Mô hình holdings - Hướng mở cho doanh nghiệp Việt |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ năm, 30/11/2017, 13:20 GMT+7 | |
Holdings là mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, thường được áp dụng tại các công ty đa quốc gia và đa ngành. Thời gian gần đây, mô hình Holdings được coi là một trong những mô hình quản trị mới, đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và áp dụng. Trên thế giới, có thể nhận thấy một số Business Group có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả. Chẳng hạn Mitsubishi, Ford, General Motors, Toyota... là những điển hình hiệu quả của mô hình này. Tuy có sự khác nhau nhưng nhìn chung những “tập đoàn” này đều hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, phân định được những ngành chiến lược, những giai đoạn chiến lược, hoạch định được tiến trình phát triển tuần tự, vững chắc. Tại Việt Nam, tất cả đều mới bắt đầu, do đó phải học để cạnh tranh, hội nhập có hiệu quả. Nhưng theo các chuyên gia, đó là những bài học không hề đơn giản; và muốn đạt được hiệu quả, trước hết cần học cách vận dụng nguyên lý thiết lập nhóm Cty dựa trên "cơ cấu holding". ... Theo đó, công ty holding được nhận diện theo 3 hình thức: Công ty holding về kinh doanh: Công ty holding là công ty mẹ, bên cạnh việc đầu tư vốn vào các công ty con, công ty mẹ còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Công ty holding về đầu tư: Công ty holding là công ty mẹ, thuần túy nắm vốn và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc đầu tư vốn vào các công ty con. Công ty holding về quản lý điều hành: Công ty holding tìm kiếm thêm lợi nhuận từ lợi nhuận của các công ty con, can thiệp trực tiếp vào các giao dịch của các công ty con. Mô hình này phù hợp cho các công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản. CEO Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn Quốc tế Mỹ tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công trong vai trò là CEO Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy, mô hình công ty holding được sử dụng như là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp nhất cho doanh nghiệp trong việc quản lý nhóm công ty, tập đoàn quy mô lớn, đòi hỏi vừa tập trung quyền lực vừa đa dạng hóa (chiều dọc/chiều ngang) các ngành/lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, nó còn phù hợp trong vấn đề sở hữu và kiểm soát của gia đình đối với nhóm công ty, tập đoàn có mức độ đa dạng hóa cao (bao gồm các ngành/lĩnh vực có và không có liên quan đến nhau) trong khi vẫn chi phối được các công ty chủ chốt trong tập đoàn. Tuy có những ưu điểm nhất định, song việc xây dựng các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để công ty holding có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con luôn là thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề quản trị con người. Đây cũng chính là vấn đề được đặt ra tại một doanh nghiệp gia đình kinh doanh thành công trong nhiều mảng khác nhau, trong đó có sản xuất nông nghiệp gồm: tinh chế sản phẩm sinh học và thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục tính toán phương án để mở rộng và phát triển nhằm tận dụng các cơ hội hiện đang có. CEO và bộ máy điều hành bắt đầu nhận thấy những áp lực từ quy mô và tốc độ phát triển. Các công ty con hoạt động trong cùng một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực cũng gia tăng về số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều công ty và phòng ban chức năng có phản ánh về tính lạc hậu của các quy trình và công cụ quản lý đồng thời báo cáo những kết quả hoạt động khác hẳn nhau, dù hoạt động trong cùng một ngành. Các thành viên điều hành chủ chốt phải chạy đua với thời gian để xử lý từng vụ việc, từng đơn vị một. Qua tìm hiểu các mô hình tổ chức kinh doanh của các tập đoàn lớn, CEO nhận thấy đã đến lúc cần chia tách công ty theo mô hình mẹ - con theo các mảnh kinh doanh độc lập với nhau. Đồng thời muốn tổ chức lại cơ cấu quản lý các cấp; xây dựng và hoàn thiện các chính sách; quy trình quản trị và hoạt động bài bản hơn. Điều này sẽ giúp bộ máy của công ty hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi CEO đưa đề án này ra bàn bạc với HĐQT, thì ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều. Các cổ đông đều phản đối việc chuyển đổi mô hình bởi điều đó có thể sẽ tạo nên một sự xáo trộn rất lớn trong toàn hệ thống, gây ảnh hưởng kết quả kinh doanh hiện tại. Vậy CEO cần phải làm gì để có thể thuyết phục được các cổ đông? DN cần chú ý đến vấn đề gì trước khi quyết định nên hay không nên chuyển đổi mô hình? Sự vào cuộc của 2 chuyên gia, ông Hoàng Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Phụ trách Phát triển thị trường - PwC Việt Nam và ông Phan Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Giầy BQ, sẽ từng bước giúp CEO tìm ra được lời giải và hướng đi hợp lý cho DN. CEO Nguyễn Tiến Thắng đang được sự tư vấn của hai chuyên gia trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, VN đã ghi nhận sự chuyển đổi sang mô hình Holdings của một số doanh nghiệp như một cách để tối ưu hóa hoạt động sản suất và kinh doanh. Với việc thị trường Việt Nam đang được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong thời gian vừa qua và sắp tới, thì chắc chắn mô hình holding sẽ là một hướng mở cho nhiều doanh nghiệp. Đón xem chương trình CEO – Chìa khóa thành công phát sóng ngày 03/12 trên VTV1, lắng nghe những chia sẻ và góp ý từ các chuyên gia sẽ giúp các bạn có được những thông tin hữu ích. Chương trình CEO – Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.
Hạnh Nguyên *Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|