top-banner-2

Thứ năm, 13/02/2014, 14:57 GMT+7

“Hương Giang dạ khúc” và mối tình nén lại trong tim

Viết bởi lehang   
Thứ năm, 13/02/2014, 14:57 GMT+7

Nhạc sĩ – viện sĩ Lưu Hữu Phước là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Người ta luôn nhớ đến ông qua những bản hùng ca nổi tiếng nhưng chỉ với bản tình ca hiếm hoi Hương Giang dạ khúc, tác giả đã ghi dấu một mối tình thật lãng mạn và …bí hiểm!

Năm 1997, Trung tâm Văn hóa Quận I (TP.HCM) lần đầu tiên tổ chức Liên hoan ca nhạc truyền thống và nhạc Lưu Hữu Phước. Phát biểu trong đêm khai mạc, GS.TS Trần Văn Khê (lúc đó chưa về ở hẳn trong nước) đã hé lộ về một số bài tình ca của Lưu Hữu Phước, trong đó có bài Hương Giang dạ khúc viết tặng một người con gái Huế. Từ buổi nói chuyện của GS.TS Trần Văn Khê, tôi đã viết bài Lưu Hữu Phước – Những bản tình ca nén lại trong tim đăng trên báo Thanh Niên năm 1997.

Những bức thư của cô gái giấu mặt

Mãi đến đầu năm 2012, trong bài viết chuyện tình Hương Giang dạ khúc của Lưu Hữu Phước đăng trên web của Hội Nhạc sĩ (hoinhacsi.net), GS.TS Trần Văn Khê mới kể rõ hơn về chuyện này.

Theo đó, trong nhóm sinh viên gốc Nam Bộ ra Hà Nội trọ học vào những năm đầu thập niên 1940, gồm: Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiễng…thì Lưu Hữu Phước đã rất nổi tiếng với các bản hung ca Tiếng gọi thanh niên (sáng tác năm 1941), Bạch Đằng giang (1941), Hội nghị Diên Hồng (1942)… Bởi thế không thiếu những bức thư từ khắp nơi gởi về bày tỏ sự mến mộ chàng nhạc sĩ trẻ tuổi tài cao.

Từ trái qua: Nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiễng, Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ

Thường thì Lưu Hữu Phước ít có thời giờ để trả lời những bức thư kiểu này nhưng vào năm 1943, đã có một bức thư cứ khiến chàng phân vân. Đó là bức thư gởi từ xứ Huế của một cô gái ký tên là Thu Hương. Trong thư, nàng ca ngợi bài hát Ta cùng đi của Phước và đề nghị cùng trao đổi về nghệ thuật và tư tưởng. Điều đó chứng tỏ cô gái có một trình độ hiểu biết và sự đồng điệu với tác giả ca khúc.

Tuy nhiên bức thư lại viết bằng tiếng Pháp, điều đó khiến Lưu Hữu Phước cảm thấy khó chịu, và anh “ phá lệ” viết thư cho cô gái: “Thưa cô, cô là người Việt mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt”.

Ở bức thư thứ hai gởi cho Phước, Thu Hương giải thích: “Vì tôi quý trọng nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng Anh mà gọi bằng Ông thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã mượn tiếng Pháp để tự xưng là Je (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng Vous (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy”.

Cảm nhận được ý tứ sâu sắc đó, Lưu Hữu Phước đành buông câu: “Con gái Huế thâm thúy thật!”. Từ đó hai người thường xuyên thư từ và một tình cảm ngọt ngào đã nhen nhúm trong lòng họ, dù họ chưa hề biết mặt nhau.
Hương Giang dạ khúc
Ít lâu sau, tình hình chiến sự bùng nổ, trường học đóng cửa. Phước cùng các bạn gốc Nam Bộ sắp xếp hành trang xuôi Nam. Khi tàu lửa đến Huế thì Lưu Hữu Phước nhảy xuống đi tìm “ý trung nhân” mặc cho các bạn đồng hành ngăn cản…
Tuy nhiên cái địa chỉ mà Thu Hương vẫn viết thư cho chàng lại là “địa chỉ ma”! Thực ra, đó là hình thức “hộp thư lưu” ở bưu điện. Đang dở khóc dở cười, thời may lại vớ được một anh bạn. Anh này hân hoan “rước” chàng nhạc sĩ nổi tiếng ở trong nhà, hai  “o” bèn mời bạn bè trang lứa đến nhà để diện kiến, nghe nhạc sĩ nói chuyện và cả hát nữa.

Thành phố Huế lúc đó bé tẹo như bàn tay, cho nên Lưu Hữu Phước rất hy vọng trong số các nữ sinh này có cả Thu Hương nữa. Tuy thế, vốn tính nhút nhát nên anh không dám hỏi, chỉ hát bài Ta cùng đi, nhưng “ tín hiệu” này không có lời đáp…

Tan cuộc, các cô nữ sinh mời Phước xuống thuyền dạo trên sông Hương. Thấy các cô nhón chân bước xuống thuyền, những gót chân trắng hồng  của các tiểu thư xứ Huế đã khiến tâm hồn vốn rất đa cảm của chàng trai bồi hồi xúc động, và chàng liên tưởng đến Thu Hương – người trong mộng…Nương theo dòng cảm xúc này, anh đã sáng tác ca khúc Hương Giang dạ khúc với những câu: “…Nhón chân bước xuống thuyền, tình tôi thương nhớ"... “Làn hương thu, mờ trong bóng chiều, vờn rung nắng ngà, nhẹ đưa đưa xa, làn hương thu".

Vậy đó, dòng Hương Giang có quá nhiều làn  “hương thu” để nhớ người Thu Hương… Trở về miền Nam, nhạc sĩ chép lại và gởi cho Thu Hương (theo địa chỉ cũ) một bản và gởi cho hai o xứ Huế một bản. Cô em “xí” bản nhạc, còn cô chị tên Lan vốn ôn nhu, đằm thắm hơn nên cất giữ cái bì thư có đóng dấu bưu điện Sài Gòn làm kỷ niệm…

Bút tích bài Hương giang dạ khúc

Nàng Thu Hương
Câu chuyện chỉ đến đó rồi thôi, chiến tranh loạn lạc khiến mỗi người một ngả. Sau năm 1945, trước khi tham gia kháng chiến, Lưu Hữu Phước đã trao bản nhạc cho Trần Văn Khê, dặn: “Tôi đặt bài này có tên mà không có mặt, nhưng hình ảnh người đó phải là một cô gái Huế. Bài này tặng cho các cô gái Huế nhưng chỉ đưa cho Khê coi chơi thôi, chớ không được hát ra công chúng. Nếu lỡ hát thì không được nói tên tác giả”.

…Năm 1961, nhạc sĩ Trần Văn Khê có dịp sang Pháp và quen biết với vợ chồng người chủ tiệm cơm Việt Nam. Người vợ biết ông Khê là bạn của Lưu Hữu Phước nên hỏi ông có biết bài Hương Giang dạ khúc không và đề nghị ông hát.

Ông Khê quá đỗi ngạc nhiên, bởi ngay cả ở trong nước cũng rất hiếm người biết được bản nhạc này, nói chi là ở Pháp. Nghĩ vậy nhưng không nói ra và ông vẫn hát theo yêu cầu của bà chủ tiệm. Khi nhạc sĩ Trần Văn Khê hát đến câu “Làn hương ơi làn hương, mờ xóa bóng ai yêu kiều…” thì người thiếu phụ ôm mặt khóc và thú nhận mình là Thu Hương, người được Lưu Hữu Phước viết tặng bản nhạc này. Chị khóc nức nở. Chồng chị biết những giọt nước mắt đó không phải dành cho mình, nhưng anh đã lấy khăn lau nước mắt cho vợ. Anh ôm vợ vào lòng. Một cử chỉ thật đẹp và thật vị tha. Không một lời nói ghen tuông tầm thường nào…

Trần Văn Khê ngờ ngợ: “Chị tên là Lan kia mà!”. “Vâng, Lan là tôi mà Thu Hương cũng là tôi!”. Hóa ra cô tiểu thư xứ Huế tên Lan mà ngày xưa Lưu Hữu Phước đã “ở đậu” mấy ngày chính là nàng Thu Hương giấu mặt. Sau một hồi tâm sự, ông Khê hỏi: Có bao giờ chị có ý định gặp lại anh Phước không?, Lan đáp: “Không, nhưng nếu anh gặp lại anh Phước, thì nói hộ với anh ấy rằng, tôi đã hai lần lập gia đình nhưng không báo giờ quên được anh Phước, người đã sáng tác bài Hương Giang dạ khúc dành cho riêng tôi”. Từ đó Trần Văn Khê trở nên rất thân thiết với gia đình Lan – Thu Hương.

Nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất (1976) tức là 33 năm sau, kể từ ngày Lưu Hữu Phước nhận được bức thư của Thu Hương lần đầu tiên, đôi bạn Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước mới tái ngộ. Và lúc đó nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mới biết được rằng Thu Hương chính là cô Lan xứ Huế ngày nọ, do nhạc sĩ Trần Văn Khê nói lại. Tiếc thay nàng đã thành người thiên cổ trong một tai nạn máy bay cách đó sáu, bảy năm. “Nghe đến đó nước mắt anh Phước lưng tròng. Và mắt tôi cũng ngấn lệ.” GS.TS Trần Văn Khê kết thúc câu chuyện…


Theo Chuyện tình Nghệ sĩ - Hà Đình Nguyên (NXB Trẻ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

“Hương Giang dạ khúc” và mối tình nén lại trong tim

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc