Chuyện mới kể của 'người điên' Phạm Đình Nguyên mua thị trấn Mỹ |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 15/10/2015, 11:16 GMT+7 |
“Nhiều người nói tôi điên khi mua thị trấn Buford của Mỹ rồi đổi tên thành thị trấn cà phê PhinDeli. Đôi khi bạn cần phải điên chỉ để chứng minh một điều: Không có gì là không thể!”. Ông Phạm Đình Nguyên - chủ nhân của thương hiệu cà phê “PhinDeli làm nước Mỹ tỉnh giấc” đã chia sẻ như vậy trước 500 doanh nghiệp tham dự diễn đàn “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu” do Học viện thương hiệu và truyền thông Sage tổ chức ngày 14.10 tại Hà Nội. Ông Phạm Đình Nguyên - chủ nhân thị trấn cà phê Việt PhinDeli trên đất Mỹ Sinh sống ở Sài Gòn, không phải ở Mỹ cũng không liên quan gì đến nước Mỹ, doanh nhân 41 tuổi Phạm Đình Nguyên đã gây chấn động giới truyền thông trong nước và quốc tế vào năm 2012 bằng việc trở thành người Việt đầu tiên mua một thị trấn của nước Mỹ có tên Buford với giá xấp xỉ 1 triệu USD, và trở thành thị trưởng của thị trấn này. Ông Nguyên nói: “Khi đó chính tôi cũng không biết mình mua Buford để làm gì. Người ta đồn rằng, tôi sẽ làm một thị trấn bánh phở, kẻ thì nói tôi sẽ làm một thị trấn massage... Còn tôi lại nghĩ mình phải làm một sản phẩm gì mang quốc hồn, quốc túy lại phải được tiêu thụ lớn nhất, phổ biến nhất tại Mỹ và cà phê chính là sản phẩm được chọn. Vì Việt Nam là nước duy nhất pha cà phê bằng phin nên cái tên Phin đã ra đời, còn cái tên Deli còn lại là “nửa việt nửa Mỹ”. Sau khi chọn kinh doanh cà phê, ông Nguyên đã táo bạo đổi tên thị trấn Buford có lịch sử 147 năm của Mỹ thành thị trấn cà phê Việt PhinDeli, chuyên bán các sản phẩm cà phê Việt Nam. “Khỏi nói tôi đã làm người dân Mỹ nổi giận như thế nào khi tôi đổi tên thị trấn của họ. Tôi nhận được rất nhiều “comment” hăm dọa kiểu như “tôi đang lau súng chờ ông đến đây!” khi đó”, ông Nguyên kể lại. “Tôi lúc đó như đang đi trên sợi dây cần giữ thăng bằng nên không được phép ngả về bên nào. Trong ngày lễ diễn ra sự kiện đổi tên tôi còn mua cả bảo hiểm và không dấu được sự hồi hộp vì tại Mỹ ai cũng có súng nên nếu tôi bị bắn thì “chết là chắc”. Truyền thông Mỹ cùng người dân Mỹ đến dự sự kiện rất đông và may là hôm đó không có tiếng súng nào hết!” - ông Nguyên cười nói. PhinDeli chính thức ra đời từ đó và đã gặt hái không ít thành công trên đất Mỹ với sản phẩm truyền thống là cà phê rang xay, rồi tiếp theo là cà phê hòa tan, cà phê uống liền… Ông Nguyên chia sẻ: “Không phải sự táo bạo nào cũng mang lại kết quả. Nhưng nếu không làm bạn mãi mãi không biết mình làm được gì. Mua thị trấn Mỹ Buford là sự táo bạo rất cần như thế”. Theo vị thị trưởng thị trấn Buford (nay là PhinDeli), PhinDeli chính là câu chuyện của khát vọng, táo bạo và lo âu nhưng gộp lại tất cả nó là một câu chuyện đẹp về giấc mơ cà phê Việt trên đất Mỹ. “Cuối cùng tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn là các doanh nghiệp Việt Nam rằng, nên thử nghiệm ý tưởng sớm. Một là thất bại cho nhanh (để bắt đầu cái mới) và hai là triển khai nhanh để thành công lớn. Chần chừ cũng là đồng nghĩa với thất bại” - ông Phạm Đình Nguyên nói. Cuối cùng điều ông Nguyên muốn đúc kết chính là: “Không có thương hiệu nào giống thương hiệu nào, không có cách thức chung xây dựng thương hiệu. Hãy tạo cho mình con đường đi riêng, tạo cho mình một cuộc chơi mới để đến được với đại dương xanh”. Việc đổi tên thị trấn thành PhinDeli, cùng với một quán cà phê cùng tên được khai trương ngay tại cửa hàng duy nhất của thị trấn, và phương thức phân phối cà phê qua mạng Amazon là chiêu tiếp thị “không gì là không thể”. PhinDeli đã viết nên một “Tuyên ngôn cà phê Việt trên đất Mỹ”. Cách làm thương hiệu độc đáo của Phạm Đình Nguyên đã giúp nâng tên tuổi của PhinDeli lên tầm quốc tế chỉ trong một thời gian ngắn. Theo Danviet.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|