top-banner-2

Thứ năm, 02/11/2023, 09:28 GMT+7

Chi phí sản xuất điện tăng cao, EVN vẫn gặp khó

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 02/11/2023, 09:28 GMT+7

Giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, cơ cấu sản lượng thay đổi theo hướng bất lợi khi các nguồn mua có giá rẻ giảm, nguồn mua có giá đắt tăng... Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

chi-phi-san-xuat-dien-tang-cao-evn-van-gap-kho

Giá than tăng cao trong bối cảnh nguồn nhiệt điện than phải huy động tăng để bảo đảm phát điện đã gây nhiều khó khăn cho EVN trong cân bằng tài chính - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán nên nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.

Trong đó, vào thời kỳ cuối mùa khô (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã suy giảm về mức nước chết, một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài.

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong bối cảnh nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài... EVN đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó có cả nhiệt điện dầu.

Ước tính cả năm 2023, sản lượng huy động thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh so với với kế hoạch Bộ Công Thương duyệt và giảm 22,5 tỷ kWh so với năm 2022; nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 28,2 tỷ kWh so với năm 2022; nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 1,2 tỷ kWh so với năm 2022; năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 2,8 tỷ kWh so với năm 2022.

Trong khi nhiệt điện than, dầu được huy động cao thì giá nhiên liệu đầu vào các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.

Cụ thể, giá than nhập gbNewC năm 2023 tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.

Các thông số đầu vào cho các nhà máy điện sử dụng than nhập, than pha trộn, các nhà máy điện tuabin khí như các chỉ số gbNewC, ICI3, dầu HSFO, dầu Brent cũng tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây.

Theo đó, năm 2023, giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021; giá than pha trộn bình quân của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam dự kiến tăng từ 29,6%- 46,0% so với năm 2021; giá than pha trộn bình quân của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6% - 49,8% so với năm 2021; giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.

Hiện nay, do khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch – Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.

Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021

Theo EVN, hiện nay, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% giá thành. Đáng chú ý, cơ cấu sản lượng thay đổi theo hướng bất lợi khi các nguồn mua có giá rẻ giảm, nguồn mua có giá đắt tăng, dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện của EVN tiếp tục tăng cao (năm 2023, các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống). 

Trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, từ năm 2022 đến nay, EVN đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí.

Cụ thể, Tập đoàn này đã tiết kiệm tối thiểu 10% các chi phí thường xuyên theo kế hoạch định mức; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của tất cả các đơn vị thành viên,... Riêng 9 tháng đầu năm 2023, EVN tiết kiệm khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.

Trong tháng 4/2023, mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023, giúp doanh thu của tăng EVN thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên điều này chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính, khi mức tăng này chưa bù đắp được chi phí đầu vào…

Dù đã quyết liệt các giải pháp tiết kiệm chi phí, nhưng do yếu tố đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chi phí sản xuất điện tăng cao, EVN vẫn gặp khó

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc