top-banner-2

Thứ ba, 01/04/2014, 14:17 GMT+7

Sắp có “vòng kim cô” mới cho các ngân hàng Việt Nam

Thứ ba, 01/04/2014, 14:17 GMT+7

Sau khi thẩm định pháp lý, dự kiến ngay trong tháng này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một văn bản có phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Đây là thông tư thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

nganhang

Thông tư mới ra đời, các quy định về an toàn hoạt động các ngân hàng sẽ dấn thêm một bước.

Không thả gà ra đuổi

Đã bốn năm qua, số phận của Thông tư 13 chưa từng được yên ổn. Ngay trước thời điểm nó có hiệu lực (1/10/2010), một loạt ngân hàng thương mại đã lên tiếng về những quy định được cho là không hợp lý. Suốt một năm sau đó, Ngân hàng Nhà nước lần lượt có những điều chỉnh, sửa đổi…

Song, về tổng thể, Thông tư 13 là một văn bản quan trọng, cần thiết bởi sự bao trùm của nó và giá trị về mặt lý thuyết - mong muốn của chính sách. Chỉ có điều, nó và một số quy định là chưa đúng lúc.

Bối cảnh Thông tư 13 ra đời, hệ thống ngân hàng ở trạng thái bấp bênh thanh khoản, tín dụng vẫn còn quán tính lớn của những năm bùng nổ liền trước. Những quy định ngặt nghèo, với độ trễ chỉ 5 tháng chuẩn bị kể từ khi ban hành cho đến khi hiệu lực, giống như một cú phanh gấp đối với các ngân hàng thương mại.

Nổi bật nhất là quy định nâng hệ số an toàn vốn tối thiểu - CAR và giới hạn tỷ lệ cho vay so với huy động - LDR (nguyên gốc cho vay “trên” huy động, khác với điều chỉnh sau đó là cho vay “so với” huy động).

Thông tư 13 rất cần thiết, bởi nó là một má phanh hãm lại những rủi ro đang có xu hướng quá mức trong hệ thống. Nhưng chính khác biệt lớn giữa mong muốn chính sách với thực tế khiến số phận của nó long đong.

Như trên, Ngân hàng Nhà nước muốn tăng cường hơn nữa các tiêu chuẩn an toàn. CAR tối thiểu phải nâng từ 8% lên 9%. Nhưng thực tế, một số ngân hàng quốc doanh lớn phải mất hai năm mới đảm bảo được yêu cầu này, trong khi quy định chỉ có độ trễ áp dụng là 5 tháng. Điều này khiến những “ông lớn” đó khó khăn, mà khi họ chiếm thị phần lớn trên thị trường, ảnh hưởng ra bên ngoài là đáng kể.

Đáng chú ý hơn là giới hạn tỷ lệ LDR. Đây là điển hình mong muốn của chính sách, điển hình của mục đích tốt nhưng lại không đúng lúc, nếu không nói là xa rời thực tế.

Thông tư 13 quy định LDR của các ngân hàng thương mại không được vượt quá 80%. Hiểu đơn giản, nếu huy động được 100 đồng thì mức độ cho vay không được quá 80 đồng. Dù chỉ ở mức độ tham khảo, do còn tùy thuộc vào cân đối cơ cấu kỳ hạn huy động và cho vay, nhưng LDR là chỉ báo quan trọng về thanh khoản của mỗi nhà băng. Theo đó, quy định trên là một chốt chặn trong bối cảnh khó khăn thanh khoản hệ thống đang nóng lên.

Trong hoạt động ngân hàng, không gì đau nhất bằng vỡ thanh khoản. Nếu nợ xấu đáng ngại nhưng không phải là mất trắng, thì vỡ thanh khoản sẽ đẩy ngân hàng vào thế “không còn gì để mất”. Chính vì vậy, quy định LDR là một chốt chặn cần thiết.

Thế nhưng, không đúng lúc vì khi đó tỷ lệ LDR của toàn hệ thống đã vượt trên 100%, thậm chí rất cao theo dữ liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố thời đó. Việc áp ngay giới hạn 80% như quy định của Thông tư 13 là một cú phanh gấp, gây sốc không chỉ riêng hoạt động ngân hàng mà cả nguồn tín dụng chảy vào nền kinh tế.

Cuối năm 2011, sau khi thả gà ra đuổi, Ngân hàng Nhà nước đã tạm gác quy định trên.

Và hai năm qua, một dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13 trải qua nhiều bàn tính dự kiến rồi cũng sẽ ban hành trong tháng này, theo nguồn tin VnEconomy. Một năm về trước, có lãnh đạo ngân hàng thương mại sốt ruột với nó, đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm chốt lại để họ còn chủ động biết và ứng xử.

Vì sao phải nấn ná suốt hai năm qua? Có lẽ Ngân hàng Nhà nước không muốn thả gà ra đuổi như Thông tư 13 (và ngay cả Thông tư 02 sau này), hay phải chờ đợi các điều kiện thực tế phù hợp mới ban hành để tránh lỗi nhịp. Mặt khác, thời gian qua và sắp tới cả hệ thống đã phải chỉnh đốn để theo khuôn khổ mới trên thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là theo những quy định chặt chẽ hơn trong Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Vậy nên, việc nấn ná ban hành thông tư thay thế Thông tư 13 là để từng bước thực hiện những mong muốn của chính sách một cách hợp lý hơn, tránh quá lệch với thực tế và dồn nhiều sức ép cùng lúc đối với một hệ thống mà có tới gần phân nửa đang chật vật với tái cơ cấu…

Dấn thêm một bước

Thông tư mới ra đời, các quy định về an toàn hoạt động các ngân hàng sẽ dấn thêm một bước.

Như trên, với một hệ thống mà thanh khoản từng mong manh, rủi ro lớn dần theo nợ xấu và đang bộn bề tái cơ cấu, dễ hiểu khi nhà điều hành phải bước từng bước một để nâng cao các tiểu chuẩn an toàn. Trước hết là tổ chức lại thị trường liên ngân hàng (với Thông tư 21), đến xử lý nợ và chất lượng nợ (Thông tư 02 cùng cơ chế VAMC), sắp tới là “vòng kim cô” mới nói trên…

Thông tư mới sẽ đến những mục tiêu quan trọng. Theo những gợi mở của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, bên cạnh quy định các tỷ lệ an toàn, nó sẽ tập trung hơn vào yêu cầu hạn chế tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống, tăng cường chế tài xử lý và yêu cầu khắc phục hậu quả trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Sau khi đã xử lý xong thị trường liên ngân hàng, còn 9 tháng nữa để thực sự thực hiện Thông tư 02, thông tư thay thế Thông tư 13 là một miếng ghép quan trọng nữa để hoàn thiện chính sách, theo hướng nâng cao hơn chất lượng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, ít nhất là về mặt pháp lý.

Theo VnEconomy

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sắp có “vòng kim cô” mới cho các ngân hàng Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc