top-banner-2

Chủ nhật, 25/02/2018, 15:43 GMT+7

Trăm tỷ 'bốc hơi' tại Eximbank và lỗ hổng trong quản trị gửi tiền

Viết bởi Nam Anh   
Chủ nhật, 25/02/2018, 15:43 GMT+7

Trong vụ chiếm đoạt 301 tỷ đồng của khách hàng tại Eximbank, bà Chu Thị Bình đã bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm.

Vụ ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt 301 tỷ đồng bỏ trốn vừa được công khai ngày 23/2, bà Chu Thị Bình, khách hàng bị mất số tiền lớn nhất, 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank, là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu Thuỷ sản Minh Phú (cổ phiếu MPC).

tram ty boc hoi tai eximbank va lo hong trong quan tri gui tien hinh 1

Bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu Thuỷ sản Minh Phú. (Ảnh minh họa: kt).

Hiện bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty. Với giá chốt phiên ngày 23/2 của cổ phiếu MPC là 101.600 đồng/cổ phiếu, bà Bình hiện đang có tài sản trên sàn chứng khoán hơn 1.770 tỷ đồng.

245 tỷ đồng tự dưng "bốc hơi"?

Quay trở lại diễn biến sự việc bà Chu Thị Bình mất hơn 245 tỷ đồng tại Eximbank. Theo trình bày của bà Chu Thị Bình, từ năm 2013 đến nay bà có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 3/2017, sau khi ông Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn, bà được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút gần hết tiền từ lâu. Việc này không thể hiện trên các sổ tiết kiệm gốc nên bà không hay biết. Tổng số tiền bà bị mất là 245 tỷ đồng.

Sau khi sự việc xảy ra bà có nhiều buổi làm việc với Eximbank và được phía Eximbank TP.HCM yêu cầu chờ C44 (Bộ Công an) làm rõ vụ việc. Đồng thời lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẽ tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của bà.

Thế nhưng theo bà Bình, dù bà đã kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua, nhưng sau khi có kết luận của C44 đến nay ngân hàng vẫn cố tình trì hoãn.

"Mới nhất tại cuộc họp ngày 12/2, lãnh đạo Eximbank yêu cầu chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án dù biết rõ và có đủ hồ sơ về vụ việc. Việc này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, gây thiệt hại lớn cho tôi trong khi tôi đang rất cần vốn làm ăn. Chưa kể vì việc này sức khỏe tôi giảm sút, gia đình lục đục", bà Bình cho biết.

Cũng theo bà Bình, việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của của cho cả hai bên. Do vậy bà mong muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và mong muốn được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình.

Tại sao Exmbank phải chờ quyết định của tòa mới bồi hoàn cho khách?

Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, bà Bình là khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của Eximbank từ năm 2011. Qua kiểm tra, phía Eximbank phát hiện ông Hưng bắt đầu có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng từ năm 2014, nhưng mãi năm 2017 thì vụ việc này mới bị phát giác. Vụ việc ông Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng đã quá rõ, và ông này đã trốn ra nước ngoài từ cuối năm 2016.

eximbank-vu-boc-hoi-245-ty-vanhoadoanhnhan

Eximbank cho biết chờ quyết định của tòa mới bồi hoàn cho khách hàng. (Ảnh minh họa: kt).

Đáng nói, thông báo từ cơ quan công an khẳng định các giao dịch liên quan đến khoản thiệt hại nêu trên của bà Bình đều có chữ ký thật của khách hàng này.

"Chữ ký trên giấy ủy quyền được giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp giả. Vì chữ ký trên các giao dịch là thật nên phía Eximbank chưa thể giải quyết các yêu cầu của khách hàng, mà phải chờ phán quyết của tòa án để có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý vụ việc", ông Quyết thông tin.

Nói về việc bồi hoàn cho khách hàng trong trường hợp này, luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: "Về nguyên tắc hợp đồng tín dụng này được ký kết giữa Eximbank và bà Chu Thị Bình chứ không phải giữa bà Bình và ông Lê Nguyên Hưng. Khi sự cố thất thoát tiền gửi xảy ra thì ngân hàng cần phải có phương án bồi hoàn cho khách hàng chứ không phải chờ đến phán quyết của tòa. Quyết định từ phía tòa án thực ra chỉ giải quyết vấn đề của vụ Eximbank kiện cá nhân ông Lê Nguyên Hưng".

Quản trị tiền gửi lỏng lẻo?

Một trong những lý do khiến "người ngân hàng" chiếm đoạt tiền gửi của khách cũng từ khách hàng. Bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank TP.HCM, cho biết trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Bản thân bà Bình trong một số lần làm việc với Eximbank TP.HCM cũng thừa nhận do số tiền gửi lớn nên không muốn tiếp xúc với nhiều người.

Ngoài ra, cũng theo bà Tâm, ông Hưng đã công tác hơn 20 năm tại Eximbank, chưa từng xảy ra điều tiếng gì nên nhân viên tin tưởng. Ông Hưng lại là phó giám đốc chi nhánh và là người duy nhất trực tiếp giao dịch với khách hàng, giấy tờ thể hiện chữ ký thật nên không phát hiện được sai phạm.

Khủng hoảng chữ ký khống ở ngân hàng

Theo kết luận điều tra, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyên Hưng dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Chu Thị Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình.

tram ty boc hoi tai eximbank va lo hong trong quan tri gui tien hinh 3

Nhiều khách hàng vẫn thiếu cẩn trọng không kiểm tra xem tiền của mình vào ngân hàng chưa. (Ảnh minh họa: kt).

Các chuyên gia tài chính cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc thanh tra, nhằm siết lại quy trình và kỷ luật, quản trị tiền gửi tại các ngân hàng.

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, phải thừa nhận nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.

Nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là 'chính chủ' hay không. Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát. Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở ngân hàng như hiện nay.

Quy trình gửi tiền của khách VIP

"Từng có nhiều vụ tiền trong sổ tiết kiệm "bốc hơi" xảy ra, hoặc tiền không vào ngân hàng như vụ Huyền Như. Nhưng không ít người gửi tiền vẫn chưa có thói quen kiểm tra chéo để ngăn chặn, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc" - chuyên gia Ngô Minh Sang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giao dịch với khách hàng VIP, nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khách VIP thường nhận được lời mời mở sổ tại nhà hay đến tận nơi đang làm việc.

Những trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống, trong khi người gửi tiền lại không thực hiện các biện pháp kiểm tra chéo...

Vì vậy người gửi nên thận trọng kiểm tra nhiều chiều để đảm bảo tiền đã vào ngân hàng.

Theo PV - vov.vn - 25/02/2018

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/tram-ty-boc-hoi-tai-eximbank-va-lo-hong-trong-quan-tri-gui-tien-733116.vov

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Trăm tỷ 'bốc hơi' tại Eximbank và lỗ hổng trong quản trị gửi tiền

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc