top-banner-2

Tin mới:
Thứ ba, 08/07/2014, 08:28 GMT+7

Nhật xây tuyến đường ray đắt nhất thế giới

Thứ ba, 08/07/2014, 08:28 GMT+7

Tàu viên đạn (Shinkansen) được xem là biểu tượng của sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Giờ đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang muốn chứng tỏ một lần nữa sức mạnh của nước Nhật bằng kế hoạch xây dựng một tuyến đường ray tàu đệm từ (maglev) trị giá 90 tỷ USD.

Theo tờ Wall Street Journal, dự kiến tuyến đường ray nói trên sẽ được xây dựng nối giữa Tokyo và Osaka nhằm cắt giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố này xuống còn hơn 1 giờ đồng hồ, bằng chưa đầy một nửa so với thời gian hành trình hiện nay giữa hai thành phố bằng tàu viên đạn.

Với trị giá 90 tỷ USD, đây sẽ là tuyến đường ray đắt nhất trên thế giới từ trước đến nay. Đồng thời, đây cũng sẽ là tuyến đường sử dụng công nghệ tàu đệm từ đầu tiên trên thế giới nối giữa hai thành phố. Trong công nghệ tàu đệm từ, đoàn tàu được nâng bằng lực từ lơ lừng trên đường ray và di chuyển với vận tốc khoảng 500 km/h, lớn hơn vận tốc của tàu viên đạn khoảng 200 km/h.

duong-ray

Mô hình tuyến đường ray tàu đệm từ (maglev)

Theo giáo sư Hiroo Ichiwaka thuộc Đại học Meiji ở Tokyo, nhiều nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, đã phát triển hệ thống đường sắt cao tốc của riêng mình, nên giờ là lúc Nhật Bản cần thể hiện vị thế dẫn đầu bằng một loại tàu mới.

Theo dự kiến, Chính phủ của Thủ tướng Abe sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng tuyến đường ray nói trên trong năm nay và dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2015. Thủ tướng Abe hy vọng, tàu đệm từ sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo của Nhật Bản. Chính ông Abe đã đề xuất công nghệ này với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm cắt giảm thời gian di chuyển bằng tàu giữa New York và Washington xuống còn 1 giờ đồng hồ.

Dân chúng Nhật có quan điểm trái chiều về kế hoạch trên của Thủ tướng Abe. Nhiều người cho rằng, với dân số Nhật dự kiến giảm còn dưới 100 triệu người trong thời gian từ nay tới giữa thế kỷ từ mức 127 người hiện tại, dự án tàu đệm từ sẽ chỉ là một sự lãng phí vì sẽ chẳng có khách đi.

Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JR Central) - đơn vị phát triển hệ thống tàu đệm từ nói trên - dự kiến tuyến đường mới sẽ thu hút 88 triệu hành khách mỗi năm, trong đó có 72 triệu hành khách đến từ hệ thống tàu viên đại hiện tại nối giữa Tokyo và Osaka. Đoàn tàu viên đạn này hiện vận chuyển 143 triệu hành khách mỗi năm.

Để tránh sự chỉ trích của dư luận JR Central dự kiến sẽ dùng tiền thu từ hệ thống tàu viên đạn Tokyo-Osaka để đầu tư cho dự án tàu đệm từ, thay vì sử dụng ngân sách nhà nước. Do không thể huy động đủ tiền ngay một lúc JR Central dự định sẽ chia dự án làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hoàn tất vào năm 2027 và giai đoạn 2 kết thúc vào năm 2045.

Không giống như tuyến đường của tàu viên đạn ôm dọc bờ biển giữa Tokyo và Nagoya, tuyến đường của tàu đệm từ dự kiến sẽ chạy thẳng ở độ sâu 3 km trong lòng dãy núi Alps của Nhật. Khoảng 90% tuyến đường sẽ chạy qua các đường hầm, và đây là lý do các nhà bảo vệ môi trường lo ngại về việc hàng triệu mét khối đất đá sẽ được đào lên.

“Đây sẽ là thảm họa môi trường lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”, nhà hoạt động môi trường Kimie Asaka, 64 tuổi, đến từ Sagamihara gần Tokyo, nhận định.

Nhiều năm qua, Nhật Bản đã chạy đua với Đức về thương mại hóa công nghệ tàu đệm từ. Con tàu đệm từ của Đức mang tên Transrapid đã được sử dụng cho một tuyến nội thị dài 30 km ở Thượng Hải. Đoàn tàu này bắt đầu đi vào hoạt động năm 2004. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho Transrapid đã suy giảm sau khi một con tàu thuộc loại này bị tai nạn trong một chuyến chạy thử nghiệm ở Đức vào năm 2006.

Kim Oanh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhật xây tuyến đường ray đắt nhất thế giới

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc