Việt Nam phải nhập muối, trứng, vì sao? |
Viết bởi Hà Phương |
Thứ ba, 14/03/2017, 11:22 GMT+7 |
Thực tế số lượng muối được cấp phép nhập khẩu có thể thấp hơn nhiều so với hạn ngạch nhằm khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua muối trong nước. Bộ Công Thương vừa có quy định về điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2017. Theo đó, trong năm nay Việt Nam có thể nhập 50.051 tá trứng (khoảng 600.000 quả) và 102.000 tấn muối. Trong bối cảnh nước ta hằng năm đều dư thừa nguồn cung muối, trứng khiến giá rớt, đầu ra bấp bênh, diêm dân lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, vì sao lại có việc nhập khẩu này? Muối nhập chủ yếu dùng cho công nghiệp Là đơn vị kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng muối, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, giải thích khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đều buộc phải mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã đàm phán để giành được quyền bảo hộ đối với một số mặt hàng trong nước (thông qua việc áp thuế nhập khẩu cao) như muối, trứng, đường và thuốc lá. “Theo quy định của WTO, khi giành được quyền áp thuế nhập khẩu cao với một số mặt hàng cần bảo hộ, mỗi năm Việt Nam cũng phải cấp hạn ngạch nhập khẩu một lượng sản phẩm nhất định đối với những mặt hàng được bảo hộ. Do vậy, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu trứng, muối là bắt buộc nhằm tuân thủ cam kết WTO” - ông Thanh cho hay. Cụ thể đối với mặt hàng muối, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế. Thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối sẽ thực hiện theo đề nghị của Bộ NN&PTNT để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước. Đại diện một công ty sản xuất hóa chất tại TP.HCM cho biết muối trong nước chủ yếu là muối ăn, trong khi doanh nghiệp (DN) nhập muối công nghiệp được tinh chế từ muối thô để làm nguyên liệu chính sản xuất hóa chất cơ bản như xút, sô đa… phục vụ ngành y tế, công nghiệp hóa chất. “Ngành muối trong nước sản xuất thủ công, chất lượng thấp, công nghệ của các công ty sản xuất muối lại hạn chế nên cung cấp không đủ nhu cầu muối công nghiệp cho các công ty hóa chất” - vị này nói. Các DN chăn nuôi lớn cho rằng không có gì đáng lo với số lượng trứng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2017. Ảnh: Q.HUY Dù nhu cầu nhập muối công nghiệp rất lớn nhưng ông Thanh cho biết vẫn phải siết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối để không gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất muối trong nước. Con số hạn ngạch nhập khẩu 102.000 tấn muối là do Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đưa ra sau khi đã cân nhắc quyền lợi và lợi ích của DN và người làm muối. Nhưng thực tế, số lượng muối được cấp phép nhập khẩu có thể thấp hơn nhiều so với hạn ngạch (dự kiến chỉ 40%, khoảng 40.000 tấn) nhằm khuyến khích DN đẩy mạnh thu mua muối trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài ông Thanh cho rằng Bộ NN&PTNT cần có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu muối chất lượng cao, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty đầu tư công nghệ để sản xuất muối công nghiệp chất lượng cao, góp phần thúc đẩy lượng muối tiêu thụ trong nước. Công ty lớn không lo trứng nhập Giá trứng gà trong nước đang giảm, chỉ 900-950 đồng/quả bán tại trại khiến người chăn nuôi đang thua lỗ. Chính vì vậy, thông tin sắp tới đây hơn nửa triệu quả trứng được nhập về khiến người chăn nuôi quy mô nhỏ không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, các DN chăn nuôi lớn lại cho rằng không có gì đáng lo. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết mỗi ngày công ty bà cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn quả trứng, mỗi năm vài triệu quả nên con số hạn ngạch nhập khẩu 600.000 quả trứng không đáng quan tâm. “Nguồn cung trong nước rất lớn, giá rẻ hơn trứng ngoại nên hạn ngạch nhập khẩu trứng sẽ không ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Nếu có mở cửa cho nhập khẩu trứng thì ngành chăn nuôi trong nước vẫn không sợ trứng ngoại nhập” - bà Ba Huân nhận định. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng hạn ngạch nhập khẩu đưa ra đối với mặt hàng trứng để góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Hiện nay mỗi năm Việt Nam sản xuất 9 tỉ quả trứng, nguồn cung vượt cầu, công nghiệp chăn nuôi phát triển nên giá trứng rẻ. Do vậy khó đơn vị nào nghĩ tới chuyện nhập khẩu trứng vào Việt Nam dù đã có hạn ngạch. Thương lái có thể mượn cớ ép giá Năm 2016 tổng sản lượng trứng gia cầm cả nước đạt 9,5 tỉ quả, bao gồm trứng gà, trứng vịt, trứng ngan, trứng ngỗng, trứng chim cút… Riêng trứng gà đạt hơn 5,4 tỉ quả. Mỗi năm bình quân một người Việt Nam chỉ ăn 89 quả trứng, gồm tiêu dùng dưới dạng trứng tươi và trứng sản xuất bánh kẹo. Theo một số chủ trang trại chăn nuôi, tuy việc nhập khẩu trứng ảnh hưởng không đáng kể tới thị trường nhưng vẫn góp phần tác động đẩy giá trứng trong nước đi xuống. “Hiện nguồn cung trong nước lớn, cộng thêm thịt ngoại nhập vào ồ ạt, trứng nhập lậu từ biên giới phía Bắc, thông tin cho nhập khẩu trứng dù sao cũng tác động đến tâm lý thị trường. Các thương lái sẽ mượn cớ ép giá khiến ngành chăn nuôi trong nước đã khó khăn càng khó khăn hơn” - chủ một trang trại chăn nuôi lo lắng. Theo Pháp luật TP HCM Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|