top-banner-2

Thứ sáu, 08/09/2017, 10:01 GMT+7

Chính sách không theo kịp tốc độ khởi nghiệp

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 08/09/2017, 10:01 GMT+7

Cộng đồng khởi nghiệp chuyển biến khá nhanh nhưng chính sách chưa theo kịp dẫn đến nhiều hệ lụy và cản trở sự phát triển của hoạt động này.

Chiều 7-9, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều cánh tay từ phía doanh nghiệp (DN) liên tục giơ lên xin được trình bày những khó khăn, vướng mắc và cũng như tâm huyết làm sao cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi tắt là start-up) tại TP HCM phát triển như kỳ vọng.

Ra nước ngoài lập doanh nghiệp

Nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg về start-up tại TP HCM, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP, cho biết bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn đang dần hình thành. Mặc dù vậy, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn sơ khai. TP có khoảng 1.800 start-up, trong đó có 834 DN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, chiếm 42%; còn lại đứng ngoài.

Do thiếu định hướng nên các DN start-up hoạt động rải rác ở nhiều lĩnh vực, trong đó công nghệ thông tin và nông nghiệp thu hút nhiều DN start-up nhất. Tỉ lệ DN khởi nghiệp thành công cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%. Cũng theo ông Dũng, hầu hết DN start-up có tuổi đời khoảng 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư đa phần dưới 10 triệu USD; hoạt động gọi vốn còn nhỏ lẻ so với start-up trong khu vực.

lanh-dao-tphcm-gap-go-cong-dong-khoi-nghiep-vanhoadoanhnhan

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo TP HCM gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp của TP ngày 7-9 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Gắn bó nhiều năm với hoạt động hỗ trợ start-up, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cho rằng TP có khá nhiều lợi thế phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng sự chuyển biến còn rất chậm. Suốt 1 năm qua, hầu như TP không có thêm chính sách gì hỗ trợ khởi nghiệp ngoài chương trình Speed Up hỗ trợ đến 2 tỉ đồng cho các dự án khởi nghiệp được chọn.

"Cộng đồng khởi nghiệp chuyển biến khá nhanh nhưng chính sách quá chậm dẫn đến việc các nhà start-up giỏi chuyển hết sang Singapore, Indonesia... lập DN. Chúng ta nên mạnh dạn đệ trình các mô hình thí điểm start-up tại TP HCM. Nên chăng có thí điểm về quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại TP và quan trọng hơn là điều hành cộng đồng start-up bằng tinh thần khởi nghiệp" - bà Hoàng Phi kiến nghị.

Trong khi đó, một số quỹ đầu tư phản ánh đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư nên nhiều quỹ có sẵn tiền để bỏ vào start-up Việt nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng được. Theo bà Đặng Mỹ Châu, Tổng Giám đốc Topica, việc thiếu chính sách hỗ trợ gọi vốn lẫn thoái vốn dẫn đến tình trạng start-up Việt "chạy" ra nước ngoài lập công ty. "Trong khi start-up tại Singapore chỉ mất 1 tuần để hoàn tất thủ tục gọi vốn và giải ngân thì start-up tại Việt Nam mất đến 8 tháng đến 1 năm. Dự án start-up chỉ có thời gian chuẩn bị 6 tháng để "chạy", kết quả là dự án chưa gọi được vốn thì đã "chết" - bà Châu cho biết.

Sẽ có khu công nghiệp cho các start-up

Cũng chỉ ra thực trạng còn nhiều khó khăn về khung pháp lý, chế độ chính sách cho cộng đồng khởi nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP HCM Mai Thanh Phong đề xuất nên có cơ chế phối hợp công - tư trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho start-up. Chẳng hạn, đối với các cơ sở ươm tạo công lập, cần có cơ chế cho các cơ sở này thu hút nguồn lực, nhân sự có chuyên môn quản lý từ bên ngoài để tăng hiệu quả hoạt động.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Ban Điều hành hệ sinh thái ICT, kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư bỏ vốn vào start-up. Cụ thể, cho phép nguồn đầu tư vào start-up được trích từ nguồn thu nhập trước thuế; có chính sách ưu đãi thuế cho các DN tạo ra sản phẩm sáng tạo và khuyến khích DN tạo ra sản phẩm sáng tạo.

Tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của DN, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu từ nay đến cuối năm, TP phải xác định xong vị trí để thành lập một khu công nghiệp cho các DN start-up đã "tốt nghiệp" từ các vườn ươm vào hoạt động. Song song đó, nhanh chóng tích hợp các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động trên địa bàn về một địa chỉ chung để tiếp nhận, tổng hợp các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Địa chỉ chung này sẽ tiếp nhận thông tin, công bố toàn bộ các chương trình hỗ trợ, các trung tâm hỗ trợ và các dự án đã được hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp biết. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất đến ngày 15-10 thực hiện công bố trên website của sở này các quy trình thủ tục liên quan đến start-up.

Ra mắt Ban Điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp

Chiều 7-9, Sở Khoa học và Công nghệ TP đã tổ chức kỷ niệm tròn 1 năm triển khai Chương trình Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub - Sihub, trực thuộc sở). Tại lễ kỷ niệm, các DN khởi nghiệp, cơ quan quản lý đã ký kết hợp tác và công bố các dự án khởi nghiệp đã được chọn từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Speed Up. Đồng thời, TP HCM cũng chính thức ra mắt Ban Điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ điều hành chung các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 dự án hình thành DN start-up.

Theo Thanh Nhân - nld.com.vn - 7/9/2017

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chính sách không theo kịp tốc độ khởi nghiệp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc