top-banner-2

Thứ ba, 30/08/2016, 09:32 GMT+7

Băn khoăn về một chủ trương ưu đãi

Viết bởi An An   
Thứ ba, 30/08/2016, 09:32 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng hiệu quả hỗ trợ sẽ khó được như kỳ vọng.

Nghị quyết 41 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2017-2020 vừa ban hành đã được các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này quan tâm.

Khó được ưu đãi

Nghị quyết 41 nêu rõ để nâng cao sức cạnh tranh của DN CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì cần có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC nhận định công nghệ cao là lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám và sự sáng tạo. Vì thế, việc giảm thuế sẽ là động lực giúp tăng năng suất trong lĩnh vực này, giúp DN giảm áp lực về tài chính.

bankhoanvemotchutruonguudai

Doanh nghiệp công nghệ thông tin cần được ưu đãi để phát triển

Tập đoàn FPT nhìn nhận nghị quyết này là tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành CNTT. Tuy nhiên, vẫn còn vài điểm chưa rõ ràng. Việc đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với tiền lương, tiền công của nhân lực công nghệ cao nhưng lại không định nghĩa thế nào là công nghệ cao sẽ dẫn đến khó thực thi. Trên thế giới cũng chưa có định nghĩa chuẩn xác về công nghệ cao. Một công nghệ cao của hôm nay có thể sẽ là giải pháp cũ của ngày mai. Do đó, nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ băn khoăn không biết mình có phải là nhân sự công nghệ cao hay không, có được ưu đãi về thuế không? “Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho tất cả kỹ sư công nghệ sẽ hợp lý hơn, khuyến khích họ cống hiến hơn nữa” - đại diện FPT đề xuất.

Cần kéo dài thời gian hỗ trợ

Ngoài ra, nhiều DN thắc mắc việc hỗ trợ trong nghị quyết chỉ đề cập giai đoạn 2017-2020. Nếu sau năm 2020, chủ trương này không còn hiệu lực, ưu đãi về thuế chỉ có giá trị đối với DN đang hoạt động. Còn DN mới khởi nghiệp phải mất vài năm mới đào tạo được đội ngũ nhân lực thì khi đó, chính sách hỗ trợ lại không còn.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc giảm một nửa thuế thu nhập cá nhân và không hạn định sẽ góp phần đắc lực trong việc thu hút nhân lực cho ngành công nghệ cao.

Bên cạnh đó, nghị quyết còn xác định các dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT cần đặc biệt khuyến khích đầu tư có sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động (kể cả trường hợp dự án đã hết thời gian 15 năm hưởng thuế suất 10%), được kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm.

Đại diện một DN sản xuất phần mềm ở TP HCM nói: “Chúng tôi đã hoạt động gần 15 năm, sắp hết hạn được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, do lĩnh vực làm phần mềm không cần nhiều lao động nên công ty chưa tới 1.000 người. Theo nghị quyết, chúng tôi không được kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm là không hợp lý”.

Đại diện NetCom, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất game, lo lắng: “Không thấy nghị quyết ưu đãi cho DN sản xuất game trên thiết bị di động, trong khi đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Hiện nhiều DN khởi nghiệp lĩnh vực này băn khoăn về việc phân loại ưu đãi”.

Dưới 10% DN “sống sót” sau khởi nghiệp

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC), cho biết Việt Nam có khoảng 1.000 dự án công nghệ mới khởi nghiệp mỗi năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số DN khởi nghiệp “sống sót” sau khởi nghiệp ở Việt Nam hiện dưới 10% do các dự án này thiếu sự hỗ trợ về vốn, chính sách miễn giảm thuế nên không cạnh tranh được trên thương trường.

Theo nld.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Băn khoăn về một chủ trương ưu đãi

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc