Sống với người nghèo mới 'thấm' thuế tăng! |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ năm, 07/09/2017, 10:08 GMT+7 | |
Thuế GTGT là sắc thuế mang tính chất bất bình đẳng vì người có thu nhập cao hay thấp đều phải trả một mức như nhau. Sau khi chịu thuế, số tiền còn lại của người thu nhập thấp ít hơn trong lúc số tiền nộp thuế lại không đáng gì so với người thu nhập cao. Trong khi Bộ Tài chính trấn an đề xuất tăng thuế GTGT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, các chuyên gia kinh tế tiếp tục đưa ra những phản biện cho thấy bản chất của loại thuế gián thu này thực sự không công bằng. Đòn đau cho người thu nhập thấp Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Thuế GTGT là thuế lũy thoái, nghĩa là người có thu nhập càng thấp thì càng bị ảnh hưởng nặng. Thuế GTGT đánh vào phần giá trị tăng thêm đối với giá trị hàng hóa. Ví dụ, hàng hóa là 1 đồng, chịu thuế suất 5% thì cộng cả giá trị tăng thêm là 1 đồng 5 xu, thuế suất 10% thì giá trị hàng hóa là 1 đồng 10 xu. Bất kể giàu hay nghèo đều phải tiêu dùng nhưng tỉ lệ tiêu dùng của người nghèo chiếm tỉ trọng lớn hơn - khoảng 60% phần thu nhập, trong khi người giàu chỉ tiêu dùng khoảng 20%-30% phần thu nhập. Bộ Tài chính nêu một trong những lý do điều chỉnh thuế là "tranh thủ" lạm phát thấp, như vậy là đã ngụ ý rằng tăng thuế GTGT sẽ khiến giá tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp. "CPI tháng 8-2017 đã bật tăng gần 1% so với tháng trước. Kinh nghiệm quốc tế đã đúc kết lạm phát là một loại "thuế" dã man nhất đánh vào mọi người, đặc biệt là người nghèo. Cho nên, đại diện Bộ Tài chính nói tăng thuế vì lạm phát thấp là chưa thuyết phục, phiến diện và không chuẩn xác" - ông Ngô Trí Long nhấn mạnh. Thuế GTGT tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến người có thu nhập thấp Ảnh: Hoàng Triều Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng ngay đến sức mua của toàn xã hội. Bảy tháng đầu năm 2017, sức mua chỉ tăng 8%, mức khá thấp so với mức tăng của thời hoàng kim là 12%. Hiện nay, thuế suất thuế GTGT phổ biến của Việt Nam 10% là mức trung bình so với thế giới chứ không phải thấp. Bài học từ nền kinh tế Nhật Bản, khi chính phủ dự kiến tăng thuế GTGT từ 5% lên 7%, lập tức doanh số bán lẻ giảm hàng chục %. Nếu Việt Nam tăng thuế phải tính toán đến hậu quả giảm sức mua, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Hiện nay, người tiêu dùng mua gói tăm trong siêu thị cũng phải nộp thuế GTGT nhưng có hiện tượng hóa đơn thanh toán của một số siêu thị, DN không "nổi" phần chi phí thuế GTGT. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước thất thu cả thuế GTGT lẫn thuế thu nhập DN, đặc biệt là ở các trường hợp nộp thuế khoán. Nếu ngành thuế quản lý tốt, giảm thất thu thuế thì sẽ giảm được sức ép lên thu ngân sách nhà nước, không phải tính giải pháp tăng thuế để tăng thu. Ông Vũ Vinh Phú cho biết thu nhập của công nhân chỉ 3-4 triệu đồng/tháng cũng phải chịu thuế GTGT trong tiền điện, tiền nước và tiền đi chợ hằng ngày. "Làm chính sách mà cho rằng tăng thuế GTGT không động đến rau, thịt là không hiểu về thuế, không phải đi chợ. Cứ sống với người nghèo, đi chợ chi tiêu hằng ngày sẽ thấm ngay. Thuế GTGT là sắc thuế mang tính chất bất bình đẳng vì người có thu nhập cao hay thấp đều phải trả một mức như nhau. Sau khi chịu thuế, số tiền còn lại của người thu nhập thấp ít hơn, trong lúc số tiền nộp thuế lại không đáng gì so với người thu nhập cao" - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh. Đánh vào trụ cột nông nghiệp Với nhận định tăng thuế GTGT là đánh thẳng vào nông nghiệp, nông dân và kinh tế HTX, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh lập luận: Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, có đối tượng phải chịu thuế GTGT với thuế suất 0% (các DN FDI) và đối tượng không phải chịu thuế GTGT (áp dụng với một số ngành làm đầu vào của nông nghiệp). Điểm chung là với cả 2 loại thuế này, DN đều không phải nộp nhưng mức độ ảnh hưởng của thuế lại khác nhau. Các DN FDI thường chỉ làm gia công ở Việt Nam với nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, hàng hóa xuất được hưởng mức thuế suất 0% và được khấu trừ thuế GTGT cho chi phí đầu vào. Như vậy, các DN FDI được lợi kép và các DN nội thiệt đơn thiệt kép. Thuế GTGT là một loại thuế gián thu đối với người tiêu dùng nội địa. Theo định nghĩa đó thì người tiêu dùng nước ngoài không phải chịu loại thuế này. Vì vậy, việc DN xuất khẩu được khấu trừ thuế GTGT cho chi phí đầu vào như nêu trên là đúng luật. Còn đối với các DN trong nước sử dụng đầu vào của ngành nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT, tưởng được hưởng lợi nhưng thực ra lại bị thiệt vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tức là chi phí đã tăng 1 lần rồi chu kỳ sau tiếp tục tăng lên. Khu vực kinh tế cá thể và HTX là các đối tượng chịu sự tác động này, có đóng góp 37%-38% vào GDP cả nước, nên tăng thuế sẽ gây tác động nguy hiểm, nông dân sẽ bị "đánh dập đánh vùi" và đó là đòn đánh thẳng vào nông nghiệp - 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhìn nhận khi đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế GTGT, các chuyên gia kinh tế và Bộ Tài chính đều lấy số liệu chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất của Việt Nam ở mức 8,4 lần. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014, mức chênh lệch giàu - nghèo đã là 9,7 lần nên mức chênh lệch hiện nay phải là trên 10 lần. Do đó, ảnh hưởng của việc tăng thuế GTGT đến người nghèo lớn hơn so với các phân tích đã dẫn.
Theo nld.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|