Đầu xuân xông đất các Hiệp hội ngành hàng: Kỳ vọng... trong thế khó ! |
Chủ nhật, 16/02/2014, 13:09 GMT+7 |
Nhân dịp đầu năm mới, Báo DĐDN đã “xông đất” các Hiệp hội ngành hàng để lắng nghe những hoạch định cho kế hoạch, chương trình hành động trong năm 2014. Ngành thép: Tiếp tục đối mặt khó khăn Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, lượng thép giá rẻ nhập khẩu tiếp tục áp đảo thị trường trong nước, XK gặp nhiều khó khăn đã khiến ngành thép tiếp tục đối diện với tương lai không mấy sáng sủa trong năm 2014 này. Đó là đánh giá của ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN. Bởi theo ông Dũng, trong khi thép xây dựng trong nước đang sản xuất được và đang dư thừa, thì việc cho nhập khẩu và gian lận thương mại qua hình thức khai gian để hưởng thuế suất bằng 0% đã khiến các nhà máy sản xuất trong nước gặp khó lại càng khó khăn thêm. Do đó, theo tính toán của hiệp hội, dự kiến doanh thu ngành thép trong năm 2014 này chỉ tăng nhẹ từ 2 – 3% so với năm 2013. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành thép theo hướng tập trung sản xuất những mặt hàng trong nước còn thiếu, như thép tấm lá, thép chế tạo… thay vì ồ ạt sản xuất những mặt hàng đã vượt xa nhu cầu đang trở nên khá bức bách. Đây cũng là hướng phát triển ngành thép lâu dài, căn cơ. Đồng thời ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư năng lực sản xuất phôi thép nhằm tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu. Ngành hàng lương thực: Tăng lượng gạo thơm Theo dự báo của mình, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho rằng, ngành XK lương thực vẫn còn gặp khó khăn trong năm 2014 với nhiều lý do khác nhau. Trong đó phải kể đến gạo cấp thấp của VN không thể cạnh tranh được với gạo cấp thấp của Ấn Độ về giá, điều này cũng có nghĩa hạt gạo thơm của VN cũng khó cạnh tranh về chất lượng với gạo thơm của Thái Lan. Do vậy, để hạt gạo VN tạo được vị thế thì chính ngành lương thực phải cần nhiều thay đổi. Hiện các DN hội viên của VFA chính thức triển khai mô hình liên kết với người trồng lúa ngay từ đầu vụ Đông xuân 2013-2014, điều này không chỉ giúp DN chủ động được nguồn hàng mà còn đầu tư và phát triển các loại gạo có giá trị kinh tế cao để XK cũng như ổn định được chất lượng gạo XK. Đặc biệt vai trò của các bên tham gia trong chuỗi liên kết và phân công thực hiện trong chuỗi liên kết đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài ra, VFA còn phối hợp với các viện, trường tuyển chọn lại giống lúa Jasmine 85 làm giống lúa chính thức phục vụ cho thị trường XK gạo cấp cao. Qua đó đề xuất với các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền với người dân giảm 5% tổng diện tích sản xuất loại gạo cấp thấp IR 50404. Dự báo năm 2014, tình hình XK, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa sẽ khó khăn hơn, XK có thể chỉ tương đương năm 2013, đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. XK thủy sản: Thế mạnh con tôm Con tôm vẫn được dự báo là thế mạnh và tạo điều kiện vực dậy cho ngành thủy sản VN, đó là nhận định của ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản VN (Vasep). Hiện thị trường Trung Quốc vẫn được xem là thị trường tiềm năng và đang là nhà nhập khẩu lớn đứng thứ 3 sau Mỹ, Nhật. Riêng trong năm 2013, giá trị kim ngạch của con tôm XK đạt trên 3 tỉ USD, tăng 36% so với năm 2012. Sau con tôm là con cá tra dù đang chiếm lĩnh tại 149 thị trường XK trên thế giới, trong đó EU và Mỹ là những thị trường chủ lực, chiếm 50% sản lượng. Tuy nhiên, do một thời gian dài “ăn xổi”, ngành hàng này từ vị thế “một mình, một chợ và …một giá” đã tụt dốc. Đặc biệt từ năm 2013, tiếp tục phía Mỹ đưa chương trình giám sát cá da trơn vào Luật Nông trại 2008 càng làm khó thêm cho con cá tra VN. Bởi theo ông Hòe, các DN XK cá tra khi vào thị trường này phải bảo đảm các tiêu chuẩn về nuôi, chế biến, đóng gói tương đồng với điều kiện của Mỹ. Trong năm 2014, Vasep cho rằng thủy sản VN có thể sẽ phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm tra chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Do vậy, khâu nuôi trồng, khâu nguyên liệu phải được kiểm soát chặt ngay từ khâu con giống làm sao sản phẩm của DN đảm bảo an toàn thì mới duy trì được tốc độ XK. Bên cạnh đó, đối với tôm một số vấn đề về chỉ tiêu Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản đã được điều chỉnh trong năm 2014 cũng tạo cơ hội cho các DN yên tâm hơn khi XK. Mía đường: Tìm cách “phá vây” Trong khi tình hình tiêu thụ đường không có đột biến, đường nhập lậu vẫn tràn vào ngày càng nhiều và cạnh tranh gay gắt với đường sản xuất trong nước đã gây khó khăn lớn cho nhà sản xuất, nhất là đường tinh luyện RE còn tồn kholớn đã buộc các nhà máy đường giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng. Bởi vậy, tìm kiếm thị trường XK đang là phương án tối ưu của ngành mía đường VN trong thời hội nhập. Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, năm 2014 vẫn tiếp tục là năm khó khăn của các DN ngành mía đường. Để giải quyết bài toán khó này, theo ông Long, việc đột phá về giống mía cho từng vùng, khu vực qua việc du nhập giống mía từ các nước phát triển với số lượng lớn để khu vực hóa và tuyển chọn bộ giống ngoại phù hợp với từng vùng sinh thái tạo ra năng suất và chất lượng cao để giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mía. Quy hoạch lại đồng ruộng mía, để từng bước đưa cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất, thu hoạch. Phấn đấu tiền mía trên đường bình quân đạt khoảng 300 USD/tấn đường. Tiếp tục phối hợp với các ngành hữu quan mà đặc biệt là Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan trong hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải đồng hành với các lực lượng chức năng trong việc chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường. Nguồn: DDDN.VN Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|