top-banner-2

Chủ nhật, 24/12/2017, 08:59 GMT+7

Cách bảo vệ gia đình khỏi ngộ độc thực phẩm

Viết bởi Lệ Phương   
Chủ nhật, 24/12/2017, 08:59 GMT+7

Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

ngo-doc-thuc-pham

Lựa chọn thực phẩm an toàn giúp gia đình tránh bị ngộ độc thức ăn - Ảnh: Internet

Nguyên nhân dẫn đến bị ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:

- Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn, do virus, do ký sinh trùng, do nấm mốc và nấm men.

- Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu và bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc. Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Chất độc thường có trong một số thực phẩm như: Cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu…

- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực có nguồn nước, đất bị nhiễm các loại kim loại nặng; do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.

Một số cách để phòng tránh ngộ độc:

Rửa tay thật sạch

Bạn dùng xà phòng và nước ấm để rửa tay thật sạch rồi lau khô 2 bàn tay trước khi chế biến nguyên liệu.

Nguyên tắc là bạn phải rửa tay sau khi xử lý thực phẩm sống (thịt, cá, trứng và rau quả), sau khi chạm vào thùng rác, sau khi đi vệ sinh, sau khi hỉ mũi, sau khi ôm vật nuôi.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Để tránh ngộ độc thức ăn, bạn cũng cần lựa chọn thực phẩm an toàn. Nên mua thức ăn rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch hoặc ở những cửa hàng, siêu thị uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu là đồ hộp cần xem kỹ hạn sử dụng.

Rửa bàn làm thức ăn

Rửa bàn làm thức ăn trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, đặc biệt là sau khi đã bày biện đủ các loại nguyên liệu từ thịt sống, cá, trứng sống và rau quả.

Bạn không cần phải sử dụng thuốc xịt kháng khuẩn mà chỉ cần dùng nước ấm pha xà phòng là tốt rồi.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Với những loại thức ăn chưa sử dụng ngay, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý khi cho thực phẩm vào tủ lạnh, nên bọc kín thức ăn, vừa có tác dụng hạn chế mùi thức ăn trong tủ lạnh, vừa giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn.

Thực phẩm để trong tủ lạnh cần để riêng thức ăn sống và chín, tránh để nhiễm khuẩn chéo, thức ăn nấu chín không nên để quá hai tiếng.

Để thịt sống riêng ra

Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng. Bạn phải giữ cho thịt sống cách xa khỏi các loại thực phẩm khác như salad, trái cây và bánh mì. Lý do là vì những thực phẩm này sẽ không được nấu chín trước khi ăn nên bất kỳ vi khuẩn nào bám được trên đấy đều không bị tiêu diệt.

Đồng thời, bạn lưu trữ thịt sống trên kệ dưới cùng của tủ lạnh. Kệ dưới cùng của tủ lạnh là nơi mà thịt sống không thể chạm vào bất kỳ thực phẩm nào khác cũng không thể nhỏ nước lan tràn khắp nơi.

Hạn ăn uống ngoài đường, vỉa hè

Thức ăn ngoài đường thường không đảm bảo vệ sinh do không được bảo quản, chế biến cẩn thận. Đây là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh sinh sôi. Đặc biệt các là các gánh hàng rong ngoài đường hay gần trường học với những món ăn nhanh như: Nem chua rán, khoai tây chiên, xúc xích, ốc luộc, cháo, phở, bánh kẹo không rõ nguồn gốc... Đây chính là nguồn thức ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.  

Theo Quỳnh Anh - motthegioi.vn - 22/12/2017

Link nguồn: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/cach-bao-ve-gia-dinh-khoi-ngo-doc-thuc-pham-78569.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cách bảo vệ gia đình khỏi ngộ độc thực phẩm

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc