top-banner-2

Thứ năm, 02/05/2013, 11:51 GMT+7

Quan hệ lao động trong DN: Hãy biến đình công thành... thông thường

Thứ năm, 02/05/2013, 11:51 GMT+7
Thiết lập cơ chế để xử lý tranh chấp trong sử dụng lao động nhằm tăng cường mối quan hệ giữa lao động và giới chủ, tạo mối quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa đang là mục tiêu của VN. Đặc biệt, hãy coi đình công, bãi công là chuyện bình thường để giải quyết tranh chấp lao động.

Quan hệ lao động cần phải được thiết lập chặt chẽ và thông suốt từ trên xuống dưới,
từ Trung ương tới cơ sở

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu như: thu nhập thấp, mức lương chưa tương xứng, điều kiện làm việc, ăn, ở… của người lao động (NLĐ) được xem là nguồn cơn của các cuộc đình công, bãi công trong thời gian qua. Những vấn đề khác như: kỹ năng nghề của NLĐ, vai trò của giới sử dụng lao động (SDLĐ) trong luật, cơ chế lương… cũng được xem là những “tác nhân” gây ra hiện tượng “cơm không lành, canh không ngọt” trong mối quan hệ chủ - thợ hiện nay.

Bất cập kỹ năng nghề của NLĐ

Theo Bộ LĐTBXH, hiện nay VN có khoảng trên 51,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động. Số lao động này chiếm 58,4% tổng dân số. Lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (chiếm 71,5%).Theo thống kê, lao động qua đào tạo nghề, gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, bao gồm dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó có dạy nghệ cho nông dân và tại DN chiếm 32% và lao động qua đào tạo chiếm khoảng 40% trong tổng số lực lượng lao động.

Theo đánh giá của các DN, 80-85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, 30% có kỹ năng nghề khá trở lên. Ở một số nghề như: hàn, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn, thủy thủ tàu biển, thuyền trưởng và một số nghề thuộc lĩnh vực viễn thông kỹ năng nghề của lao động VN thậm chí đã đạt chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể, lao động qua đào tạo nghề của VN, nhất là lao động có trình độ cao còn chiếm tỉ lệ thấp trong lực lượng lao động. Kỹ năng nghề bao gồm cả kỹ năng mềm của lao động VN chưa đáp ứng được mong muốn của các DN và thị trường lao động trong nước cũng như thị trường lao động quốc tế. Kỹ năng làm việc theo tổ, nhóm, làm việc trong môi trường đa văn hóa của lao động VN còn khoảng cách khá xa so với lao động các nước trong khu vực. Điều này ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động nói chung. Vì vậy, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động DN đang là đòi hỏi cấp bách, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.

Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng tới chất lượng tay nghề của NLĐ là từ khi cho phép liên thông dạy nghề, 80% số công nhân tay nghề cao đều có xu hướng học liên thông lên đại học, vì vậy hiện nay các DN muốn tuyển được lao đông có tay nghề rất khó khăn. Mặt khác, hầu hết các DN FDI đều mang theo các dây chuyền công nghệ mới nhưng chỉ cho lao động làm công việc lắp ráp nên tay nghề không được cải thiện…

Vai trò của giới SDLĐ trong luật còn mờ nhạt

Bên cạnh những bất cập trong kỹ năng nghề của NLĐ, bản thân những quy định trong luật về giới SDLĐ hiện cũng chưa được rõ ràng khiến các cơ chế giải quyết tranh chấp lao động gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng giới SDLĐ thuộc VCCI, hiện tại, trong luật chỉ mới xác định VCCI là đại diện cho người SDLĐ ở cấp trung ương, còn cấp ngành, cấp địa phương là đơn vị nào đại diện vẫn chưa nói rõ. Theo ông Huy, ở các cấp địa phương nên để các Hiệp hội DN đại diện cho giới SDLĐ trong mối quan hệ lao động (QHLĐ).

Ngoài ra, theo ông Huy cơ chế lương tối thiểu đang ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của DN, do vậy giới SDLĐ kiến nghị lộ trình tăng lương cần thông báo trước 6 tháng để DN chủ động xây dựng kế hoạch. “Mặc dù 2012 là một năm rất nhiều thách thức với các DN nhưng Chính phủ vẫn quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu khiến các khu vực DN sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng rất lớn. Theo khảo sát của VCCI, 70% DN giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là do vấn đề không thể trả lương cho NLĐ” - ông Huy nói.

Cùng quan điểm, ông Đào Ngọc Nam – Văn phòng giới SDLĐ, Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho rằng, Nhà nước cần luật hóa cụ thể vai trò, vị trí của tổ chức đại diện người SDLĐ trong các Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật lao động. Vai trò, vị trí của tổ chức đại diện người SDLĐ phải được đưa vào Bộ luật lao động ngang với vai trò, vị trí của tổ chức đại diện NLĐ.

Thực tế, trong Bộ luật lao động mới sẽ có hiệu lực từ 1/5/2013, vai trò của giới chủ cũng đã được nhắc tới song vẫn còn ít. Vì vậy, giới SDLĐ đang hi vọng vào những nghị định, hướng dẫn thi hành luật sẽ làm rõ những vấn đề này hơn. Điều này cũng được bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: Trong quá trình xây dựng nghị đinh, bộ đã và đang tiếp tục xin ý kiến của các bên liên quan để cả chủ SDLĐ, NLĐ có thể tham gia quá trình soạn thảo để có thể xây dựng QHLĐ hài hòa, tiến bộ, vì lợi ích chung của các bên.

Hài hòa cách nào ?

Mổ xẻ tình hình QHLĐ hiện nay, ông Gyorgy Janos Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO VN cho rằng, trong một thời gian dài, mối quan tâm về QHLĐ tại VN tập trung vào nhiều khía cạnh tiêu cực, trong đó có vấn đề đình công tự phát. Rất nhiều nỗ lực được thực hiện chủ yếu là để giảm số lượng các cuộc đình công. “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng điều này không giải quyết được vấn đề. Vì vậy VN cần những nỗ lực nhằm thúc đẩy và khuyến khích các tương tác QHLĐ chủ động, sao cho "năng lượng" to lớn từ các cuộc đình công tự phát có thể được chuyển đối thành những hành động có tính xây dựng hơn” - ông Gyorgy Janos Sziraczki khẳng định.

Giải pháp chính giải quyết vấn đề QHLĐ ở VN nằm trong việc hướng các tranh chấp lao động diễn ra theo cách thông thường. Tức là Chính phủ cần có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ quá trình này. NLĐ cần làm chủ công đoàn và công đoàn làm việc vì họ, là tiếng nói của họ. Trên thực tế, người SDLĐ trên toàn thế giới cũng đã nhận ra rằng năng suất lao động phụ thuộc vào sự cam kết và lòng trung thành của NLĐ. “Vì vậy, QHLĐ lành mạnh với thương lượng tập thể, đối thoại xã hội, và tiến trình cùng thủ tục giải quyết tranh chấp là những điều thiết yếu để giải quyết vấn đề này” - Ông Gyorgy Janos Sziraczki nhấn mạnh.

 Theo dddn.com.vn

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Quan hệ lao động trong DN: Hãy biến đình công thành... thông thường

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc