top-banner-2

Thứ hai, 01/04/2013, 11:08 GMT+7

Văn hóa doanh nghiệp: Yếu tố cốt lõi cho thành công

Thứ hai, 01/04/2013, 11:08 GMT+7

Vì sao vẫn có những công ty tồn tại được qua “sóng gió” trong khi những doanh nghiệp khác lại “biến mất” trên thị trường? Vậy, sự thành công của một công ty được dựa trên những yếu tố nào?

Ảnh minh họa

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự tiến bộ của các phương thức sản xuất và cách thức cạnh tranh trong nền kinh tế thì một doanh nghiệp thành công phải hội đủ nhiều yếu tố. Trong các yếu tố đó, thành phần có tính quyết định là “con người”. Tuy nhiên, để thu hút được người tài và tạo động lực cho nhân viên làm việc hết mình, giành được sự tôn trọng của khách hàng, cộng đồng thì “văn hóa doanh nghiệp” (VHDN) lại là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Cần “quản trị” thay vì “cai trị”

Ngày nay, một doanh nghiệp thành công không phải do dựa trên máy móc, thiết bị hiện đại hay những quy định, kiểm soát khắt khe người lao động. Sự thành công của doanh nghiệp là do người lãnh đạo biết cách dùng quy chế và văn hóa để hướng tất cả các thành viên vào một mục đích và hoài bão chung. Khi các thành viên đều hiểu được sứ mệnh và giá trị của công ty cũng như vai trò của họ, thì sẽ cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, sự thành công đến từ việc “quản trị” chứ không phải “cai trị”. Và để có thể “quản trị” được doanh nghiệp, người lãnh đạo cần có sự am hiểu sâu sắc về nhu cầu con người cũng như văn hóa doanh nghiệp. Vì suy cho cùng, con người chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vậy, VHDN là gì? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về VHDN. Theo tác giả, VHDN là toàn bộ các giá trị tạo nên tinh thần của doanh nghiệp, thể hiện dưới các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và chi phối tình cảm, suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Từ đó tạo nên động lực và động cơ để các thành viên được phát huy mọi khả năng và tố chất của mình để đưa doanh nghiệp đi đến thành công một cách bền vững.Có thể xem “doanh nghiệp là khóa, văn hóa là chìa”. Hay, VHDN là giá trị cốt lõi, là “cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi”­­ – theo E.Heriôt.

Vậy tại sao VHDN có thể giúp tạo nên sự phát triển bền vững của một công ty? VHDN có mối liên hệ như thế nào với nhu cầu và động lực của con người?

Mối quan hệ giữa VHDN và Tháp Nhu cầu của Maslow

Theo Tháp Nhu cầu của Maslow, tầng trung của nhu cầu con người là giao lưu tình cảm và được trực thuộc, tức là muốn được ở trong nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. Cao hơn nữa họ có nhu cầu được kính trọng, quý mến và được tin tưởng. Và cấp độ nhu cầu cuối cùng, con người muốn được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.

Một môi trường doanh nghiệp tạo cho nhân viên của mình ngoài việc được đáp ứng nhu cầu căn bản, thì những nhu cầu nói trên chính là động lực thúc đẩy con người phát huy hết khả năng và năng lực của mình để được sống trong một cộng đồng tin cậy, được tin tưởng và kính mến, cuối cùng họ có cơ hội để phát huy khả năng của mình. Tất nhiên chúng ta không quên động cơ lợi ích, cuối cùng thì các giá trị đó phải được quy đổi ra thành những phần thưởng xứng đáng để làm thang đo cho chính những nỗ lực mà họ tạo ra.

Trên thế giới, hẳn ai cũng biết sự thành công vượt trội của các công ty Nhật Bản như Toyota, Mitsubishi, Sony, Canon… và bên cạnh thiết bị khoa học - công nghệ hiện đại, thì yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của các công ty Nhật là con người. Văn hóa doanh nghiệp kiểu Nhật đã tạo cho công ty một không khí làm việc như trong một gia đình, các thành viên gắn bó với nhau chặt chẽ. Công ty luôn quan tâm chăm sóc chu đáo mọi nhu cầu cơ bản của nhân viên, bao gồm trong cả những chuyện riêng tư như cưới xin, ma chay, ốm đau, sinh con. Từ đó tạo động lực cho nhân viên luôn nỗ lực hết mình với công ty.

Khác với nhiều nơi trên thế giới, nhân viên Nhật có truyền thống gắn bó suốt đời với công ty, chính vì vậy họ sẽ được tạo điều kiện để học hỏi và đào tạo từ nguồn vốn của công ty, được tham gia một môi trường bao gồm những người thân quen, như những thành viên trong một gia đình từ lãnh đạo cho đến nhân viên cấp thấp, họ tạo nên sự tin cậy lẫn nhau trong công việc. Nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo con người được coi là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật rất coi trọng thứ bậc, người có thứ bậc cao hơn luôn được kính trọng và tin tưởng. Chính vì điều này đã tạo động lực để các nhân viên luôn phấn đấu để bước lên những nấc thang mới trong sự nghiệp.

Tóm lại, một doanh nghiệp luôn coi trọng tinh thần dân chủ, sự cạnh tranh công bằng, hướng tới đổi mới, tôn trọng và phát huy sự sáng tạo, hướng tới sức mạnh của cộng đồng, quan tâm và sẻ chia nguyện vọng giữa các thành viên, chú trọng việc đem lại giá trị cho khách hàng…sẽ tạo nên một nền văn hóa đặc trưng, đáp ứng được nhu cầu của các thành viên trong doanh nghiệp. Từ đó sẽ có sự gắn kết và thống nhất giữa các thành viên, giúp các thành viên hiểu rõ giá trị bản thân và vai trò của họ, tạo động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín cho doanh nghiệp.

Theo NĐT

 

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Văn hóa doanh nghiệp: Yếu tố cốt lõi cho thành công

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc