Xu hướng gửi tiết kiệm hưởng lợi tức cao ngày càng tăng |
Viết bởi Xuân An | |
Thứ bảy, 24/10/2015, 12:44 GMT+7 | |
Với động thái tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,2-0,4% của các ngân hàng vài ngày gần đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất có thể người dân sẽ đổ tiền vào ngân hàng gửi hưởng lợi tức cao thay vì bỏ vào kinh doanh với nhiều rủi ro. Lợi cho người gửi tiền Chị Kim Chung - Giáo viên trường Cao đẳng cộng đồng (Hà Nội) cho biết, chị có 100 triệu đồng vốn để dành được đang chưa biết làm gì thì nghe nói lãi suất tiền đồng gửi ngân hàng lại tiếp tục tăng nên chị quyết định đem đi gửi tiết kiệm hưởng lãi cao trong vài tháng cuối năm. “Nhiều người khuyên tôi mua vàng hay mua chứng khoán nhưng tôi thấy vàng cứ giảm hoài nên mua sẽ lỗ mà chứng khoán thì mình không có thời gian để tính toán, cân nhắc mua cổ phiếu nào có lợi nên gửi tiết kiệm với lãi suất cao như hiện nay là hợp nhất, tôi quyết định không cân nhắc nữa” - chị Chung nói. Cùng chung tâm lý như chị Chung, chị Tường Vân - cán bộ Phòng Thi hành án Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi vừa đổi tiền gửi tiết kiệm bằng USD của mình sang tiền đồng để gửi ngân hàng. Với lãi suất tiền USD chỉ 0,2%/năm thì gửi tiền đồng có lợi hơn nhiều. Tôi nghĩ giữ USD lúc này chỉ bảo toàn vốn chứ lãi quá thấp nên gửi tiền đồng từ nay tới cuối năm ít nhất sẽ thu được mức lãi không nhỏ trong ngắn hạn”. Thực tế, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi VNĐ đang nhích lên, nhiều người dân có tiền nhàn rỗi đã không còn đắn đo nhiều về việc đem tiền gửi ngân hàng hay đầu tư vào các kênh sinh lời khác. Nhiều người đã chọn gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi cao trong ngắn hạn thay vì mua vàng, USD, đầu tư chứng khoán, bất động sản…; trừ những người đã đầu tư ít nhiều trong các lĩnh vực này thì họ vẫn tiếp tục tính toán để đầu tư. Đây là dấu hiệu khả quan để các ngân hàng thu hút nguồn vốn tiền gửi VNĐ phục vụ sản xuất kinh doanh đang tăng lên dịp cuối năm. “Lạm phát từ đầu năm tới nay thấp, lãi suất huy động tiền đồng lại nhích lên, trong khi lãi tiền gửi USD hạ xuống thấp cùng cam kết ổn định tỷ giá tới năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước thì người dân chọn gửi tiền đồng tạm thời là an toàn và có lợi nhất” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định. Lãi suất sẽ còn tăng đến đâu? Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang duy trì ở mức khá cao dù lạm phát từ đầu năm đến nay tăng ở mức rất thấp. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng dao động từ 6- 7%/năm tùy theo ngân hàng. Có nghĩa là lãi suất thực gửi tiết kiệm tiền VNĐ đang ở mức rất cao, từ khoảng 5,22 - 6,21%/năm. “Việc duy trì lãi suất thực cao như vậy xét về dòng vốn, nó có thể gây khó cho nền kinh tế nhưng có lợi cho người gửi tiền. Bởi thay vì bỏ tiền vào đầu tư, kinh doanh thì người dân có thể đổ tiền vào gửi ngân hàng để hưởng lợi tức cao hơn” - ông Long phân tích. Thực tế hiện nay, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các kênh đầu tư trong nền kinh tế đang ngày càng trở nên khó khăn và kém sinh lời. Chứng khoán có khởi sắc nhưng cũng không có gì đảm bảo bỏ tiền vào đó sẽ thu lãi, thắng thua ở thế cân bằng ngang nhau. Đầu tư vàng, tiền tệ như đồng USD thì lại càng rủi ro và kém sinh lời hơn. Vàng và USD lên xuống thất thường chưa thấy rõ xu hướng để đầu tư dài hạn mà có lãi. Do vậy, có tiền bỏ vào ngân hàng lúc này hưởng lãi suất là sự lựa chọn của không ít người có tiền nhàn rỗi. Nhiều người còn đặt câu hỏi: Từ nay tới cuối năm lãi suất tiền đồng gửi ngân hàng có còn tăng lên nữa không? Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR), chủ biên Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện này công bố mới đây, nhận định: Từ nay tới cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục cao hơn huy động vốn của các ngân hàng. Điều này sẽ còn tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động.
Theo Danviet.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|