top-banner-2

Thứ ba, 13/10/2015, 15:08 GMT+7

Nữ doanh nhân khai phá ngành sữa Việt

Viết bởi An An   
Thứ ba, 13/10/2015, 15:08 GMT+7

Làm việc không biết mệt mỏi, say mê với nghề, tâm huyết với ngành và đặc biệt đáng khâm phục... là đánh giá của không ít chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khi nói về nữ doanh nhân đã xin không nhận nhiệm vụ Thứ trưởng. Ðể rồi, bà trở thành nữ tướng của ngành sữa được báo chí thế giới ghi nhận.

Không làm Thứ trưởng để dành thời gian cho ngành sữa

Nhiều năm trở lại đây, cái tên Mai Kiều Liên, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk (hiện bà Liên chỉ giữ chức Tổng giám đốc) trở nên quá quen thuộc với giới báo chí không chỉ trong nước mà cả thế giới. Những mỹ từ như “nữ tướng ngành sữa”, "nữ hoàng ngành sữa" hay "Margaret Thatcher của Việt Nam" luôn được sử dụng trong các bài viết đăng nổi bật trên trang bìa mỗi khi nữ nữ doanh nhân tuổi Quý Tỵ này (bà Liên sinh năm 1953) bước lên các bục cao nhất để nhận những giải thưởng danh giá từ các tạp chí lừng danh thế giới.

Không chỉ được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, bà Liên đã thành công trong việc đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào ngày 25/9/2015 (Vốn hóa Vinamilk đạt 121.225 tỷ đồng trong khi cổ phiếu có lượng vốn hóa lớn thứ hai là VCB chỉ đạt 117.261 tỷ đồng).

Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa ở Nga, năm 1976 bà Liên về làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong đưa công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, cùng với thời gian, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.

Sự say mê với ngành sữa ngấm vào máu khi năm 1997, đang là Ủy viên T.Ư Ðảng khóa VIII, dù được gợi ý ra Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) bà Mai Kiều Liên đã xin ở lại Vinamilk với mong muốn gắn bó để xây dựng Vinamilk thành doanh nghiệp sữa hàng đầu của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển của Vinamilk chỉ tạo thành bước ngoặt năm 2003, khi bà Mai Kiều Liên chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Với việc áp dụng các mô hình quản trị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á. Cũng là quãng thời gian, Vinamilk trở thành doanh nghiệp tạo ra được một cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt cũng như phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành.

 

Nhà máy sữa bột Việt Nam (ảnh trên) và nhân viên trong phòng thí nghiệm

Tướng tài biết dụng nhân

Trao đổi với báo chí, bà Liên cũng thừa nhận chính sự tỉ mẩn trong công việc, biết lo xa, nghĩ tới nghĩ lui, giả định trường hợp xấu nhất thì phải làm sao, để phòng ngừa rủi ro cũng như việc biết trọng dụng nhân tài là những yếu tố then chốt để đưa Vinamilk thành doanh nghiệp top đầu.

Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong nhân dịp khánh thành siêu nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại nhất khu vực châu Á tại Bình Dương, bà Mai Kiều Liên tiết lộ: Chính việc xây dựng được các kịch bản cụ thể về hoạt động của doanh nghiệp trong một năm, 3 năm hay 5 năm và chủ động được nguồn nguyên liệu, bên cạnh việc không phải chịu sức ép từ gánh nặng trả lãi ngân hàng, nên mọi hoạt động đều diễn ra theo kế hoạch và Vinamilk luôn vững vàng trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành điêu đứng.

Quan điểm phải nỗ lực sáng tạo, tìm ra các phân khúc thị trường mới, đưa ra những sản phẩm mới cộng với việc tái bố trí nhân lực, giảm chi phí các khâu trung gian đã minh chứng cho thực tế Vinamilk đã biết cách tự cứu trước khi nhờ người khác cứu trong bối cảnh kinh tế và sức mua giảm. Kết quả, Vinamilk luôn vững vàng với tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.

Triết lý “tướng tài là người biết dụng nhân” cũng luôn được bà Liên kiên trì áp dụng. Bà cũng thừa nhận, Vinamilk thành công ngoài việc nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế, đó chính là nhờ biết sử dụng người tài. “Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đào tạo họ chứ không bỏ người. Quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể”, nữ tướng Mai Kiều Liên chia sẻ.

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng giám đốc Vinamilk, điều khiến bà Mai Kiều Liên tâm đắc nhất là tập thể lãnh đạo cùng kỹ sư, cán bộ, công nhân của Công ty đã xây dựng được “Văn hóa Vinamilk”. Văn hóa đó là, tất cả từ người kinh nghiệm lâu năm đến người trẻ, ai cũng coi Vinamilk là gia đình thứ hai của mình. Họ cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp nhau vượt qua khó khăn và cùng tự hào với những thành quả đạt được của Vinamilk.

Với vai trò và thành tích nổi bật trong công ty, bà Mai Kiều Liên đã 4 năm liên tiếp lọt danh sách Nữ doanh nhân Quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes. Năm 2015, bà Liên là người Việt Nam duy nhất được Tập đoàn Nikkei trao giải thưởng vì những đóng góp cho kinh tế khu vực.

“Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại Châu Á. Vinamilk đã đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam thấy được sự cần thiết của những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Hiện nay công ty cũng đang tiến hành đầu tư phát triển vươn ra tầm quốc tế”, Tạp chí Nikkei nhận định.

 “Sự thay đổi nhanh chóng này được thúc đẩy bởi Vinamilk - công ty có thị giá lớn nhì Việt Nam. Thành công của Vinamilk gắn liền với Chủ tịch kiêm CEO Mai Kiều Liên”, kênh thông tin kinh tế và tài chính CNBC của Mỹ đánh giá. 


Năm 2015, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 39.077 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế 6.830 tỷ đồng, tăng 12.6%. Trong 2 năm (2013-2014), Vinamilk đã đưa vào hoạt động thêm 2 siêu nhà máy mới sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ  đồng.

Vinamilk cũng đầu tư đầu tư 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), đầu tư 70% cổ phần vào nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy tại Campuchia, mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 31 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc...
 Theo Tienphong.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nữ doanh nhân khai phá ngành sữa Việt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc