Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn: Người bị hại lên tiếng |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ bảy, 24/02/2018, 08:05 GMT+7 |
Luật sư nhận định việc Eximbank chờ đến khi có phán quyết của tòa mới trả lại tiền cho người bị hại là không đúng quy định của pháp luật. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 23-2 về việc bị cuỗm mất số tiền tiết kiệm hơn 300 tỉ đồng tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP HCM, bà Chu Thị Bình (nạn nhân) tỏ ra bức xúc: Tôi không chấp nhận phương án Eximbank chờ phán quyết của toà án mới trả lại tiền. Tại sao phải chờ quyết định của tòa án khi tôi là người gửi tiền và không làm gì sai trái? Tôi là chủ sở hữu các sổ tiết kiệm đến rút tiền, tại sao ngân hàng không chi trả? Giả sử tất cả người gửi tiết kiệm đồng loạt mất tiền do ngân hàng quản lý yếu kém đều phải chờ tòa án phân xử thì đến bao giờ chúng tôi mới rút được tiền? Ảnh minh họa: Khách hàng giao dịch tại Eximbank Theo bà Bình, khi phát hiện sự việc, Eximbank đã hứa hẹn trả lại tiền khi có kết luận của cơ quan điều tra và bà kiên nhẫn chờ đợi hơn một năm, phối hợp tích cực với cơ quan chức năng cùng Eximbank để điều tra vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM) lừa đảo. Đến nay, khi bà cần tiền để làm ăn nhưng không có, sức khỏe giảm sút, nội bộ gia đình lục đục và có nguy cơ ly tán. "Sau khi cơ quan công an thông báo Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng ngân hàng không thực hiện là oan ức cho tôi. Như thế là Eximbank thiếu thiện chí với người gửi tiền. Tôi sẽ kêu cứu các cơ quan chức ban, ngành cũng như công luận bảo vệ quyền lợi của mình" - bà Chu Thị Bình chia sẻ. Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, lại cho biết theo kết luận điều tra, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyễn Hưng dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Chu Thị Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình "Eximbank không có chủ trương trì hoãn hay né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là khởi kiện ông Hưng. Sau đó, tòa phán quyết Eximbank là bên thiệt hại thì HĐQT Eximbank mới có thể ban hành quyết định trả lại tiền cho bà Bình. Chúng tôi đang mong muốn công an nhanh chóng đưa ông Hưng (đã bỏ trốn ở Mỹ) về Việt Nam để khai báo rõ ràng nhằm giảm bớt hệ lụy của một số người liên quan đến vụ mất tiền" - ông Quyết phân trần. Tuy nhiên, theo Luật sư Phùng Anh Chuyên, thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, việc cơ quan công an đưa ông Hưng về nước là không dễ bởi muốn làm được việc này thì giữa Mỹ và Việt Nam phải có ký kết hiệp định dẫn độ. Luật sư Chuyên đánh giá Eximbank xác định trách nhiệm trả lại tiền cho bà Bình là đúng đắn. Thế nhưng, HĐQT Eximbank muốn khởi kiện ông Hưng và chờ đến khi phán quyết của tòa mới chi trả là không phù hợp pháp luật. Bởi, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, nhân viên có hành vi sai trái dẫn đến thiệt hại cho khách hàng thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường, không phải chờ phán quyết của toàn án. Như thế, trong trường hợp này, ông Lê Nguyễn Hưng lừa đảo bà Chu Thị Bình thì Eximbank là tổ chức có trách nhiệm bồi thường. Còn khi nào tòa án phán quyết Eximbank là bên bị thiệt hại thì khi đó ông Hưng có trách nhiệm trả lại tiền cho ngân hàng. Tuy nhiên, phiên toàn xét xử vụ Eximbank kiện ông Hưng không biết khi nào mới diễn ra do công an chưa bắt được nghi can. Nếu HĐQT Eximbank chờ phán quyết của tòa mới quyết định trả lại tiền cho bà Bình, thời gian giải quyết vụ việc có thể kéo dài, gây thiệt hại cho người gửi tiền. "Giả sử tình huống này xảy ra thì bà Bình có thể khởi kiện Eximbank và chắc chắn ngân hàng này sẽ thua kiện"- luật sư Phùng Anh Chuyên nhận định. Theo Thy Thơ - nld.com.vn - 23/02/2018 Link nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/vu-pho-giam-doc-eximbank-cuom-301-ti-bo-tron-nguoi-bi-hai-len-tieng-20180223113648661.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|