top-banner-2

Thứ hai, 15/01/2018, 11:09 GMT+7

Dẹp loạn thực phẩm hữu cơ tự xưng

Viết bởi Nam Anh   
Thứ hai, 15/01/2018, 11:09 GMT+7

Rất ít nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ (organic) có chứng nhận nhưng lại nhan nhản các cửa hàng rao bán thực phẩm hữu cơ, việc xây dựng hành lang pháp lý cho thực phẩm hữu cơ và sự vào cuộc của cơ quan chức năng sẽ làm minh bạch thị trường.

Rất ít sản phẩm đủ chuẩn

Theo các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ "chính gốc" (đã được cấp chứng nhận quốc tế), việc sản xuất nông sản hữu cơ hiện gặp nhiều khó khăn từ môi trường, công nghệ đến con người. Số đơn vị làm hữu cơ đạt chuẩn chứng nhận quốc tế tại Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, sản phẩm đủ chuẩn hữu cơ ra thị trường vì vậy cũng rất hạn chế. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết hiện thực phẩm hữu cơ mang nhãn hiệu Co.op Organic mới có gạo, một số loại rau củ, thủy sản và một vài sản phẩm hữu cơ của các nhà cung cấp khác (sữa). Saigon Co.op đầu tư trực tiếp vào trang trại hữu cơ tại Cà Mau đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu và yêu cầu những nhà cung cấp khác cũng phải đạt chuẩn tương tự.

Dù vậy, số lượng nhà cung cấp có sản phẩm đạt chuẩn mà Saigon Co.op yêu cầu hiện rất ít nên dù rất muốn tăng sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng nhưng vẫn chưa thực hiện được.

thuc-pham-huu-co-vanhoadoanhnhan

Dẹp loạn thực phẩm hữu cơ tự xưng - Ảnh 2.

Hàng hữu cơ chính phẩm được bán tại quầy của SASCO ở sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: A.Q

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - doanh nghiệp (DN) trồng lúa được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Liên đoàn Quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), thì cho rằng chứng nhận hữu cơ phải gắn liền diện tích, sản lượng, chủng loại. "Ví dụ DN được chứng nhận hữu cơ gạo A thì chỉ có thể gắn nhãn hữu cơ cho gạo A, không thể gắn cho các dòng gạo khác. Khi chúng tôi xuất khẩu gạo hữu cơ, nhà nhập khẩu yêu cầu phải có xác nhận sản lượng (phù hợp với diện tích, trừ lùi sản lượng đã bán) rất rõ ràng. Trong khi đó, thị trường trong nước chưa yêu cầu nên phụ thuộc vào sự tự giác của DN.

Không để nhập nhèm

Trong khi các điểm bán thực phẩm hữu cơ có chứng nhận khó khăn trong việc tìm kiếm đầu vào thì các điểm bán thực phẩm hữu cơ tự xưng (không có chứng nhận) cung cấp đầy đủ các nhóm mặt hàng thiết yếu từ rau quả, trái cây, thịt, thủy sản… với giá cao gấp 1,5-2 lần so với hàng thường. Một số cửa hàng có sản phẩm hữu cơ thứ thiệt để so sánh thì giá cả có thấp hơn chút ít với lý do không mất chi phí chứng nhận. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, thừa nhận thành phố hiện có rất nhiều cửa hàng ghi bán thực phẩm hữu cơ nhưng không rõ có thực hữu cơ không. Để bảo vệ DN làm ăn chân chính, giúp người tiêu dùng tránh mua phải thực phẩm giá cao vô lý nhờ đội lốt hữu cơ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM sẽ khảo sát và đề nghị các đơn vị sản xuất - kinh doanh xưng là hữu cơ, organic cung cấp các giấy tờ chứng minh. "Ban sẽ xem xét các giấy tờ các cửa hàng cung cấp và đưa thông tin lên website của ban, phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng không bị lừa. Để bảo vệ thương hiệu của mình, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ thực sự có thể chủ động cung cấp giấy tờ cho ban nếu không được yêu cầu trực tiếp" - bà Lan nêu giải pháp.

Theo ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP HCM, Việt Nam chưa có chứng nhận hữu cơ nên lâu nay DN phải lấy chứng nhận của các tổ chức nước ngoài với chi phí rất cao. Do đó, phần lớn nhà sản xuất không lấy chứng nhận mà tự tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ và tự xưng là bán hàng hữu cơ. Cuối năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ (TCVN 11041) với các tiêu chuẩn tương tự như quốc tế đang áp dụng. Bộ tiêu chuẩn cũng có quy định đối với các tổ chức đánh giá chứng nhận nên trong thời gian tới việc cấp chứng nhận hữu cơ có thể do Việt Nam thực hiện, giảm chi phí rất nhiều so với trước đây.

Khó vào nhà hàng 5 sao

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm hữu cơ là một dạng "hàng hiệu" trên thị trường thực phẩm nhưng không thâm nhập được hệ thống nhà hàng khách sạn cao cấp do vấn đề giá cả. TP HCM có nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống 5 sao, giá mỗi bữa ăn lên đến cả triệu đồng nhưng chỉ sử dụng nguyên liệu ở mức tối thiểu, thậm chí nơi cung ứng còn chưa có giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban Quản lý An toàn thực phẩm đang tiến hành rà soát những cơ sở dịch vụ ăn uống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại sự sòng phẳng cho người tiêu dùng, không để tình trạng thu tiền khách cao nhưng lại chất lượng thực phẩm không cao tương ứng.

Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 15/01/2018

Link nguồn: http://nld.com.vn/nong-nghiep-huu-co/dep-loan-thuc-pham-huu-co-tu-xung-20180114210346664.htm

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dẹp loạn thực phẩm hữu cơ tự xưng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc