top-banner-2

Thứ hai, 07/04/2014, 16:18 GMT+7

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,5% năm nay

Thứ hai, 07/04/2014, 16:18 GMT+7

Bản báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương được phát hành hôm nay (7/4) của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam "sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014".WB

Nền kinh tế của Việt Nam trở về tình trạng môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong suốt hai năm qua so với thời kỳ đầy biến động 2007- 2011

Trong khi đó, các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Fed.

Bản báo cáo nhận định các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay, không thay đổi mấy so với năm 2013.  Kết quả là khu vực Đông Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, cho dù tăng trưởng đã giảm so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8% của giai đoạn 2009-2013.

Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng, và do những méo mó về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng.

Nền kinh tế của Việt Nam trở về tình trạng môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong suốt hai năm qua so với thời kỳ đầy biến động 2007- 2011. Các biện pháp bình ổn được thực hiện trong năm 2011 và 2012 đã giúp Việt Nam khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm lạm phát, tăng cường các tài khoản đối ngoại, và ổn định thị trường ngoại hối.

Trong khi đó, xuất khẩu tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài và kiều hối ổn định đã giúp Việt Nam đảo chiều được cán cân đối ngoại. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh nhờ hoạt động mạnh mẽ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt lớn ở mức 11% GDP trong năm 2008 đến mức thặng dư cao kỷ lục 6,5% GDP năm 2013.

Mặc dù các cân đối kinh tế vĩ mô được cải thiện và các tài khoản đối ngoại được củng cố, tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở do sự chậm chạp trong cải cách cơ cấu và do mức độ không chắc chắn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tỷ lệ lạm phát giảm đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng quy định lãi suất nhằm kích cầu khu vực tư nhân.Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng dần dần: tổng tín dụng cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng ước tính đã tăng khoảng 9% trong năm 2013 so với kế hoạch năm là 12%.

Một lưu ý khác của WB là những điểm yếu của ngành tài chính vẫn còn tồn tại, tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung. Nợ xấu trong ngành ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn, mặc dù cơ sở dữ liệu kém chất lượng và yêu cầu công bố thông tin hạn chế làm ngăn cản khả năng ước tính chính xác độ lớn của nợ xấu.

Chính phủ cũng đang phải đối mặt với những thách thức tài chính ngày càng tăng do thu ngân sách giảm. Chính phủ hiện đang đối mặt trước những lựa chọn chính sách tài khóa quan trọng khi phải cân đối giữa hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, WB cũng lưu ý về sự thay đổi thành phần nợ công. "Tỷ lệ nợ nước ngoài ưu đãi trong tổng số nợ công và nợ nước ngoài có bảo lãnh công của Việt Nam đã bắt đầu giảm do Việt Nam đang chuyển thành quốc gia thu nhập trung bình. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định tài chính công dài hạn, vì trái phiếu trong nước có lãi suất cao hơn đáng kể và thời hạn ngắn hơn nhiều so với nợ nước ngoài ưu đãi", báo cáo viết.

Trên cơ sở các phân tích, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốnvào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu.

"Với chương trình tái cơ cấu đang được đà, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Những nỗ lực để  thoái vốn nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và cổ phần hóa một số lớn các doanh nghiệp nhà nước có thể gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư về cam kết của chính phủ đối với chương trình này", báo cáo viết.

Theo VnEconomy


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,5% năm nay

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc