Phần mềm quản lý bán hàng kéo về 20.000 khách hàng của startup Việt |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 28/12/2016, 15:54 GMT+7 |
Tập trung vào triết lí: dễ dùng, tiết kiệm tối đa chi phí, startup KiotViet hiện chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, với khách hàng chủ yếu là các hộ buôn bán quy mô vừa và nhỏ. Theo báo cáo của tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ, tạp hóa. 1,3 triệu cửa hàng trên tổng số hơn 80 triệu người Việt Nam không phải con số nhỏ. Mặc dù vậy, đáng chú ý là hơn 90% các cửa hàng tại các tỉnh, vẫn đang loay hoay với ghi giấy, chép tay trong việc quản lý bán hàng. Cách thức quản lý cũ kỹ này mang lại cho chủ nhân không ít phiền toái. Hầu hết các cửa hàng đều gặp khó khăn trong việc quản lý đơn hàng, nguyên liệu, tồn kho,... Đặc biệt là trong những thời điểm nhu cầu khách hàng cao như cuối năm, lễ Tết hay mở thêm chi nhánh mới. "Ở Việt Nam, người ta chủ yếu vẫn tự lập sổ sách để bán hàng. Tưởng là tiết kiệm, nhưng thực ra quy trình mất rất nhiều thời gian, công sức,… Nếu quy ra chi phí thì thực chất còn tốn kém hơn nhiều", bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Phụ trách Marketing của KiotViet chia sẻ. Đó cũng là động lực để KiotViet quyết tâm tham gia vào thị trường bán lẻ. Là một startup công nghệ, KiotViet hiện cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho hơn 20.000 cửa hàng quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam. Bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, Phụ trách Marketing của KiotViet Cuộc chơi của sự đơn giản Ra đời từ năm 2013, KiotViet được đội ngũ lập trình xây dựng tập trung vào 3 yếu tố: Dễ dùng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Startup xác định, đây là 3 vấn đề tối quan trọng để KiotViet có thể thuyết phục được mọi người thay đổi thói quen thường ngày. "Đa phần khách hàng của Kiot Việt là các bà, các cô khi được hỏi đều cho rằng cách quản lý truyền thống đã đủ tốt, và không có lý do để thay đổi", bà Vân chia sẻ. Tuy nhiên, những khó khăn sẽ đến ngay lập tức khi các cửa hàng mở rộng danh mục sản phẩm hoặc số lượng điểm bán. Nếu cách quản lý cũ có thể giúp 1 cửa hàng hoạt động trơn tru, thì đến cửa hàng thứ 2, hay thứ 3, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Khi người chủ không thể có mặt thường xuyên tại tất cả các điểm bán, hiện tượng hàng hóa xuất nhập không ăn khớp nhau, thất thoát sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đó là lúc cần tới sự "ra tay" của công nghệ. Đại diện KiotViet ước tính, với sự trợ giúp của công nghệ quản lý mới, chủ cửa hàng đã tiết kiệm 30-50% chi phí nhân viên, mỗi ngày bớt từ 1-3 giờ phải có mặt ở cửa hàng, tỉ lệ thất thoát ở cửa hàng giảm tới trên 50%. Thế nhưng, yếu tố tâm đắc nhất của phần mềm KiotViet được bà Vũ Nguyễn Thùy Vân nhấn mạnh chính lại là tính dễ sử dụng. Đối tượng khách hàng của startup công nghệ này lại hầu hết là những người không rành về công nghệ, vậy làm sao để họ sẵn sàng tiếp thu và sử dụng sản phẩm mới? KiotViet được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Dễ dùng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí "Chắc chắn nó phải dễ sử dụng", bà Vân khẳng định. "Thực tế khi ra mắt sản phẩm, nhà phát triển nào cũng nhấn mạnh yếu tố dễ làm quen, dễ dùng. Nghe thì dễ, nhưng làm mới khó. Chúng ta nhìn vào chiếc iPhone là thấy. Bé 2-3 tuổi ở nhà tự dùng được iPhone, đâu cần ai hướng dẫn. Trong khi để biết cách dùng chuột máy tính, các bé phải mất tới vài năm sau nữa. Sự khác biệt nằm ở chỗ đó". Với KiotViet, dễ sử dụng nằm ở cách cài đặt và bố trí giao diện và tiện ích phù hợp với thói quen người dùng và ngành hàng họ lựa chọn. Tất cả những thao tác phải được tối giản để khách hàng chỉ cần được hỗ trợ qua điện thoại là đã có thể hiểu và làm theo. Việc chỉ hỗ trợ cài đặt, cập nhật và tư vấn dịch vụ qua điện thoại cũng là niềm tự hào của KiotViet bởi nó cho thấy "phần mềm rất dễ dùng và đủ khả năng phân phối tới bất kỳ đâu". Cũng theo bà Vân, tính dễ sử dụng của KiotViet còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí bán hàng, trái ngược hẳn với tư duy "dùng phần mềm là tốn tiền" của nhiều chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam. Giải thích về vấn đề này, bà Vân cho biết: "Nhìn qua thì việc mua phần mềm sẽ tốn tiền hơn, chưa thấy tiết kiệm chỗ nào. Nhưng tiết kiệm đôi khi là giá trị vô hình, mới nhìn qua khó thấy được, phải dùng rồi mới thấy tiết kiệm rất nhiều. Ví dụ, thanh toán nhanh hơn sẽ tiết kiệm thời gian, từ đó bán được nhiều hàng hơn. Giảm chi phí thất thoát trong bán hàng cũng là tiết kiệm. Mà giảm chi phí đào tạo nhân viên cũng là tiết kiệm. Đáng lẽ mất vài buổi để đào tạo nhân viên dùng phần mềm, vẫn phải trả lương như thường. Nhưng do KiotViet dễ dùng, dễ hiểu, dễ làm quen, người ta chỉ mất nửa buổi thôi. Đó cũng là tiết kiệm rồi". Tập trung vào triết lí: dễ dùng, tiết kiệm tối đa chi phí, startup KiotViet hiện đang chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 11,88% thị phần, với khách hàng chủ yếu là các hộ buôn bán quy mô vừa và nhỏ. KiotViet hiện đang chiếm thị phần cao nhất trong thị trường phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 11,88% Làm sao để bảo vệ vị trí "phổ biến nhất" trong 3 năm tới? Bản thân KiotViet cũng gặp phải không ít thách thức khi tham gia vào lĩnh vực phần mềm quản lý bán hàng. Theo bà Vũ Nguyễn Thùy Vân, khó khăn đầu tiên mà KiotViet gặp phải chính là việc thuyết phục các cửa hàng truyền thống chuyển sang phương pháp quản lí mới, áp dụng phần mềm, công nghệ bán hàng. Đặc biệt là đối tượng các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ ở các tỉnh, nơi chỉ có chưa tới 10% số hộ kinh doanh sẵn sàng ứng dụng công nghệ vào quản lý bán hàng. Đây vừa là thị trường béo bở, chưa ai khai phá dành cho các đơn vị như KiotViet, cũng vừa là bài toán làm sao để tiếp cận lượng khách hàng đầy tiềm năng này. Hoặc ngay như ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, cũng chỉ 30% các cửa hàng bán lẻ truyền thống là chi tiền cho phần mềm quản lý. Do đó, con số 70% ở các thành phố lớn, hơn 90% ở các tỉnh lân cận chính là cơ hội vàng dành cho các đơn vị như KiotViet phát triển. Chia sẻ về mục tiêu trong 3 năm tới, bà Vân cho biết, startup KiotViet hiện đặt mục tiêu tăng trưởng 200% mỗi năm, cả về số lượng người dùng, lẫn doanh thu bán phần mềm. Tuy nhiên, bài toán đặt ra lúc này với KiotViet đó là làm sao để tăng cả lượng và chất? Vừa phải đảm bảo tiêu chí dễ dùng, hiệu quả, tiết kiệm cho khách hàng, vừa phải đảm bảo doanh thu, lợi nhuận - cân bằng lợi ích cho cả khách và startup này! Theo Tri Thức Trẻ
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|