EVN có thể bị hạn chế đầu tư vào nhiều lĩnh vực |
Chủ nhật, 16/02/2014, 12:40 GMT+7 |
Theo Dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, EVN có thể không được đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Dự thảo có quy định nêu rõ: EVN không được góp vốn, phát hành trái phiếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. EVN được quyền huy động vốn nhàn rỗi của các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp EVN huy động vốn từ các Công ty có vốn góp dưới 100% vốn điều lệ thì phải có sự thoả thuận của các Công ty này. Lãi suất huy động do hai bên thỏa thuận nhưng không cao hơn lãi suất thị trường tại thời điểm huy động theo quy chế huy động vốn do EVN ban hành. EVN được quyền bảo lãnh cho công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn tại một công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ (không bao gồm các khoản EVN cho công ty con vay lại) không vượt quá giá trị vốn góp của EVN tại công ty này. EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định dưới các hình thức như phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu... và được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động của EVN, nhưng đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động. Ngoài ra, EVN được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. EVN chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới EVN bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng EVN phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của EVN. Theo VOV Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|