Chuyên gia Nhật: Người Việt các bạn xây Tràng Tiền Plaza để làm gì? |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 31/10/2016, 16:37 GMT+7 |
Ở Nhật người ta hay nói với nhau rằng có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của bạn là một triệu phú, bởi nhà của ông ấy trông cũng giống nhà của bạn. Cách đây khoảng 2 năm, trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu với Nhật Bản, tôi có dịp làm việc chung với khá nhiều các nhà nghiên cứu người Nhật. Chương trình đặt mục tiêu khảo sát và tổng kết về đời sống của các hộ kinh doanh cá thể ở Hà Nội, kết quả nghiên cứu sẽ được dùng để họ tìm hiểu đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho những người kinh doanh nhỏ vốn rất nhạy cảm với các biến động của nền kinh tế. Nội dung của chương trình sẽ được bàn đến trong các bài viết khác, bài viết này xin kể lại câu chuyện của một nhóm chuyên gia người Nhật khi đến thăm Tràng Tiền Plaza. Chương trình nghiên cứu kết thúc, tôi được yêu cầu đưa nhóm 4 chuyên gia người Nhật đi thăm Hà Nội, và trong sự tự hào của mình, tôi đã đưa họ đến trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza vào tối của một ngày thứ Bảy cuối năm của năm 2014. Khi đến Tràng Tiền Plaza, tôi đã rất tự tin khi nói rằng: “Ở Tokyo có Ginza thì ở Hà Nội có Tràng Tiền Plaza, nơi mua sắm cho những người giàu.” 4 chuyên gia người Nhật, trong đó có người rất am hiểu về lĩnh vực xây dựng, sau khi đã xem xét từng tay nắm cửa, gạch lát nền, vòi nước, lan can trong Tràng Tiền Plaza, họ khẳng định thực sự Tràng Tiền Plaza đã được xây dựng bằng vật liệu rất cao cấp, xứng tầm của trung tâm thương mại hàng đầu. Tuy nhiên sau khi tham quan bên trong Tràng Tiền Plaza khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ vào tối ngày thứ Bảy để nói về câu chuyện mua sắm của người Hà Nội, về lịch sử của Tràng Tiền Plaza, nhóm các chuyên gia đã quan sát rất kỹ những người đi lại, cũng như việc mua sắm ở đây, các chuyên gia hỏi tôi: “Tràng Tiền Plaza xây dựng để phục vụ ai thế?”. "Để phục vụ cho người giàu mua sắm", tôi đáp lại họ. Các chuyên gia người Nhật hỏi tiếp: “Nhưng chúng tôi thấy rằng, lẽ ra hôm nay thời tiết đẹp, người mua sắm phải nhiều, vậy mà trung tâm thương mại này lại rất thưa vắng, và đa phần những người vào đây cũng không hề rẽ vào các quầy xem hàng. Vậy trung tâm thương mại này phục vụ cho ai?”. Một người khác tiếp lời: “Đa phần với các thương hiệu ở đây, nếu muốn mua, người ở có khả năng tài chính ở mức độ đó sẽ mua luôn ở nước ngoài trong các chuyến du lịch hoặc công tác. Đối với khách du lịch nước ngoài đến châu Á, Việt Nam cũng không phải địa điểm để mua sắm hàng hiệu cao cấp. Vậy nên thực sự chưa thể rõ ý đồ rằng Tràng Tiền Plaza phục vụ cho đối tượng khách hàng nào.” Các chuyên gia Nhật cho hay, ở Nhật, thực ra các trung tâm thương mại chỉ phục vụ cho người dân bình thường, khách du lịch đến Nhật muốn mua hàng đúng chuẩn, đẳng cấp. Tuy nhiên, bạn sẽ cực kỳ khó có thể bắt gặp người giàu thực sự ở Nhật đến trung tâm thương mại để mua sắm. Họ đa phần chỉ ra ngoài để có chút không gian thoải mái cùng gia đình. Theo lời kể của cô Reiko Fujita, người có khoảng 20 năm làm việc trong ngành giáo dục Nhật đồng thời cũng có nhiều nghiên cứu về xã hội, cho biết, người giàu ở Nhật không bao giờ đến trung tâm thương mại. Bởi bản chất của văn hóa Nhật là hướng nội và kín đáo. Và việc mua hàng ở các trung tâm thương mại nói chung không mang đến sự kín đáo cần thiết. Vậy người giàu Nhật mua hàng ở đâu? Trong bất kỳ bối cảnh xã hội Nhật nào từ xưa đến nay, luôn có những người thuộc tầng lớp siêu giàu. Trong quá khứ, luôn có rất nhiều nhà buôn chuyên kinh doanh hàng hóa phục vụ cho người giàu. Họ sẽ cử nhân viên đến nhà xin phép gặp chủ nhà, giới thiệu có những mặt hàng nào mới về, sau đó mang hàng đến cho khách xem và khách lựa chọn mua. Tất nhiên theo quy định của cửa hàng, khách không phải trả tiền cho dịch vụ mang hàng đến nhà. Nhưng thường chủ nhà bao giờ cũng cho lại khoản tiền đủ để chi trả cho công sức của người mang hàng đến. Sau này khi dịch vụ bưu chính phát triển hơn, nhân viên các cửa hàng viết thư tay gửi đến cho khách, khách trả lời và lên lịch hẹn để nhân viên mang hàng đến. Thời kỳ hiện đại ngày nay, cách mang hàng đến nhà cho người siêu giàu cũng tương đương, nhưng sang trọng hơn xưa rất nhiều. Một tối mùa hè tại khu nhà ở cao cấp gần trung tâm Shinjuku thủ đô Tokyo của nước Nhật, chiếc xe Toyota láng bóng lướt xuống tầng hầm, bước ra là hai người đàn ông mặc những bộ vest sang trọng mang theo những chiếc cặp đen cũng rất sành điệu, đầu tóc tươm tất bước ra. Ai cũng nghĩ rằng hẳn họ đang sống trong tòa nhà này. Thế nhưng thực chất họ đến đây để gặp khách hàng giàu có. Lên đến căn hộ của khách hàng, hai nhân viên cúi rạp người chào khách, tự giới thiệu đến từ công ty A đã đặt lịch hẹn với khách để mang hàng đến. Sau đó họ cho biết, hôm nay họ giới thiệu khoảng 10 mặt hàng mới về, thời gian giới thiệu không quá nửa tiếng để không làm phiền đến gia chủ. Gia chủ xem hàng, quyết định mua hay không cùng không sao nhưng luôn có khoản tiền "típ" đưa lại cho nhân viên hãng coi như bù cho công sức họ mang hàng đến nhà. Với cách mua hàng như vậy, người Nhật muốn thể hiện rõ sự kín đáo của mình khi họ tiêu dùng hàng hóa xa xỉ. Người Nhật đánh giá cao sự khiêm nhường, kín đáo. Ở Nhật người giàu cư xử rất khác người giàu các nước phát triển khác, hay ít nhất họ thường thể hiện ra như vậy. Người giàu thường sống lẫn vào trong đám đông. Tại Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế phát triển khác, luôn có những khu dành riêng cho nhà giàu, giới nhà giàu đi siêu xe, xài trực thăng và tự sống tách biệt ra khỏi cộng đồng. Ở Nhật người ta hay nói với nhau rằng có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của bạn là một triệu phú, bởi nhà của ông ấy trông cũng giống nhà của bạn. Người giàu cũng không bao giờ dạy con khoe của, hay làm cho mình nổi bật trong đám đông bằng cách khoe khoang. Bởi thế nên bạn sẽ thấy con nhà giàu ở các nước phương Tây và một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thành lập những hội ăn chơi riêng, khoe khoang trên rất nhiều các trang mạng xã hội hay báo chí về sự giàu có của mình bằng xe xịn, đồng hồ đắt tiền, thế nhưng ở Nhật tuyệt nhiên không có hội nhóm nào như vậy. Hay nói chính xác hơn, con của những nhà giàu Nhật cũng chơi với nhau, thành lập hội nhóm nhưng họ không bao giờ khoe khoang như con nhà giàu phương Tây. Khoe khoang là một tính cách đáng khinh trong xã hội Nhật và không người giàu nào muốn tự làm giảm đẳng cấp của mình. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|