top-banner-2

Thứ bảy, 21/09/2013, 13:49 GMT+7

Qualcomm – Gã khổng lồ nói ít, làm nhiều?

Viết bởi Nhung   
Thứ bảy, 21/09/2013, 13:49 GMT+7

Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia – chia sẻ về chiến lược mà nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới đang theo đuổi…

Vừa rồi, Qualcomm tham gia Triển lãm Quốc tế Kỷ nguyên công nghệ số – VCW (Vietnam Consumer Digital World Expo) tại TP.HCM. Nhiều người thắc mắc vì sao Qualcomm là hãng cung cấp các chipset không phải nhà sản xuất các thiết bị đầu cuối lại xuất hiện tại triển lãm?

Cần nhắc lại một chút, Qualcomm là công ty công nghệ của Mỹ, ra đời vào năm 1985. Khi đó, những nhà sáng lập Qualcomm đã có một tầm nhìn khác: phải mã hóa dữ liệu để đẩy nhanh tốc độ truyền dữ liệu, đồng thời bảo mật tốt thông tin. Qualcomm là hãng đầu tiên đưa ra công nghệ CDMA (Code Division Multiple Access) – Đa truy nhập (đa người dùng) phân chia theo mã. Do đó, Qualcomm có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nền tảng cho công nghệ không dây phát triển. Từ CDMA, thế giới công nghệ đã phát triển tiếp lên di động không dây, internet không dây…

Về công nghệ, dù các mạng di động 3G sử dụng công nghệ CDMA, WCDMA hay TD-SCDMA thì Qualcomm là nhà cung cấp chipset cho phần lớn các hãng sản xuất điện thoại và máy tính bảng trên thị trường (HTC, Samsung, LG, Sony, Nokia, Lenovo…) nên sự xuất hiện của Qualcomm là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghệ di động ở Việt Nam. Qualcomm mong muốn phát triển mạng 3G và điện toán di động ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn, đáp ứng chất lượng công việc và cuộc sống ngày càng tốt hơn.

smartphone, FPT, Snapdragon

Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia

Tại cuộc triển lãm vừa rồi, anh đánh giá mức độ quan tâm của người tiêu dùng với VWC nói chung và gian hàng của Qualcomm nói riêng ra sao?

Mặc dù triển lãm lần này quy mô không lớn, nhưng gian hàng của Qualcomm lúc nào cũng đông người đến tham quan. Chúng tôi tạo ra một sân chơi cho người tiêu dùng trải nghiệm nhiều tính năng mới, công nghệ mới để hiểu được rõ hơn về những ứng dụng, công nghệ tiên tiến mà Qualcomm tạo ra trên thị trường. Đây cũng là mục tiêu nhằm hỗ trợ cho các hãng cung cấp thiết bị di động phát triển thị trường tốt hơn.

Để góp phần thúc đẩy thị trường 3G và điện toán di động ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, chiến lược của Qualcomm sẽ là gì?

Có 4 trọng tâm mà Qualcomm đang muốn thúc đẩy: Chính sách của Nhà nước trong phát triển công nghệ, cụ thể là có chiến lược băng tần phù hợp; Hạ tầng mạng 3G tốt về độ phủ sóng cũng như chất lượng; Phát triển thiết bị đầu cuối, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng; Triển khai các ứng dụng gắn liền với những nội dung như giáo dục, khoa học, y tế…

Nếu tất cả những vấn đề này được giải quyết sẽ mở ra nhiều cánh cửa rộng lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, kết nối thị trường, phát triển dân trí và nhiều lợi ích khác nữa…

Báo cáo tài chính của Qualcomm cho thấy, doanh thu quý 2/2013 của hãng là 6,12 tỉ USD; lợi nhuận khoảng 2,07 tỉ USD, tức khoảng 1/3. Đây là con số đáng mơ ước với các nhà kinh doanh. Anh có muốn bình luận gì về điều này?

Báo cáo tài chính luôn thể hiện tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp. Qualcomm có 2 mảng kinh doanh lớn là cung cấp chipset và cung cấp bản quyền công nghệ. Có thể nói, chip Qualcomm hiện đang có mặt trong hầu hết các smartphone trên thị trường của HTC, Samsung, LG, Sony, Nokia cho đến hàng loạt smartphone tầm trung và bình dân. Bản thân Qualcomm đã nhìn thấy công nghệ di động, điện toán di động là xu hướng làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội. Là nhà cung ứng các chipset cho các hãng điện thoại, Qualcomm đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn năm 2013, Qualcomm chi đến 4,5 tỉ USD cho R&D.

Qualcomm có quan tâm đến các hãng sản xuất thiết bị di động của Việt Nam? Hãng có chính sách hỗ trợ cho các công ty mới đặt chân vào thị trường này?

Như tôi đã đề cập, mục tiêu của Qualcomm là thúc đẩy phát triển công nghệ 3G và điện toán di động nên chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho các hãng về kỹ thuật, công nghệ. Chính sách toàn cầu của Qualcomm cho phép những hãng mua chipset của Qualcomm được sử dụng những phát minh, sáng chế của Qualcomm. Chúng tôi cũng sẵn sàng gửi các kỹ sư của hãng đến kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật của sản phẩm và đưa ra những khuyến nghị phù hợp.

Là người từng làm việc cho IBM Việt Nam, anh thấy mình có thuận lợi hơn khi điều hành ở Qualcomm?

Môi trường làm việc của IBM giúp tôi có cái nhìn thấu đáo về kết nối doanh nghiệp thông qua thiết bị di động. Chẳng hạn ứng dụng mobile cho doanh nghiệp ra sao? Vấn đề bảo mật thông tin và các ứng dụng mới cho doanh nghiệp thế nào… Từ những nghiên cứu, phát minh của mình, Qualcomm có thể giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ phù hợp để vận hành hiệu quả hơn.

Trong vai trò là Tổng Giám đốc của Qualcomm tại Việt Nam, anh có bị áp lực nặng nề? Đâu là thách thức lớn nhất của anh?

Ở đâu cũng có áp lực, nhưng được làm việc trong ngành mình yêu thích, đam mê thì áp lực sẽ giảm đi. Hơn nữa đây là lĩnh vực đang rất “hot”, thay đổi nhanh, thị trường sôi động nên cũng rất thú vị.

Tôi vẫn ưu tiên cho mục tiêu quan trọng là phát triển tốt mạng 3G tại Việt Nam. Đồng thời làm sao nâng cao chất lượng 3G: nhanh và ổn định.

Trở lại câu chuyện của người đi đầu thúc đẩy phát triển công nghệ không dây, dường như Qualcomm chỉ chú trọng vào kỹ thuật mà ít quan tâm đến truyền thông tương xứng với những đóng góp của mình?

Đúng là như vậy. Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, Qualcomm xuất thân là công ty công nghệ với 70% nhân viên là kỹ sư nên nói ít, làm nhiều. Trước đây Qualcomm chưa hề chú trọng đến truyền thông, trong khi các hãng khác đã làm chuyện này lâu lắm rồi. Chỉ từ năm 2007 khi Qualcomm ra mắt chip SnapDragon, công tác truyền thông mới được hãng chú trọng.

Khác biệt truyền thông của Qualcomm là gì? Thông điệp của hãng ở thị trường Việt Nam là gì?

Nói về công nghệ thì rắc rối, phức tạp và không phải ai cũng hiểu được. Qualcomm có phần “âm thầm” hơn. Chúng tôi đứng sau lưng các hãng di động để tư vấn công nghệ; góp ý với Chính phủ về định hướng phát triển công nghệ viễn thông. Còn câu chuyện với người tiêu dùng là chỉ ra cho họ những thiết bị công nghệ sử dụng chip của Qualcomm sẽ có những ưu thế vượt trội nào để họ có cái nhìn bao quát và quyết định sáng suốt.

Qualcomm cam kết sẽ mang những công nghệ mới nhất mà hãng đang phát triển đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Anh có thể chia sẻ, công nghệ mới nào của Qualcomm sẽ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng lợi?

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality- VR) là một ứng dụng của Qualcomm sử dụng các kỹ thuật mô hình hóa không gian với sự hỗ trợ của các thiết bị đa phương tiện để xây dựng một thế giới mô phỏng. Chẳng hạn, người tiêu dùng muốn mua một bộ ghế sofa cho phòng khách nhà mình, nhưng không thể biết liệu chiếc sofa đó có phù hợp với kích thước, màu sắc của căn nhà mình thì ứng dụng “thực tế ảo” cho phép người tiêu dùng “ướm” được chính xác sản phẩm phù hợp như một hình ảnh thật. Ứng dụng này cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng “cảm” nhau nhiều hơn và sẽ mở ra triển vọng đáp ứng được nhiều nhu cầu trong mọi mặt đời sống như giáo dục, y tế, quân sự, kinh doanh…

Mặt tích cực và ích lợi của công nghệ là điều hiển nhiên, nhưng có khi nào anh nghĩ về những mặt trái của việc chạy theo công nghệ?

(Cười). Bạn có khi nào về nhà và trong bữa cơm tối nhận thấy rằng, mỗi người cầm một cái điện thoại hay tablet… và cắm cúi vào đó? Có rất nhiều khi chúng ta vô tình biến thành con nghiện của các trò chơi, các chương trình, thế giới ảo nào đó mà quên mất rằng, cuộc sống thật, giao tiếp thật mới thực sự quan trọng. Chúng ta phải học cách cân bằng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.

Xin cảm ơn anh.

Qualcomm vượt qua Intel

Đầu tháng 8/2013, chỉ số S&P 500 – sàn chứng khoán xếp hạng 500 công ty lớn nhất Mỹ- ghi nhận, Qualcomm là công ty có giá trị vốn hóa lớn hơn Intel (hãng sản xuất CPU máy tính lớn nhất thế giới). Cụ thể, Qualcomm đứng thứ 29 trong top 500 với giá trị thị trường đạt 114,5 tỉ USD, cao hơn Intel – vị trí thứ 30 với 112,12 tỉ USD. Mỗi cổ phiếu của Intel đang có giá 22,51USD, trong khi của Qualcomm cao gấp 3 lần, đạt 66,27USD.

Theo doanhnhan


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Qualcomm – Gã khổng lồ nói ít, làm nhiều?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc