top-banner-2

Thứ hai, 05/08/2013, 09:43 GMT+7

Đừng để nhân viên… ở giữa

Thứ hai, 05/08/2013, 09:43 GMT+7

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nào cũng tìm cách cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí về nhân lực. Nhiều ông chủ đã tận dụng triệt để nguồn nhân lực vốn có để phục vụ cho nhiều công việc khác nhau.

alt

Khi khối lượng công việc nhiều, khi sếp nào cũng cho rằng công việc của phòng ban mình cần ưu tiên, nhân viên dễ rơi vào tình huống khó xử khi không biết phải thực hiện công việc nào trước, việc nào sau để làm hài lòng cả hai sếp.

Cách làm này không những giảm đáng kể chi phí nhân lực mới mà còn giúp nhân viên có thêm thu nhập từ công việc “ngoài luồng”, tránh được những bỡ ngỡ về môi trường làm việc và các mối quan hệ mà một nhân viên hoàn toàn mới phải đối mặt.

Tuy nhiên, nếu không biết cách sắp xếp công việc cho hợp lý, cách làm này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa những người quản lý tại các phòng ban khác nhau mà nhân viên đó làm việc. Việc “tranh giành” người lao động phục vụ cho công việc phía mình là điều có thể xảy ra giữa những người quản lý.

Không những vậy, nhân viên cũng sẽ phải đối mặt với áp lực công việc đến từ cả hai phía, đặc biệt khi tính chất công việc giữa các bên có sự mâu thuẫn với nhau. Khi đó, khoản phụ cấp cho phần công việc “ngoài luồng” có thể là không thỏa đáng cho những áp lực khi chịu sự quản lý trực tiếp, ngang hàng từ cả hai sếp.

Ngoài ra, khi khối lượng công việc nhiều, khi sếp nào cũng cho rằng công việc của phòng ban mình cần ưu tiên, nhân viên dễ rơi vào tình huống khó xử khi không biết phải thực hiện công việc nào trước, việc nào sau để làm hài lòng cả hai sếp. Họ dễ bị căng thẳng về thần kinh, khó tập trung làm tốt công việc bởi lo đối phó với cả hai sếp nhiều hơn. Hiệu quả công việc chung bị ảnh hưởng xấu.

Việc giao cùng lúc hai hay nhiều công việc khác nhau cho mỗi nhân viên cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và trách nhiệm của họ. Khi lượng công việc giữa các bên tương đương nhau, họ khó xác định được ai là người quản lý trực tiếp và chính thức của mình, nên khi gặp khó khăn sẽ không biết nhờ sự can thiệp từ phía nào.

Một điều cũng dễ xảy ra là tâm lý lảng tránh trách nhiệm. Với việc viện lý do bận công việc của bên kia, nhân viên có thể từ chối công việc của sếp bên này giao cho dù thực sự họ có nhiều thời gian rảnh.

Việc tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi của nhân viên để khai thác hiệu quả hơn lượng sức lao động mà mình đã bỏ tiền ra mua sẽ giúp các ông chủ tiết kiệm đáng kể chi phí nhân lực. Tuy nhiên, dù để nhân viên đồng thời làm hai hay nhiều việc, cũng cần xác định rõ ràng đâu là công việc chính, đâu là công việc làm thêm của họ và ranh giới giữa các công việc. Có như vậy, nhà quản lý mới sử dụng được một cách tốt nhất sức lao động của nhân viên, thực hiện tốt hoạt động kiểm soát, đồng thời giúp nhân viên có tâm lý hoàn toàn thoải mái, nhiệt tình với công việc.

Theo DNSG

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đừng để nhân viên… ở giữa

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc