Nói thẳng: Cứ lý sự kiểu Eximbank thì còn ai tin hệ thống tín dụng?! |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ năm, 29/03/2018, 08:43 GMT+7 |
Việc Eximbank trì hoãn chưa chịu trả lại số tiền 245 tỉ đồng mà bà Chu Thị Bình gửi tiết kiệm tại ngân hàng (NH) này đang gây xôn xao dư luận, không còn là quan hệ giữa Eximbank với một khách hàng cụ thể, mà trở thành chuyện to của hệ thống tín dụng.
Hơn 1 năm trước, vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã được khởi tố và điều tra. Các bị can, cầm đầu là Phó giám đốc eximbank Chi nhánh TP HCM Lê Nguyễn Hưng, lập chứng từ giả mạo chiếm đoạt số tiền nói trên, còn bị hại chính là Eximbank. Tiền của bà Bình gửi tại Eximbank, đã bị người của Eximbank chiếm đoạt. Chiếm đoạt là chiếm đoạt của Eximbank chứ không phải là của bà Bình. Theo mọi lý lẽ, luật pháp cũng như đạo lý thì Eximbank phải trả tiền lại cho bà Bình, còn Eximbank có lấy lại số tiền bị nhân viên của mình chiếm đoạt hay không là chuyện của Eximbank, không liên quan đến bà Bình. Song Eximbank lại nói rằng họ "chưa có cơ sở" để trả lại tiền cho bà Bình mà phải chờ "sau khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc" thì họ mới trả. Lý do, theo Eximbank, là trong hồ sơ mà Eximbank lưu giữ việc rút tiền (do những người chiếm đoạt thực hiện) thì "các chứng từ rút tiền đều có các chữ ký của bà Bình" và những chữ ký này được cơ quan điều tra cho là chữ ký thật (theo văn bản Eximbank trả lời bà Bình ngày 20-12-2017). Thế nhưng, sau khi cơ quan điều tra có công văn trả lời bà Bình ngày 2-2-2018, khẳng định rõ: những người chiếm đoạt tiền đã "lập chứng từ giả mạo" để chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của Eximbank và thông báo để Eximbank "biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank đối với khách hàng theo quy định của pháp luật", trên cơ sở đó, bà Bình lại yêu cầu được rút tiền thì Eximbank bảo phải đợi đến khi có phán quyết của phiên tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Lê Nguyễn Hưng cầm đầu thì mới trả tiền. Trong khi bị can Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn đang bị truy nã. Yêu cầu chờ đợi như vậy là không có thời hạn vì không thể biết đến bao giờ mới bắt được Hưng và chẳng biết có bắt được hay không. Bản chất của việc gửi tiền và vay tiền là quan hệ tín dụng, nghĩa là lấy niềm tin làm nền tảng. Các nhân viên của Eximbank đã lợi dụng "niềm tin" đó lấy một số chữ ký khống của bà Bình để làm hồ sơ giả mạo, thực tế chỉ có 2 tờ giấy ký khống chứ không phải các chứng từ rút tiền "đều có chữ ký của bà Bình" và trong các giấy ủy quyền có chữ ký khống của bà Bình, cũng có tờ người được ủy quyền do Lê Nguyễn Hưng ký giả. Dù cho có chữ ký thật của bà Bình và chữ ký thật của người được ủy quyền thì theo quy định của chính Eximbank, việc ủy quyền phải được lập tại Eximbank và phải có người làm chứng, nếu không thì giấy ủy quyền phải có công chứng, nhân viên NH phải kiểm tra có đúng thủ tục hợp lệ hay không, việc rút tiền phải mang sổ tiết kiệm đến NH để tất toán hoặc cập nhật. Trong thực tế, bà Bình và những người được ủy quyền không biết nhau, chưa gặp nhau, sổ tiết kiệm cũng do bà Bình giữ, số dư còn nguyên không thay đổi. Vậy sao lại phải đợi đến một phiên tòa vô hạn định? Vụ này cho thấy lỗi do Eximbank yếu kém trong quản trị. Việc dây dưa trả tiền lại cho khách hàng không những không góp phần khắc phục được hậu quả mà còn có dấu hiệu cố tình chiếm dụng tiền bất hợp pháp, gây thiệt hại cho khách hàng, làm suy giảm uy tín của Eximbank và gián tiếp làm suy giảm uy tín cả hệ thống tín dụng. Nếu Eximbank cố tình không nhận ra điều đó thì NH Nhà nước phải can thiệp để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng, chứ không thì còn ai tin vào NH nữa! Theo Hoàng Nam - nld.com.vn - 29/03/2018 Link nguồn: https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-cu-ly-su-kieu-eximbank-thi-con-ai-tin-he-thong-tin-dung-20180328224101888.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|