top-banner-2

Chủ nhật, 26/08/2018, 11:11 GMT+7

Chàng sinh viên Mỹ chế tạo kính cho người mù được rót vốn 15 triệu USD

Viết bởi Tuệ Minh   
Chủ nhật, 26/08/2018, 11:11 GMT+7

Chiếc kính của Chang tích hợp camera, giúp người dùng ghi hình xung quanh và 'phiên dịch viên thị giác' từ xa sẽ quan sát để chỉ đường cho họ.

Yuja Chang, sinh viên MBA của Đại học Pennsylvania, Mỹ, là chủ nhân startup kết nối từ xa người khiếm thị/thị lực yếu với đội ngũ hỗ trợ viên.

Đeo kính tích hợp camera của Aira, người dùng ghi hình xung quanh và qua đường truyền không dây, các "phiên dịch viên thị giác" của họ quan sát được. Người sáng mắt nhờ thế mô tả cảnh quan cho người mắt kém và chỉ dẫn đường đi.

Cặp kính Aira được kỳ vọng không chỉ đem đến một đôi mắt khác cho người khiếm thị để di chuyển ở nơi rối ren như nhà ga sân bay, siêu thị, đường phố... mà còn giúp họ có thêm những người bạn chuyện trò.

yuja-chang

Chang, 27 tuổi, chủ nhân chiếc kính giúp người khiếm thị 'nhìn thấy'. Ảnh: The Daily Pennsylvanian.

Dịch vụ được The New York Times ca tụng là "trời ban" dành cho người hỏng thị lực này được các quỹ đầu tư rót gần 15 triệu USD, kể từ khi ra mắt chính thức năm 2014.

Aira khởi đầu là một dự án tay trái của Chang và Suman Kanuganti năm 2013. Hai người cùng nhau ứng dụng công nghệ Google Glass ở thời điểm nó được tung ra chưa lâu và hầu như người ta chẳng biết dùng để làm gì.

Họ có người bạn mất thị lực từ năm 2006, Matt Brock. Anh chàng này hiếm khi ra khỏi nhà mà không có vợ đi kèm. Brock có một chú chó dẫn đường, nhưng lại chẳng thể cho anh biết làm sao đi từ nhà ra bách hóa, dãy nào trong siêu thị bày bánh mì hay đã nhận đúng số tiền thừa chưa sau khi mua hàng. Và trong một lần gọi điện video cho Kanuganti, Brock được bạn dẫn đường đến một tiệm hoa gần nhà để mua thành công một bó cho vợ, điều chưa từng có tiền lệ.

Từ đó, bộ đôi sáng lập của Aira được gợi ý khi đang tìm cách tận dụng công nghệ sẵn có để phục vụ cộng đồng kém may mắn.

Hướng tiếp cận khác biệt dựa vào yếu tố con người

Chang chia sẻ động lực: "Đã có nhiều ứng dụng di động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm giải pháp cho người mù. Nên chúng tôi tự hỏi nếu mình đưa yếu tố con người vào thì sao. Thay vì máy tính chỉ dẫn, những cá nhân bằng xương bằng thịt sẽ hỗ trợ họ".

Sau thời gian thử nghiệm cùng Brock, Chang nhận ra lợi ích của việc có những hỗ trợ viên vượt xa sự giúp đỡ đi lại đơn thuần.

"Người khiếm thị thường có vòng quen biết khá hẹp do thiệt thòi cơ hội gặp gỡ những người mới", Chang đúc rút. Nhờ kết nối đối tượng này với đội hỗ trợ, Aira đồng thời tạo tương tác với nhiều người hơn cho họ.

Anh kể phần lớn nội dung trao đổi giữa người dùng và hỗ trợ viên là về đời sống thường ngày, thậm chí dở chuyện thì nói tiếp lần sau. Các hướng dẫn được đưa ra cũng vô cùng đa dạng từ đọc chữ viết tay, đi chợ trong siêu thị cho đến kiểm tra đồ trong tủ lạnh đã hết hạn chưa. Thậm chí một người đàn ông mù từng nhờ đến Aira để tham gia cuộc thi chạy marathon. Người khác thì mong hỗ trợ đọc truyện tranh cho con hoặc điều chỉnh góc hình chụp ảnh sao cho đẹp.

Kính Aira dựa trên công nghệ kính thông minh của Google ra mắt năm 2013. Ảnh: The Daily Pennsylvanian. 

Kính Aira dựa trên công nghệ kính thông minh của Google ra mắt năm 2013. Ảnh: The Daily Pennsylvanian.

Sự độc lập cho người khiếm thị

Đến năm nay, dịch vụ ghi nhận hơn 1.000 người dùng, kết nối với đội ngũ khoảng 60 hỗ trợ viên. Aira cung cấp ba gói thuê bao: 300 USD cho 750 phút, 1.000 USD cho 3.000 phút và 2.500 USD cho 10.000 phút.

Quy trình tuyển chọn hỗ trợ viên, theo nhà sáng lập 27 tuổi, rất khắt khe vì cần đáp ứng các yêu cầu pháp lý. Các bước bao gồm sơ loại, phỏng vấn qua điện thoại và ba tuần đào tạo.

Elizabeth Campbell, một phóng viên khiếm thị thường xuyên di chuyển xa, thú nhận rằng việc đi lại trong sân bay luôn đáng sợ khi ở giữa không gian không quen thuộc, đám đông và vô số hàng quán. Cô thường phụ thuộc vào sự trợ giúp của nhân viên sân bay và hành khách qua lại. Tuy nhiên, những người này hầu hết không được đào tạo để hiểu những nhu cầu của người khiếm thị. Và hết sự chỉ dẫn, họ thường rơi vào trạng thái cô lập ở chốn đông đúc như vậy.

Từ ngày đeo kính Aira, nữ phóng viên này cảm thấy có thể độc lập trong việc di chuyển trong sân bay và thậm chí tăng tương tác. Cô nói: "Cảm giác như được trao quyền tự chủ mà không phải dựa dẫm vào ai".

Hiện ưu tiên hàng đầu của Aira là tăng tiếp cận cho người dùng. Họ thực hiện bằng con đường hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đã được nhiều tên tuổi lớn góp sức. Tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T là đối tác xây dựng mạng lưới điểm phát sóng cho họ. Aira cũng đã bắt tay với loạt sân bay Mỹ tại các thành phố Seattle, San Diego, Boston và Houston để phủ dịch vụ. Bên cạnh đó, Lyft, "kình địch" của Uber, đồng ý hỗ trợ vận tải cho người thị lực yếu.

Xa hơn, Aira hy vọng làm việc với các cơ quan chính phủ để triển khai dịch vụ tới cộng đồng người khiếm thị rộng hơn. Các trường Đại học Harvard và Stanford cũng đang hợp tác với startup này để cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng trong phạm vi xung quanh.

Chang chia sẻ: "Chúng tôi dự định tiếp cận các cơ sở giáo dục, sẽ chạy thử chương trình nhằm hướng đến giúp đỡ sinh viên khiếm thị trong khuôn viên trường học".

Theo Quốc Việt - ngoisao.net - 26/8/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/chang-sinh-vien-my-che-tao-kinh-cho-nguoi-mu-duoc-rot-von-15-trieu-usd-3797597.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chàng sinh viên Mỹ chế tạo kính cho người mù được rót vốn 15 triệu USD

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc