top-banner-2

Thứ sáu, 30/08/2013, 10:15 GMT+7

Steve Ballmer và những sai lầm "tỷ đô" tại Microsoft

Thứ sáu, 30/08/2013, 10:15 GMT+7

Ballmer từng duyệt chi 6,3 tỷ USD để mua lại một công ty mà chỉ 5 năm sau, giá chỉ còn 100 triệu USD. Ông cũng tốn tiền tỷ để đi những bước sai lầm hoặc thiếu hiệu quả nhằm đánh bại đối thủ Google.

Cuối tuần trước, CEO Microsoft Steve Ballmer bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu sau 13 năm kế nhiệm Bill Gates. Trong suốt thời gian dẫn dắt công ty phần mềm hàng đầu thế giới, khen chê dành cho Ballmer đều có.

alt

Steve Ballmer - công không ít mà "tội" cũng nhiều trong 13 năm giữ chức CEO Microsoft. Ảnh: AP

Ông là người đưa cả lợi nhuận lẫn doanh thu của tập đoàn tăng gấp 3 so với thời kỳ của Bill Gates, xoay một doanh nghiệp chuyên phần mềm máy tính lấn sân sang thị trường sản xuất thiết bị và nền tảng cho di động...

Steve cũng được xem là một người giỏi thuyết trình, lôi cuốn được người theo dõi bằng sự nhiệt tình và táo bạo của mình.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng không vì thế bỏ qua những sai lầm mà Ballmer mắc phải khi đương nhiệm, gây thiệt hại tới cả tỷ USD cho Microsoft, đánh mất vị trí thống trị thị trường.

Cổ phiếu của hãng trong hơn một thập kỷ qua không vượt được mốc 50 USD, thời điểm đánh dấu cuộc chuyển ngôi quyền lực trong tập đoàn của hai người bạn học: từ Bill Gates sang Steve Ballmer.

Trong số những quyết định sai lầm, thương vụ mua lại hãng marketing số aQuantive được xem như thất bại nặng nề nhất mà một số đơn vị truyền thông gọi "thảm họa aQuantive".

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, Microsoft chi 6,3 tỷ USD để mua lại công ty này nhưng chỉ 5 năm sau đó, hãng phần mềm thừa nhận mất trắng 6,2 tỷ USD vì aQuantive mất giá.

Theo GeekWire, Microsoft đã không tập trung phát triển thế mạnh về quảng cáo hiển thị của công ty mình vừa mua về mà chỉ chăm chút cho quảng cáo tìm kiếm (được xem là động thái nhằm cạnh tranh với Google). Những vấn đề nội bộ sau khi sáp nhập cũng khiến nhân tài của aQuantive bỏ việc, nhanh chóng biến doanh nghiệp này thành "cái xác" có giá 100 triệu USD.

Một vụ mua lại khác (lần này bất thành) cũng khiến Ballmer nuối tiếc vì quyết định của mình. Năm 2008, Microsoft sẵn sàng chi 45 tỷ USD để thâu tóm Yahoo. CEO hãng lúc này là Jerry Yang và một số thành viên ban lãnh đạo Yahoo đã không thống nhất khiến Microsoft bỏ cuộc.

Lúc đó, Ballmer cho rằng mình may mắn vì Yahoo đang trong cảnh thê thảm khi các mảng kinh doanh lần lượt bị lấn át bởi Google. Nhưng từ khi Marissa Mayer lên nắm quyền điều hành Yahoo, hãng như trải qua một cuộc "lột xác" khiến Steve phải thừa nhận mình sai khi quay lưng bỏ thương vụ này.

Xét về sản phẩm, máy tính bảng Surface ra đời là một quyết định đúng của Microsoft trên con đường cạnh tranh và giảm ảnh hưởng của iPad (Apple) lên thị trường. Nhưng câu chuyện đầu tư và điều hành dự án này lại là một sai lầm của Steve.

Báo cáo quý II/2013 cho thấy, Microsoft lãi tổng 4,97 tỷ USD nhưng riêng Surface lỗ 900 triệu USD. Đại diện hãng cho biết số tiền "khủng" chi cho Surface (gồm máy và phụ kiện) là phí lưu kho do hàng ế.

Microsoft cũng từng bước chân vào thị trường điện thoại với vai trò là một nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Năm 2008, hãng đã chi 500 triệu USD để mua lại công ty Danger, đơn vị sản xuất nền tảng Sidekick đang thịnh hành cho smartphone thời đó.

Hai năm sau, Microsoft tung ra mẫu smartphone của riêng mình với tên Kin. Nhưng chỉ xuất hiện trên thị trường vài tháng, Kin đã bị chính Microsoft "khai tử" vì thất bại nặng nề về doanh thu, không theo kịp được xu hướng điện thoại lúc này.

Vài năm trước đó, khi iPhone ra đời (2007), trong một cuộc phỏng vấn Steve Ballmer đã phá lên cười khi được hỏi đánh giá thế nào về thiết bị này. Ông không tin mẫu điện thoại màn hình cảm ứng không bàn phím, có giá hàng trăm USD sẽ thành công bởi cho rằng điều đó đi ngược với thị hiếu khách hàng.

Không chỉ cạnh tranh về phần cứng, cả thị trường quảng cáo lẫn phần mềm Microsoft đều có một đối thủ "khó chơi" là Google.

Theo BI, Ballmer đã chi hàng tỷ USD với một mục đích duy nhất là triệt hạ được Google bằng các dịch vụ trực tuyến (quảng cáo, tìm kiếm...). Bing là công cụ tìm kiếm sinh ra để đối đầu với Google nhưng chưa hoàn thành được sứ mệnh.

Việc cố công vượt qua Google ở mảng kinh doanh trực tuyến tiếp tục là một sai lầm "đốt tiền" của Ballmer. Ông bị ám ảnh bởi công cụ tìm kiếm từ đối thủ quá nhiều mà quên đi hệ điều hành di động Android, sản phẩm dù miễn phí nhưng vẫn mang về tiền tỷ mỗi năm cho "gã khổng lồ tìm kiếm" thông qua quảng cáo và phát triển ứng dụng.

Nếu Steve tập trung cho Windows Phone ngay từ đầu thì không trừ khả năng hệ điều hành di động nắm 80% thị phần thế giới chính là của Microsoft (với thế mạnh phần mềm), thay vì chỉ có trong tay 3% như hiện nay.

Những tính toán sai lầm kể trên khiến Ballmer phải mang tiếng "nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn công nghệ tại Thung lũng Silicon". Ông bị xem là một người không có khả năng nhìn ra trước những bước ngoặt thay đổi thời thế trong ngành công nghiệp công nghệ. Hệ quả tất yếu là một cuộc thoái vị khiến các nhà đầu tư đồng loạt vỗ tay hưởng ứng và đẩy giá cổ phiếu của Microsoft lên cao.

Hiện bắt đầu xuất hiện một số thông tin về nguyên nhân phía sau tuyên bố rời ghế CEO bất ngờ của Steve Ballmer. Theo AllThingsD, Ballmer bị buộc thôi việc trong vỏ bọc nghỉ hưu.

"Có thể ý định ban đầu là của chính Steve nhưng ông lại được cả 9 thành viên ban lãnh đạo công ty đồng ý rằng sẽ tốt hơn nếu ông nghỉ sớm, trong đó có Bill Gates", một nguồn tin cho hay. Và người duy nhất có thể bãi nhiệm Steve Ballmer trên chiếc ghế số một tại Microsoft không ai khác chính là Gates.

Theo DNSG


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Steve Ballmer và những sai lầm "tỷ đô" tại Microsoft

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc