để khơi dậy và phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh cho DN bán lẻ trong nước, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nội địa trong việc xây dựng các quy định để điều chỉnh, kiểm soát đầu tư nước ngoài… Các quy định này không trái với cam kết hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của VN. Rút kinh nghiệm các nước, sự phát triển thái quá các loại hình cửa hàng bán lẻ hiện đại quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phá sản hàng loạt cơ sở bán lẻ truyền thống, khiến hàng loạt người mất việc gây ra những tác động xã hội. Để hạn chế tác động này nên sớm có quy định phân loại các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị và quy định về quy hoạch, đánh giá tác động cũng như hiệp thương mở các cửa hàng. Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp đã có những quy định như vậy và VN nên nghiên cứu để vận dụng. Ông Nguyễn Tiến Vượng còn cho rằng, để “tiếp sức” cho ngành bán lẻ, nhà nước cần tạo mặt bằng hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép, xây dựng cơ chế tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng cơ chế quản lý chất lượng hàng hóa trên thị trường chuẩn mực, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn… Trong khi đó, các DN cần lựa sức mình, pháp triển lợi thế cạnh tranh, tăng cường tính liên kết, kết hợp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để hỗ trợ nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu… Cùng quan điểm, PGS TS Lê Trịnh Minh Châu – Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, quan trọng hơn là vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý nhà nước, bởi tự thân các DN bán buôn bán lẻ, cho dù có nhìn thấy việc phải làm cũng không thể tự làm. Cùng với đó là việc tạo chuỗi cung ứng liên kết vùng, tạo nguồn cung hàng đảm bảo chất lượng và hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay, trở thành các đại lý bán hàng chuyên nghiệp cho các DN. DN bán buôn bán lẻ VN đang rất yếu về quản trị, đặc biệt là quản trị chuỗi kinh doanh và quản trị dự trữ mặt hàng. Lợi nhuận trên mỗi mặt hàng rất nhỏ nhưng lại rất nhiều chủng loại, vì vậy nếu quản trị không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN, ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn thị trường. Theo các chuyên gia, giờ là thời điểm cần hoàn thiện môi trường pháp lý điều chỉnh sự phát triển và quản lý hoạt động của các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ. Theo đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc xây dựng mới và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành quy định về tiêu chí phân loại, quy hoạch phát triển và tiêu chuẩn thiết kế đối với loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ… Việc xây dựng yêu cầu, điều kiện thiết lập đối với từng cấp, loại chợ bán buôn, đầu mối phù hợp với đặc thù của từng địa phương và loại mặt hàng… cũng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Điều đáng nói là các DN nước ngoài phần lớn chỉ có nhu cầu đầu tư ở những thành phố lớn, đô thị hiện đại… trong khi khu vực nông thôn thì ít chú ý. Đây chính là một trong những thị trường tiềm năng có thể giúp cho các DN trong nước yếu thế hơn có thể đầu tư ở quy mô nhỏ. Nhưng suy cho cùng, cho dù các DN VN muốn đầu tư về nông thôn thì vẫn phải phụ thuộc vào các yếu tố căn bản như: mặt bằng, chính sách tín dụng... của nhà nước. Vượt khó bằng nội lực Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, các DN trong ngành phân phối bán lẻ cần vượt khó bằng chính nội lực của mình chứ không chỉ biết “kêu” và trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Thay vì thu hẹp hệ thống, nhiều DN lại tìm các giải pháp để mở rộng thị phần và coi đây là một cơ hội tốt để phát triển. Có thể lấy Saigon Co.op làm minh chứng. Dù khó khăn nhưng DN này vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối nhằm tăng thế cạnh tranh trên thương trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Theo đó, đã có 7 siêu thị Co.opmart được khai trương mới trong năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng và trang thiết bị gần 368,5 tỉ đồng, nâng tổng số siêu thị Co.opmart lên 60 siêu thị, trong đó có 25 siêu thị tại TPHCM và 35 siêu thị tại các tỉnh thành, hàng ngày phục vụ trên 240.000 khách hàng đến mua sắm. Sau thời gian đầu tư về chiều rộng trên địa bàn TP HCM lẫn các trung tâm lớn trên cả nước ở những vị trí đắc địa, thương hiệu hàng đầu của ngành bán lẻ VN là Co.opmart cũng bắt đầu chuyển dịch, đặt những bước đi đầu tiên trong phân khúc bán lẻ hiện đại vốn là sân chơi của các đại gia nước ngoài. Với việc liên kết với đối tác NTUC FairPrice (Singapore), hiện sở hữu 60% thị phần bán lẻ tại đảo quốc Sư tử, với 250 điểm bán ở nhiều mô hình kinh doanh, Co.opmart đã tung ra mô hình kinh doanh đại siêu thị theo dạng chuỗi, với thương hiệu Co.op Xtra Plus vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn, trung tâm đầu tiên đặt tại quận Thủ Đức, TP HCM. Mặc dù vào thời điểm này, rất khó để dự báo tính khả thi của mô hình mới, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hạnh - TGĐ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Co.op Xtra Plus đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ của Saigon Co.op. Dè dặt hơn, nhưng Maximart cũng đang nỗ lực các thử nghiệm của mình sau 17 năm thành lập, trong đó có mô hình hợp tác với DairyFarm (Hồng Kông). Vấn đề của Maximart, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, không phải là sự đặt chân của các ông lớn, mà là vấn đề nguồn vốn. “Maximark là DN 100% vốn trong nước, nên chúng tôi có phần thua thiệt hơn doanh nghiệp ngoại về nguồn vốn, nhưng ngược lại, chúng tôi có thế mạnh riêng, kể cả về kinh nghiệm và nguồn hàng”, bà Thảo phân tích. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc mở rộng thị phần, nhiều DN cũng tái cơ cấu, đồng thời cắt giảm tối đa chi phí. Nhiều DN thực hiện chiến lược định vị thị trường và sản phẩm trong từng thời điểm, định hình lại các mô hình mua sắm nhằm mở ra những cơ hội chuyển đổi toàn bộ phân khúc, hướng tới ngành bán lẻ thông minh hơn nhằm đáp ứng sự liên tục thay đổi trong sở thích và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc mở rộng ra các thị trường nông thôn cũng là một hướng đi mà nhiều DN đang hướng tới.
Theo dddn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|