top-banner-2

Thứ ba, 13/10/2015, 09:39 GMT+7

Đi tìm gương mặt doanh nhân trong lịch sử Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ ba, 13/10/2015, 09:39 GMT+7

Lần theo những tư liệu quý giá còn lại về tình hình sinh hoạt kinh tế phong kiến với thương lái, thợ cả... sẽ phần nào giúp ta hình dung được diện mạo của tầng lớp doanh nhân Việt Nam xưa.

Đi tìm gương mặt doanh nhân trong lịch sử Việt Nam

Cảng Sài Gòn xưa (năm 1890)

Có thể nói, thời kỳ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước liên tiếp bị chia cắt bởi các cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều kéo dài hơn nửa thế kỷ và sau đó là sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài với cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài hơn 200 năm.

Tuy nhiên, thời kỳ Đại Việt bị chia cắt thành hai lãnh thổ riêng biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài cũng đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía nam, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thiết lập được một nền ngoại thương phát triển cực kỳ rực rỡ, tạo nên một nền kinh tế phát triển ổn định trong một thời gian khá dài…

Năm 1776, trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã viết: "Người giàu có ở các địa phương (Nam Bộ), nơi thì bốn năm mươi nhà, nơi thì hai ba mươi nhà, mỗi nhà có đầy tớ làm ruộng tới năm sáu mươi người. Mỗi nhà có thể nuôi hơn ba bốn trăm trâu bò, cày bừa, trồng trọt, gieo cấy, bận rộn suốt ngày không lúc nào nghỉ.

Hằng năm cứ đến tháng một và tháng chạp, người ta thường xay lúa, giã gạo đem đi bán lấy tiền để tiêu dùng vào lễ Tết. Còn từ cuối tháng Giêng trở đi, họ không còn thì giờ để xay lúa giã gạo. Những lúc bình thường người ta chuyên chở lúa ra bán ở Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm vải vóc của người Tàu đem về may mặc, nên quần áo của họ toàn hàng hoa mầu tươi tốt đẹp đẽ. Ít khi họ mặc quần áo bằng vải thô."

Sự kiện kể trên có một ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế, từ ngàn xưa dân ta chỉ sản xuất gạo vừa đủ ăn, quanh quẩn tự cung, tự cầu trong một làng hay một tỉnh là cùng. Đồng ruộng Nam Bộ ngày càng thẳng cánh cò bay, nông dân cần cù khai thác trong 50 năm (1700-1750) làm cho thóc gạo dư ăn và thường xuyên trở thành hàng hóa để buôn bán.

Vì vậy có thể nói, ở nước ta thị trường xuất hiện đầu tiên với đầy đủ tính cách nhất có lẽ là thị trường lúa gạo. Đem lúa gạo đi bán xa hàng ngàn kilomet và thương nhân ở thật xa hay người nước ngoài cũng vào Nam Bộ buôn gạo.

Thương nhân lúc bấy giờ có cách thức mua bán tuy đơn giản nhưng hiệu quả, theo như Lê Quý Đôn miêu tả "Đến đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu... người ta thu xếp thuyền buồm để đậu lại nghỉ ngơi và để hỏi tham xem nơi nào được mùa hay mất mùa ra sao. Sau khi biết chắc chắn địa phương được mùa lúa gạo, người buôn mới cho thuyền vào nơi ấy...

Hai bên mua bán thóc gạo thương lượng với nhau và bàn định giá cả xong rồi, bấy giờ người bán sai bọn trẻ nhỏ hay đầy tớ làm việc khiêng gánh lúa gạo vận chuyển xuống thuyền người mua... Cứ một quan tiền đong được 300 bát định chuẩn của nhà nước. Giá rẻ như vậy các nơi khác chưa từng có".

Ở Nam Bộ, vì nhờ có nông nghiệp phát triển nên đã kéo theo thương nghiệp phồn thịnh. Vì thế sự phân công công nghiệp sớm xuất hiện. Một số thợ thủ công đã thành chuyên nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Tuy vẫn giữ tính cách gia đình, chưa chuyển sang công xưởng tư bản, nhưng thủ công đã sản xuất được nhiều mặt hàng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, vì nhân dân làm ăn khá giả.

Khung cảnh Chợ Lớn xưa.

Khung cảnh Chợ Lớn xưa.

Theo tư liệu lịch sử, năm 1791 Gia Định có 62 ty thợ làm việc công như các ty: thợ súng, thợ đúc, thợ đóng thuyền, thợ điêu khắc, thợ sơn, thợ nhuộm... Phải có ít nhất 500 công nhân làm trong 62 ty thợ quốc doanh. Số công nhân làm trong gia đình hay các phường thợ được phỏng đoán lên đến hàng ngàn người.

Trong các nghề thủ công ở Gia Định xưa, có lẽ nghề đóng thuyền là quan trọng hơn cả, vì ở đây có nhiều nghề phân công phụ trợ và rừng cây cung cấp nhiều gỗ tốt. Chính vì nghề thợ thuyền phát triển mà ngành ngoại thương của Việt Nam từ thế kỷ 15 đến 19 đã phát triển vượt bậc, có thể làm chủ khắp biển Đông.

Lúc này, thương nhân người Việt có thuyền buồm lớn theo gió mùa đi buôn bán với Quảng Châu, Hương Cảng, Ma Cao, Xiêm La, Singapore, Jakarta... Những mặt hàng xuất khẩu gồm có: thóc gạo, hạt cau khô, yến sào, vi cá, quế, trầm hương, hạt tiêu, ngà voi, sừng tê...

Một chiếc tàu buôn tại thương cảng Sài Gòn xưa

Một chiếc tàu buôn tại thương cảng Sài Gòn xưa

Trong số hiếm hoi tư liệu đề cập đến lịch sử kinh tế còn lưu lại tên tuổi thương nhân Lê Văn Gẫm người làng Gò Công, Thủ Đức có thuyền vượt biển đi buôn đến nhiều nước mà giới thương nhân thường gọi là lái Gẫm.

Những thương nhân giàu có như lái Gẫm và thậm chí lớn hơn nữa thời bấy giờ trong cả nước có đến vài trăm người. Họ có vốn lớn, có phương tiện viễn dương tiên tiến, biết cách đi đường biển, nắm vững giá cả thị trường trong cũng như ngoài nước, làu thông thiên văn, địa lý, có mưu lược trong việc điều khiển nhân lực...

Có thể nói, những lái buôn xưa của Việt Nam đáng được xem là những doanh nhân như chúng ta quan niệm ngày nay.

Vì sử học Việt Nam ít quan tâm đến lịch sử kinh tế, nên việc tìm hiểu lịch sử hình thành nền kinh tế và các thương nhân xưa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Lần theo những tư liệu quý giá còn lại về tình hình sinh hoạt kinh tế phong kiến với thương lái, thợ cả kể trên, đã phần nào giúp ta hình dung được diện mạo của tầng lớp doanh nhân Việt Nam xưa.

*Một số phần trong bài viết tham khảo từ tư liệu "Thử tìm gương mặt Doanh nhân trong lịch sử Việt Nam" của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đi tìm gương mặt doanh nhân trong lịch sử Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc