Màn kịch mới của sở hữu chéo |
Thứ sáu, 09/08/2013, 15:52 GMT+7 |
Cuối quý I/2013 khi chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đại hội thường niên năm 2013, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận thấy trong số những nhà đầu tư có một tổ chức là một ngân hàng khác đang sở hữu 1,8% cổ phiếu ACB. Sang đầu tháng 6/2013, số lượng cổ phiếu ACB do tổ chức này nắm giữ đã tăng lên thành 3%, chứng tỏ họ thường xuyên mua vào để nâng tỷ lệ. Cùng thời điểm đó, ACB thông báo (công bố thông tin trên trang web của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) đã mua khoảng 16,1 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị 260 tỉ đồng. Trước đó ngân hàng công khai sẽ mua khoảng 55,4 triệu cổ phiếu quỹ với số tiền dự tính hơn 1.000 tỉ đồng. Lý do ACB không mua hết cổ phiếu quỹ như đăng ký được giải thích là “biến động giá của thị trường không phù hợp”. Những màn kịch mới Giới tài chính đoán già đoán non ACB ngưng mua cổ phiếu quỹ vì trong thời gian ACB mua, giá cổ phiếu có nhích lên, ngày biến động cao điểm chừng 10%, chưa kể ngân hàng đã trả cổ tức và thị giá thông thường được điều chỉnh giảm tương ứng. Không ai muốn mua đắt, nên ACB ngưng mua. Số khác đưa ra giả thiết ACB đã thương thảo được với những nhà đầu tư lớn và sẽ mua thỏa thuận của những người này trong một thời điểm thích hợp, nên không cần mua khớp lệnh trên sàn nữa. Chẳng phải ngẫu nhiên ACB mua cổ phiếu quỹ. Một nhóm nhà đầu tư với sự hậu thuẫn của những nguồn vốn vay khác nhau, đã không ngưng nghỉ mua vào cổ phiếu ACB kể từ khi giá của nó lao dốc sau sự kiện bầu Kiên. Một nhà đầu tư trong nhóm nói rằng họ không có ý định thâu tóm, họ mua đơn thuần vì thấy giá cổ phiếu ACB đang thấp hơn giá trị thực. Tuy không khẳng định chính thức, có lý do để tin nhóm của ông đã có trong tay tầm 5 – 10% cổ phần ACB. Cho dù tổng tài sản sụt giảm mạnh trong năm ngoái và lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay chỉ bằng 50% so với cùng kỳ, nhưng ACB là một ngân hàng minh bạch và có nền tảng tốt. ACB đang tiếp tục hành trình thoái hết những khoản đầu tư tài chính, trở lại với kinh doanh cốt lõi là ngân hàng bán lẻ. Á Châu đã chuyển nhượng sở hữu ở các ngân hàng Eximbank, Đại Á, Kiên Long và đang thương thảo số cổ phần nắm giữ ở VietBank (Ngân hàng Việt Nam Thương Tín). Hầu hết những khoản đầu tư trên đều có lời ở mức độ khác nhau và việc thoái vốn củng cố tiềm lực tài chính của ngân hàng. Bên nhận chuyển nhượng những cổ phiếu ngân hàng mà ACB bán ra chủ yếu thuộc các nhóm đầu tư tài chính, đã và đang là cổ đông của không ít tổ chức tín dụng. Hầu hết những màn kịch chuyển nhượng, kể cả của cổ đông nước ngoài, họ cũng tham gia. Họ đã từng mua lại khoảng 7% cổ phần một ngân hàng từ một quỹ đầu tư nước ngoài. Tổng giám đốc quỹ đầu tư ngoại – bên bán – thừa nhận họ (nhóm đầu tư trên) là người duy nhất có thể mua, còn tiền mua từ đâu thì ông lắc đầu, không biết. Cây tầm gửi sở hữu chéo Đầu năm nay, báo chí đã hơn một lần lên tiếng phản ánh khi trước thềm đại hội cổ đông, Ngân hàng TMCP Phương Nam công khai trong tài liệu gửi cổ đông và công bố rộng rãi cho nhà đầu tư biết, đưa ra một ứng cử viên vào hội đồng quản trị vốn có liên quan đến một nhóm tội phạm đã bị xóa sổ trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước dĩ nhiên bác bỏ phương án này và việc chuyển nhượng nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông lớn tại đây vẫn chưa thể thực hiện. Điều đáng nói là nhóm cổ đông này cũng đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn ở một ngân hàng khác. Cho đến nay nếu cứ chiểu theo giấy trắng mực đen, theo Luật Các tổ chức tín dụng, không có cổ đông thể nhân nào sở hữu quá 5% cổ phần một ngân hàng. Cũng không có pháp nhân nào nắm giữ quá 15% cổ phần một tổ chức tín dụng. Thế nhưng trên thực tế tình trạng lại không hẳn như vậy. Cổ phần ngân hàng được đứng tên dưới nhiều người khác nhau, có người thậm chí cả đời chưa một lần đặt chân tới ngân hàng như anh lái xe, cô giúp việc nhà, ông làm vườn, bà vú… Cựu chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng kể hồi ông còn tại vị, một cổ đông cho biết sở hữu hơn 20% cổ phần ngân hàng và trưng ra danh sách 50 người đứng tên giùm. Ông tá hỏa khi biết đó là sự thật. Phải gọi việc sở hữu cổ phần ngân hàng dưới tên những người đứng tên giùm là ma trận. Ai đứng tên giùm ai, cách thức chuyển nhượng ra sao, tiền mua tiền bán đến và đi như thế nào, chỉ người trong cuộc biết. Không ai dại gì đem những mối quan hệ đó ra ánh sáng, công khai cho thiên hạ rõ. Đến khi cần thiết phải sử dụng quyền của những cổ đông lớn nhằm phủ quyết hoặc thông qua một quyết sách của ngân hàng, đến khi cần vay mượn những khoản tín dụng ưu đãi cho các công ty sân sau, những ông chủ thật mới lộ diện. Cách đây 5-7 năm, hiện tượng một cá nhân hay pháp nhân tham gia vốn vào nhiều hơn hai ngân hàng đã có, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ với mục đích sử dụng vốn ngân hàng tài trợ cho những địa chỉ của chính họ. Việc liên kết giữa cổ đông ngân hàng này với cổ đông ngân hàng khác, tạo thành những khối cổ đông đủ sức thao túng thị trường tiền tệ không xảy ra. Đến năm 2010 với sự suy thoái trầm trọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, sự liên kết bắt đầu xuất hiện và ngày càng hiện diện chặt chẽ. Khi đó cơ hội sở hữu một ngân hàng trở nên rộng mở. Trước đây khi thị giá cổ phiếu ngân hàng từ vài chấm đến mười mấy chấm, người ta phải có tiền tỉ mới sở hữu được mấy phần trăm một ngân hàng. Nay thì khác. Vài ngàn tỉ đồng có thể “làm sạch” một ngân hàng! Không ai có nhiều “tiền tươi thóc thật” đến mức đứng ra mua đứt một ngân hàng. Cách thức đầu tư ngân hàng là cuốn chiếu. Có một đồng, họ vay ngân hàng một đồng, thành ra có hai đồng. Lấy hai đồng ấy mua cổ phiếu ngân hàng, mang cổ phiếu thế chấp, vay tiền mua tiếp. Không có ngân hàng nào đủ lực và đủ liều lĩnh dám cho vay để đầu tư cả một ngân hàng khác. Muốn vay được nhiều tiền, phải chi phối được ngân hàng cho vay. Cứ thế sở hữu chéo lan ra, như cây tầm gửi, leo hết ngân hàng này đến ngân hàng nọ. Vay tiền ngân hàng A đầu tư ngân hàng B. Vay tiền ngân hàng B đầu tư ngân hàng C. Vay tiền ngân hàng C đầu tư ngược trở lại ngân hàng A… Cái chuỗi liên kết đó có sức mạnh ghê gớm, nó khống chế, công phá ban tổng giám đốc các ngân hàng. Từ đây, việc chi phối thị trường tiền tệ và cao hơn là thị trường vốn chỉ còn là vấn đề thời gian. Nợ xấu và sở hữu chéo Trong hội thảo mới đây “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo” do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 31-7-2013, các diễn giả đã đề cập nhiều đến tác hại của sở hữu chéo đối với nền kinh tế, đến sự phát triển thị trường tài chính. Tuy nhiên câu hỏi tháo gỡ sở hữu chéo như thế nào, bằng các biện pháp gì, chưa được đào sâu như kỳ vọng. Trực tiếp giám sát các ngân hàng như Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng thật không dễ khi phát hiện và xử lý sở hữu chéo. Làm sao có đủ bằng chứng để chứng minh cổ phiếu ngân hàng do bà B đứng tên thực chất là thuộc quyền sở hữu của ông A? Ở các nước, các ngân hàng niêm yết chịu sự quản lý của cơ quan chứng khoán, nhưng ngân hàng niêm yết ở ViệtNamvẫn thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn. Nói vậy để thấy nếu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mà bó tay với sở hữu chéo, thì liệu Trung tâm lưu ký chứng khoán hay Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể làm rõ trắng đen? Quyền lực của cơ quan chứng khoán đối với ngân hàng không thể so sánh với quyền lực của Ngân hàng Nhà nước. Vỏ quýt dày, móng tay nhọn. Nhìn từ xuất phát điểm một trong những mục đích chủ yếu mà sở hữu chéo ngân hàng hướng tới là vay được tiền (mục đích khác có thể là thâu tóm để làm một ngân hàng trở nên mạnh hơn hoặc yếu nhằm hạ bệ nó để cạnh tranh) cho những đối tượng định trước, thì tập trung thanh tra tín dụng, tìm đường đi của đồng vốn, mối quan hệ giữa các đối tượng vay vốn… là việc cơ quan quản lý không thể bỏ qua. Một ngân hàng, thí dụ có vốn chủ sở hữu 4.000-5.000 tỉ đồng, mà nợ xấu có khả năng mất vốn lên tới mười mấy ngàn tỉ đồng, thì rõ ràng tín dụng ở đây có vấn đề. Không một ban tổng giám đốc nào lại đủ nghị lực ký các hợp đồng tín dụng cho vay nhiều rủi ro đến thế trừ trường hợp họ biết rõ người vay là ai, có quan hệ ra sao với các cổ đông chóp bu của ngân hàng. Có một điểm mà dư luận đang lo ngại: nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng cao, thì sở hữu chéo ngân hàng càng chằng chịt. Đành rằng nợ xấu chủ yếu là do kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thua lỗ, sử dụng vốn vay không hiệu quả, không trả được nợ. Nhưng nợ xấu còn có nguyên nhân từ cho vay công ty sân sau, từ rót vốn quá quy định cho những đối tượng cần kiểm soát, từ vay vốn để đầu tư tài chính… Đây mới là tác động tiêu cực sâu xa của sở hữu chéo ngân hàng, đòi hỏi phải được khắc phục, tiến tới xóa bỏ càng nhanh càng tốt. Theo DNSGCT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|