top-banner-2

Thứ năm, 20/06/2013, 08:41 GMT+7

Vận hành công nghệ tiệc cưới

Thứ năm, 20/06/2013, 08:41 GMT+7

Hiệu quả từ mô hình kinh doanh nhà hàng tiệc cưới đã kích các doanh nghiệp (DN) bất động sản chuyển hướng đầu tư, bù đắp cho khoản thua lỗ từ cao ốc và chung cư. Không ồn ào nhưng ngành công nghệ tiệc cưới này có doanh thu gần 10.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận 20 - 30% cộng mức tăng trưởng 10 - 15% và rất nhiều yếu tố thuận lợi khác: đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao...

Nhà hàng chạy cưới

Năm 2013, một loạt trung tâm hội nghị - tiệc cưới cao cấp được xây dựng tại TP.HCM. Trong đó, Đông Phương Group có đến ba dự án, Ben Thanh Land hai trung tâm, Công ty PQC - chủ đầu tư White Palace và Liberty Corp mỗi đơn vị triển khai thêm một điểm kinh doanh mới...

Những ngày này, dự án The Adora Grand View của Đông Phương Group trên đường Ngô Gia Tự đang vào giai đoạn hoàn tất trang trí nội - ngoại thất để đưa vào vận hành trong tháng 8 tới.

Theo chủ đầu tư, sau khi đi vào hoạt động, The Adora Grand View sẽ là một trung tâm hội nghị - tiệc cưới có mặt tiền lớn nhất thành phố hiện nay (chiều dài mặt tiền đến 150m. The Adora Grand View có diện tích 22.000m2, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, gồm 7 sảnh tiệc với sức chứa cùng lúc lên đến 5.000 khách).

Và so với các "trung tâm cùng cấp", The Adora Grand View có kiến trúc nội thất đẳng cấp hơn nhiều. Nếu như các Trung tâm hội nghị - tiệc cưới White Palace, Grand Palace, Diamond Palace, Callary... sử dụng sảnh đón khách chung, thì ở The Adora Grand View, mỗi sảnh tiệc (diện tích từ 700 - 1.200m2) được thiết kế với sảnh đón khách (diện tích từ 300 - 500m2) riêng...

Trong khi đó, trung tâm The Adora Phú Mỹ Hưng và The Adora Hoàng Văn Thụ cũng đang trong quá trình xây dựng. Theo kế hoạch, The Adora Hoàng Văn Thụ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 và The Adora Phú Mỹ Hưng khai trương vào cuối năm nay.

alt

Ước tính đến thời điểm này, tại TP.HCM có khoảng 120 trung tâm hội nghị - tiệc cưới, trong đó, một số thương hiệu được định vị ở phân khúc cao cấp như The Adora, Riverside Palace, Diamond Place, Metropole, Glorious, Saphire, Grand Palace...

Kể từ khi mô hình nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp đầu tiên Sinh Đôi ra mắt, ước tính đến thời điểm này, tại TP.HCM có khoảng 120 trung tâm hội nghị - tiệc cưới, trong đó, một số thương hiệu được định vị ở phân khúc cao cấp như The Adora, Riverside Palace, Diamond Place, Metropole, Glorious, Saphire, Grand Palace...

Với lợi nhuận cao, ngày càng có nhiều dự án tương tự xuất hiện. Trong cuộc chạy đua vào trung tâm hội nghị - tiệc cưới, Công ty Ben Thanh Land cũng đã khởi công hai dự án từ tháng 4 vừa qua.

Trong đó, Claris Palace được xây dựng trên khuôn viên rộng 5.730m2 tại Thủ Đức với vốn đầu tư 40 tỷ đồng, đẳng cấp 4 sao. Cùng lúc đó, Công ty cũng khởi công dự án Trung tâm Nam Á Convention & Wedding tại quận Phú Nhuận và tăng vốn đầu tư mở rộng giai đoạn ba cho dự án Riverside Palace.

alt

Không dừng lại với một trung tâm White Palace, Công ty PQC đang chuẩn bị ra mắt thêm một trung tâm tiệc cưới nữa tại vị trí đắc địa ở quận 1 vào tháng 7 tới.

Dự án mới này công suất phục vụ tương đương White Palace nhưng sẽ đầu tư hiện đại, cao cấp hơn về quy mô cũng như tăng thêm nhiều thiết bị, dịch vụ hỗ trợ cho nhu cầu tổ chức các sự kiện lớn, các show trình diễn.

Chủ đầu tư thương hiệu Metropole cũng tiết lộ sẽ mở rộng thêm hệ thống tại TP.HCM với quy mô lớn hơn Metropole hiện hữu.

So với nhiều lĩnh vực khác, kinh doanh trung tâm hội nghị - tiệc cưới đang mang lại doanh thu khá lớn. Theo khảo sát của một công ty chuyên kinh doanh nhà hàng tiệc cưới có tiếng tại TP.HCM, doanh thu của ngành này trên địa bàn đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

Tính bình quân, một trung tâm hội nghị tiệc - cưới có thể đạt doanh số khoảng 100 tỷ đồng/năm với lợi nhuận 20 - 30%, tăng trưởng doanh thu từ 10 - 15% hằng năm. Mỗi năm có khoảng 47.000 người kết hôn.

Theo phân tích của một nhà đầu tư bất động sản thì kinh doanh trung tâm hội nghị tiệc cưới trong thời điểm này lợi thế hơn rất nhiều so với các dự án căn hộ, cao ốc văn phòng.

Nếu cùng một diện tích, đầu tư vào căn hộ cao cấp hay cao ốc văn phòng cho thuê sẽ khó tìm khách hàng hơn đầu tư vào trung tâm hội nghị - tiệc cưới, bởi nhu cầu đang rất lớn và đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư vào lĩnh vực này không quá lớn (do quy mô các trung tâm hội nghị - tiệc cưới thường không quá nhiều tầng), khả năng thu hồi vốn nhanh (trung bình sau bốn năm các dự án đã được hoàn vốn), việc thu hồi công nợ không rủi ro như các lĩnh vực khác do khách hàng phải thanh toán ngay sau khi sử dụng dịch vụ.

Hiệu quả từ mô hình kinh doanh này đã "kích" các DN kinh doanh bất động sản, thiết kế xây dựng chuyển hướng đầu tư. Điển hình là Công ty Ben Thanh Land, Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa...

Phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2013, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Ben Thanh Land, cho biết, năm 2011, thị trường bất động sản đóng băng nên công ty đã chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực địa ốc sang lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Cụ thể, Ben Thanh Land đã cùng một số đối tác trong Ben Thanh Group đầu tư trên 100 tỷ đồng cho Trung tâm hội nghị - tiệc cưới Riverside Palace. Chỉ sau ba năm, dự án đã hoạt động hiệu quả và mang lại nguồn thu đáng kể cho công ty.

Đua thăng hạng 5 sao

Hơn một trăm trung tâm tiệc cưới từ thấp đến cao cấp đang tạo sức ép cạnh tranh quyết liệt.

Ông Huỳnh Văn Văn, Giám đốc Trung tâm hội nghị Tiệc cưới Metropole, dự báo:

"Dịch vụ tiệc cưới sẽ bão hòa trong vòng 5 năm nữa. Và khi cung vượt cầu, khách hàng có nhiều cơ hội để chọn lựa dịch vụ, nếu muốn tồn tại, cần phải khẳng định được chất lượng và để lại dấu ấn trong lòng khách hàng, khiến cho khách hàng quay trở lại cũng như chủ động giới thiệu thông tin đến người khác".

Các dự án của Đông Phương Group theo chiến lược cao cấp hơn từ thiết kế đến dịch vụ. Không chỉ thế, DN này còn cạnh tranh bằng giá cả.

"Với số lượng nhà hàng lớn, Đông Phương Group sẽ có được giá tốt từ nhà cung cấp thực phẩm, và như vậy cũng sẽ có giá tốt cho khách hàng. Trước đây, khách hàng cao cấp thường vào khách sạn 5 sao nhưng với những nhà hàng tiệc cưới mới của Đông Phương, khách hàng có thể được phục vụ theo tiêu chuẩn tương tự nhưng giá rẻ bằng phân nửa", ông Bùi Thanh Lương, Giám đốc Điều hành Đông Phương Group, cho biết.

300 triệu đồng

Theo khảo sát của Tập đoàn Home Credit, tổng chi phí bình quân cho một đám cưới có khoảng 300 khách mời ở Việt Nam là 100 triệu đồng, với điều kiện không tổ chức ở nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Với các dự án của Ben Thanh Land, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc M.I.N.H Hospitality Consulting, đơn vị quản lý Riverside Palace cũng cho biết:

"Các sảnh được thiết kế sang trọng với hệ thống âm thanh, ánh sáng cùng công nghệ hiện đại đáp ứng cho nhiều loại sự kiện, có thể phục vụ cùng lúc 2.000 - 3.000 khách. Đặc biệt, Công ty chú trọng marketing, chủ động đưa ra nhiều cách kích cầu để phục vụ và tìm khách hàng".

Theo bà Quỳnh Dao, Trưởng phòng Marketing Trung tâm hội nghị White Palace, dự án mới sắp tới của PQC Hospitality sẽ được đầu tư hiện đại, cao cấp hơn cũng như tăng thêm nhiều trang thiết bị, dịch vụ hỗ trợ các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn, các show biểu diễn và show truyền hình.

Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng tiệc cưới ở tất cả các phân khúc, từ bình dân, cấp trung cho đến cao cấp đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu tính về số lượng, hiện nay, Đông Phương Group đang đứng ở vị trí số 1 tại TP.HCM với 5 trung tâm kinh doanh tiệc cưới.

Riêng ở phân khúc cấp trung, Đông Phương Group đã gần như nắm giữ thị trường. Bốn nhà hàng Le Đông Phương tại Nguyễn Văn Quá (Q.12), Hoàng Văn Thụ và Hoàng Việt (Q.Tân Bình), Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú)... từ 6 - 12 sảnh đều kín khách đặt tiệc.

Vào các ngày cuối tuần, các đoạn đường ngang khu vực nhà hàng Le Đông Phương luôn trong tình trạng kẹt xe. Theo tiết lộ từ chủ đầu tư, tất cả các nhà hàng của Đông Phương đều kinh doanh hiệu quả từ nhiều năm nay.

Đông Phương đã thâm nhập vào thị trường đa dạng với đa phân khúc khách hàng khác nhau. Chỉ riêng ở phân khúc cấp trung, các nhà hàng Le Đông Phương tại mỗi khu vực đều có mức giá phù hợp với dân cư ở đó.

Chẳng hạn, với Le Đông Phương Lũy Bán Bích, giá một bàn tiệc trung bình 2,8 triệu đồng, Nguyễn Văn Quá là 2,6 triệu đồng, Hoàng Việt và Hoàng Văn Thụ là 3 triệu đồng...

Với việc xây dựng cùng lúc ba trung tâm hội nghị - tiệc cưới cao cấp, nhiều ý kiến cho rằng Đông Phương Group sẽ đứng đầu trong ngành nhà hàng tiệc cưới tại TP.HCM. Mặc dù hiện tại, ở phân khúc cấp cao, The Adora vẫn chưa thật sự nổi bật nhưng đến năm 2014, với 4 trung tâm nằm ở những vị trí đắc địa thì The Adora sẽ là một hiện tượng trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm hội nghị - tiệc cưới tại TP.HCM.

alt

4 "đám rước", 1 "đám đưa"

Dù chưa đến ngưỡng bão hòa nhưng một số nhà hàng đầu tư tiền tỷ đã chết yểu.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, kinh doanh nhà hàng tiệc cưới bây giờ không dễ dàng như lúc trước. Để tồn tại, phải mở những trung tâm hoành tráng, trên các trục đường lớn và vị trí đẹp. Theo tính toán của các nhà đầu tư, một trung tâm tiệc cưới 6 sảnh tiệc có mức đầu tư từ 80 - 150 tỷ đồng.

Đó là chưa kể đầu tư cho máy móc, trang thiết bị của nhà hàng. Chẳng hạn, một máy hấp đa năng nhập từ châu Âu với 40 khay, phục vụ cho 40 - 60 bàn tiệc có giá 40.000 USD. Để phục vụ cho 200 bàn tiệc, trung tâm đó cần phải có đến 5 máy như thế.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc M.I.N.H Hospitality Consulting, đơn vị quản lý Riverside Palace, vốn đầu tư vào trung tâm hội nghị - tiệc cưới trung bình khoảng từ 40 - 200 tỷ đồng, tùy quy mô, thời gian hoàn vốn khoảng bốn năm.

Tuy nhiên, cái khó của lĩnh vực này là ngành "làm dâu trăm họ” nên ngoài năng lực đầu tư và hoạch định chiến lược, cần phải có năng lực quản lý, đội ngũ nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm, nhạy bén.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Riverside Palace, cho rằng, nếu chỉ kinh doanh nhà hàng tiệc cưới thì DN rất "khó sống". Doanh thu từ mảng sự kiện là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của nhà hàng bởi phí cho một sự kiện gấp hai lần cho một đám cưới.

80 - 150 tỷ đồng

Một trung tâm tiệc cưới 6 sảnh tiệc có mức đầu tư từ 80 - 150 tỷ đồng, chưa kể đầu tư cho máy móc, trang thiết bị của nhà hàng.

Tại Riverside Palace, dự kiến doanh thu từ mảng sự kiện và tiệc cưới đạt tỷ lệ tương đương là 40% và 60%.

Với những nhà hàng không có mảng tổ chức sự kiện, doanh thu từ tiệc cưới khó bù lại chi phí trong thời gian nhàn rỗi.

Bà Quỳnh Dao, Trưởng phòng Marketing Trung tâm hội nghị White Palace, cũng tiết lộ: "Những năm gần đây, nhất là hai năm 2012 và 2013, dù công suất hoạt động của White Palace luôn đạt tỷ lệ cao, nhưng trước việc nở rộ các trung tâm tiệc cưới - hội nghị, phòng markeing cũng bị áp lực.

Trước đây, không đăng ký được ở một vài trung tâm tiệc cưới lớn, khách hàng thường chỉ có chọn lựa là tổ chức tại các khách sạn, nhưng hiện nay có nhiều lựa chọn hơn".

Khó khăn lớn nhất trong kinh doanh nhà hàng tiệc cưới là mặt bằng. Theo tính toán của một nhà đầu tư, vị trí mặt bằng chiếm đến 50% thành công của một nhà hàng kinh doanh tiệc cưới. Nhưng kiếm được một mặt bằng đẹp, nơi đông dân cư, giao thông thuận tiện với quỹ đất lớn trong điều kiện hiện tại là điều không dễ.

Hiện nay, số lượng mặt bằng đang bị ngành bán lẻ như trung tâm thương mại, siêu thị án ngữ. Chẳng vậy mà đã có nhiều dự án tuy đầu tư khá quy mô nhưng vẫn vắng khách, buộc phải ngưng hoạt động hoặc bán lại như trường hợp của Atlantic trên đường Điện Biên Phủ được coi là điển hình của việc chọn địa điểm đầu tư không tốt.

Hoặc Nhà hàng tiệc cưới Gió và Nước của KTS. Võ Trọng Nghĩa nằm ở đường Lý Chiêu Hoàng quận 6, tuy thiết kế được đánh giá đẹp, quy mô hoành tráng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động đã phải ngậm ngùi sang nhượng vì vị trí không thuận tiện.

Kể cả Nhà hàng tiệc cưới Ánh Linh, dù kỳ vọng của chủ đầu tư là kinh doanh theo mô hình dịch vụ cưới khép kín từ thuê áo cưới, chụp hình, trang điểm cô dâu, xe hoa, tổ chức tiệc cưới, nhưng cuối cùng cũng không tiếp tục hoạt động được.

Theo Doanhnhansaigon

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vận hành công nghệ tiệc cưới

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc