top-banner-2

Thứ hai, 30/07/2018, 15:52 GMT+7

Anthony Tan của Grab: Từ thiếu gia 'ngậm thìa vàng' đến ông chủ ứng dụng tỷ đô

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 30/07/2018, 15:52 GMT+7

Anthony Tan làm thế nào để đưa Grab, một startup thành lập trong nhà kho trở thành ứng dụng được ưa chuộng hàng ngày như ngày nay?

anthony-tan-vanhoadoanhnhan

Grab vừa khai trương trụ sở mới sang trọng tại Marina One West, Singapore. Trụ sở gồm 2 tầng với view nhìn ra khu vực cảng Tanjong Pagar đắt giá, là cột mốc cho thấy startup Grab của Anthony Tan đã đi được bao xa kể từ ngày đầu thành lập trong một nhà kho bé nhỏ tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Mới ra đời gần 6 năm, Grab tỏ ra không “ngán” một đối thủ nào, thậm chí còn khiến Uber phải chùn bước tại sân nhà. Grab hiện là startup công nghệ giá trị nhất Đông Nam Á khi được định giá hơn 10 tỷ USD, giúp cho nhà đồng sáng lập Tan trở thành triệu phú với tài sản khoảng 300 triệu USD theo ước tính của Forbes.

Với dân số khoảng 660 triệu người, Đông Nam Á từ lâu được xem là thị trường lớn tiếp theo của các hãng công nghệ. Chỉ riêng mảng dịch vụ gọi xe đã được đự đoán có giá trị 20 tỷ USD đến năm 2025, theo báo cáo Kinh tế Internet Đông Nam Á của Google và Temasek công bố tháng 12/2017.

Ngày nay, Grab hoạt động tại 225 thành phố trên 8 nước với hơn 100 triệu lượt tải. Khởi đầu là ứng dụng gọi xe taxi giúp hành khách và tài xế an toàn, ứng dụng đã mở rộng thêm nhiều dịch vụ: đặt xe riêng, đi chung xe đạp, xe buýt công cộng và giao hàng, thực phẩm, đồ tạp hóa . Để gắn kết tất cả dịch vụ, công ty ra mắt công cụ thanh toán GrabPay năm 2016, giúp việc thanh toán trở nên thuận tiện hơn và cho phép người dùng ứng dụng sử dụng điểm để mua các dịch vụ khác. Dự kiến, Grab có thể đem về 1 tỷ USD doanh thu năm 2018.

CEO Anthony Tan có phong thái ấm áp, dễ tiếp cận nhưng kỳ thực, anh chính là con cháu trong một gia đình Malaysia xuất chúng. Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, gặp Anthony trong một sự kiện của Harvard. Cô nhận xét Anthony là người hướng ngoại, ăn mặc chỉn chu và biết tất cả những người nên biết trong phòng.

Anthony Tan là con út trong gia đình Tan Heng Chew, Chủ tịch Tan Chong Motor, công ty lắp ráp và phân phối xe Nissan tại Đông Nam Á. Cha của anh tin vào việc dạy dỗ nghiêm khắc nên Tan đã làm việc tại dây chuyền lắp ráp và được theo cha đến các cuộc họp với những ông chủ liên đoàn khó tính, giúp anh được tiếp xúc với một thế giới khác. Nhờ đó, dù là con nhà giàu có, Anthony lại gây ấn tượng nhờ tinh thần làm việc. Đối với Tan Hooi Ling, Anthony là “một trong những người chăm chỉ nhất tôi từng gặp bất chấp lợi thế không nhỏ từ gia đình”. Foo Jixun, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm GGV, đơn vị dẫn đầu vòng gọi vốn Series B trị giá 15 triệu USD của Grab, lại nhìn thấy ở Tan đam mê thú vị dù anh sinh ra đã “ngậm thìa bạc trong miệng”.

Ý tưởng về Grab (tên gốc là MyTeksi) nảy ra khi hai sinh viên họ Tan ngồi cạnh nhau trong lớp học MBA. Nếu như các dịch vụ gọi xe như Uber hay Didi Chuxing tập trung vào kết nối cung - cầu giữa hành khách và tài xế, Anthony và Hooi Ling lại nghĩ khác: cải thiện an toàn. Giới taxi Malaysia thời điểm ấy mất uy tín vì một số “con sâu làm rầu nồi canh”. Hiểu được nguy cơ khi đi một mình trong khu vực, Grab cho phép khách hàng chia sẻ hành trình chuyến đi theo thời gian thực.

Theo Du Lâm (ICTNews)/Cafebiz.vn - 30/7/2018

Link nguồn: http://cafebiz.vn/anthony-tan-cua-grab-tu-thieu-gia-ngam-thia-vang-den-ong-chu-ung-dung-ty-do-20180730151036037.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Anthony Tan của Grab: Từ thiếu gia 'ngậm thìa vàng' đến ông chủ ứng dụng tỷ đô

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc