top-banner-2

Tin mới:
Thứ ba, 24/03/2015, 08:53 GMT+7

Dự án lấn sông Đồng Nai bị đề nghị rút giấy phép

Thứ ba, 24/03/2015, 08:53 GMT+7

Dự án phát triển đô thị ven sông Đồng Nai với khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên... có 7,72 ha lấn sông. 

Ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt nam (VRN) gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” có vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng.

Một góc đại công trường trên sông của dự án

Một góc đại công trường trên sông của dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai". Ảnh: Hoàng Trường

Theo VRN, dự án lấn sông sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai, tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam. "Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị sông Đồng Nai thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án 8,4 ha mà đã lấn chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông", văn bản của VRN nêu.

Sông Đồng Nai là lưu vực sông có tầm quan trọng lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội và dân sinh của 11 tỉnh nhưng là lưu vực có bình quân lượng nước hàng năm trên đầu người thấp nhất trong các lưu vực sông của Việt Nam. VRN khẳng định, dự án sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của lưu vực nên mong muốn UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư ngừng việc xây dựng để có sự tham vấn rộng rãi xung quanh dự án.

Toàn cảnh dự án

Toàn cảnh dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" nằm trên sông sau khi hoàn thành.

Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một được triển khai từ năm 2013 đến 2016 bao gồm các hạng mục, công trình: xây dựng tuyến kè, san lấp mặt bằng, đường ven sông, cùng các đường đấu nối với đường Cách Mạng Tháng Tám, xây dựng công viên và đầu tư dãy nhà phố... với tổng kinh phí 416 tỷ đồng.

Giai đoạn hai, từ năm 2016 đến 2019, sẽ tập trung tôn tạo các công trình di tích như: Phụng Sơn Tự, Đình Phước Lư, đồng thời phát triển các khu thương mại, văn phòng, trung tâm mua sắm... với tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng. Giai đoạn ba, 2019-2022, xây dựng khối cao ốc văn phòng, khách sạn, trong đó có 3 tòa tháp (cao nhất là cao ốc văn phòng 27 tầng) với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100 m.

Hoàng Trường (Theo VNE)

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dự án lấn sông Đồng Nai bị đề nghị rút giấy phép

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc