top-banner-2

Thứ sáu, 19/08/2016, 10:35 GMT+7

Thâu tóm mang tính thù địch đã xuất hiện tại Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 19/08/2016, 10:35 GMT+7

Đã có sự xuất hiện của những thương vụ sáp nhập, hợp nhất mang tính chất thù địch, sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

1-thau-tom

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo Đầu tư tổ chức chiều 18-8, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét các chuyển động chính sách gần đây như Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều giấy phép con được bãi bỏ, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện được thu hẹp, các quy định về điều kiện kinh doanh minh bạch hơn.

Chính phủ mới cũng đang thực hiện quyết liệt chương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỉ lệ vốn bán ra, tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn ngoài ngành…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Mặc dù số liệu thống kê chưa thống nhất, song ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỉ USD và riêng 7 tháng đầu năm nay đã vượt con số 3,2 tỉ USD.

Hoạt động M&A diễn ra sôi động ở hầu hết các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản… trở thành một kênh huy động vốn, một hình thức đầu tư và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế.

Dù vậy, hoạt động M&A vẫn đang gặp những rào cản khi luật pháp, chính sách còn bất cập, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng và xu hướng thâu tóm triệt tiêu thương hiệu nội địa. Đã có sự xuất hiện của những thương vụ sáp nhập, hợp nhất mang tính chất thù địch, sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, cũng như trong quá trình định giá và công bố thông tin…

"Nhà đầu tư quan tâm đến sự ổn định và sự tăng trưởng của nền kinh tế ở các quốc gia. Nhưng cũng có thách thức là chất lượng của các doanh nghiệp. Chúng ta phải tìm ra nhà đầu tư chiến lược hoặc chỉ là nhà đầu tư tài chính, muốn vậy doanh nghiệp phải biết thuyết phục" - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá.

Ông John Ditty, Phó Tống giám đốc điều hành KPMG Việt Nam, nhận định thị trường M&A Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua từ quy mô đến độ phức tạp. Với thị trường Việt Nam, điều nhà đầu tư nước ngoài cần là những công ty có chất lượng, đồng thời, khi có nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia sẽ giúp DN có cơ hội cải thiện bản thân và nâng tầm hơn.

Theo đó, sẽ có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập bùng nổ trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ, địa ốc, hàng tiêu dùng, đặc biệt là dưới sự tác động của hội nhập. Đồng thời, hội nhập cũng giúp Việt Nam trở thành nguồn cung hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp nâng quy mô, nâng sức cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.

“Gần đây, có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam đến từ các tập đoàn Thái Lan. Nhưng điều này không có nghĩa doanh nghiệp Việt không thể qua Thái Lan mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp của nước họ. Triển vọng của M&A là rất lớn không chỉ trong thị trường nội địa mà cả khu vực nên doanh nghiệp Việt cần nắm bắt” – ông John Ditty nói.

Theo Tri Thức Trẻ

 

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thâu tóm mang tính thù địch đã xuất hiện tại Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc