top-banner-2

Thứ sáu, 25/03/2016, 10:59 GMT+7

Ra mắt bộ sách 'Lời Người Man di hiện đại' của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Thứ sáu, 25/03/2016, 10:59 GMT+7

Các bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh được con cháu ông tập hợp trong bộ sách “Lời Người Man di hiện đại” gồm 14 tập với các chủ đề khác nhau và sẽ lần lượt ra mắt từ nay đến năm 2015, đại diện của gia tộc học giả cho biết tại buổi ra mắt bộ sách chiều 4/10 tại Hà Nội.

ra-mat-sach-nguoi-man-di-hien-dai-van-hoa-doanh-nhan

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, một trong hai chủ biên của bộ sách, cho biết, các bài báo chủ yếu được lấy từ tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới), một tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút và đã đoạt Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại Hội chợ báo thuộc địa tại Paris năm 1932. Nguyễn Văn Vĩnh từng làm chủ bút tất cả bảy tờ báo, trong đó có ba tờ tiếng Pháp, nhưng theo người cháu nội của ông, các bài báo trên tờ L’Annam Nouveau thể hiện sâu sắc, toàn diện nhất suy nghĩ của ông về các vấn đề xã hội. Gia tộc ông đã mua tư liệu hơn 500 bài viết từ tờ báo này để phục vụ bộ sách.

Các bài báo, theo ông Bình, được viết bằng thứ tiếng Pháp mà ngay những người Pháp giúp gia đình ông trong công việc làm tư liệu cũng phải nhận xét “ít người Pháp viết được như vậy”. Bản tiếng Pháp của các tập sách sẽ được ấn hành song song với bản dịch tiếng Việt để phục vụ bạn đọc nước ngoài và những bạn đọc Việt Nam quan tâm bản gốc.

Tập đầu của bộ sách với chủ đề “Phong tục và thiết chế của người An-nam” đã được phát hành, bản tiếng Việt do Phạm Toàn và Dương Tường chuyển ngữ.

Ông Bình đặc biệt kỳ vọng tập 8 - “Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng thời” - gồm 25 bài báo viết về các nhân vật có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ như toàn quyền Đông Dương, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Thái Bưởi… và ba tập 12,13,14 về “Tình hình xã hội Đông Dương và các vấn đề chính trị thập niêm 20 và 30 của thế kỷ XX” sẽ thu hút được quan tâm của nhiều độc giả.

Lý giải về tên gọi chung của bộ sách, ông Bình cho biết, trong một bức thư trao đổi với Huỳnh Thúc Kháng năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là “người man di hiện đại”.  “Man di” vì ông xuất thân nghèo khổ và không được đào tạo chính thống, còn “hiện đại” là bởi ông đã đào tạo mình thành người hiểu biết nhờ tự học, ông Bình lý giải.

Để độc giả có cái nhìn toàn diện về Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguyễn Lân Bình cũng tập hợp tư liệu, bài viết của nhiều tác giả khác nhau trong cuốn “Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”, đã được phát hành trước tập đầu của bộ sách một thời gian ngắn, và cuốn “Những ngày cuối cùng và đám tang Nguyễn Văn Vĩnh”, sẽ được phát hành sau tập 14.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), quê gốc Hà Đông, là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Xung quanh trường hợp của ông có nhiều nhận định khác nhau nhưng một quan điểm nổi lên và được sự đồng thuận từ nhiều phía, đó là ông có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Trong 30 năm lao động và sáng tạo (1906-1936), ông đã để lại một khối lượng khổng lồ các di cảo, bản dịch, bút tích liên quan đến việc xây dựng một nền văn học mới bằng chữ Quốc ngữ.

Link nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&;CategoryID=41&News=6823


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ra mắt bộ sách 'Lời Người Man di hiện đại' của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc