top-banner-2

Thứ sáu, 03/06/2016, 09:19 GMT+7

Vì sao đa phần kỹ sư Ấn Độ ra trường phải đi làm công nhân?

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 03/06/2016, 09:19 GMT+7

Việc ra trường không tìm được việc làm tại Ấn Độ đang diễn ra ở mọi ngành nghề. Nghiên cứu mới đây của Aspiring Minds cho thấy 80% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ sư năm 2015 đang bị thất nghiệp.

1-vi-sao-da-phan-van-hoa-doanh-nhan

Đến năm 2020, Ấn Độ sẽ có 900 triệu người trong độ tuổi lao động và tuổi thọ trung bình của nước này sẽ hạ xuống mức 29 tuổi. Theo nhiều dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về tổng dân số vào năm 2022 và trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Việc hàng năm có khoảng 10 triệu lao động trẻ tham gia thị trường có thể là chìa khóa giải khai tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ và hàng triệu người dân sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói nếu họ tìm được việc làm.

Dẫu vậy, trừ khi Ấn Độ nâng cao và cải thiện vấn đề chất lượng giáo dục, sự bùng nổ lao động này có thể trở thành gánh nặng với nền kinh tế khi phần lớn nguồn nhân lực này có trình độ chuyên môn thấp và chỉ tìm được những công việc có thu nhập thấp.

Hiện Ấn Độ đang thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề. Theo hãng Ernst & Young, hiện chỉ có 2% số lao động tại Ấn Độ là được đào tạo bài bản về kỹ năng, thấp hơn rất nhiều so với mức 68% ở Anh, 75% ở Đức và 96% ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, Viện Royal Institution of Chartered Surveyors (RICS) cho biết năm 2010 Ấn Độ cần 4 triệu kỹ sư nhưng lại chỉ có 509.000 lao động phù hợp với điều kiện. Đến năm 2020, quốc gia này cần 4,6 triệu kỹ sư nhưng ước tính chỉ có 778.000 người đáp ứng đủ điều kiện.

Tình trạng thiếu nhân lực có trình độ đang lan rộng trong các ngành kinh tế ở Ấn Độ, không riêng gì kỹ sư, ước tính năm 2020 Ấn Độ cần 427.000 kiến trúc sư nhưng thị trường lao động chỉ có thể đáp ứng 17% trong số đó.

Theo RICS, hệ thống giáo dục tại Ấn Độ đang không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và nước này đang thực sự cần một công cuộc cải tổ.

Viện Institute for Human Development nhận định các khóa đào tạo ở Ấn Độ không theo kịp với nhu cầu của nền công nghiệp và không có một cơ quan nào đứng ra kiểm tra chất lượng giáo dục hiện nay.

Các trường đại học ở Ấn Độ hiện quá tập trung vào việc ghi nhớ lý thuyết hơn là thực hành và giải quyết vấn đề. Trong khi đó giáo viên được trả lương quá thấp, dẫn đến việc chất lượng giảng dạy đi xuống.

Trước đây, tình trạng bùng nổ của ngành công nghệ thông tin đã khiến hàng loạt các trường đào tạo tư nhân dưới chuẩn thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Hệ quả là những học sinh không thể vào các trường công lập chuyển sang các trường tư nhân này và được đào tạo dưới chuẩn.

Dẫu vậy, vấn đề không chỉ nằm ở các trường đại học mà còn ở các trường dành cho lứa tuổi thấp hơn. Tổ chức Pathram cho biết chỉ có 50% học sinh dưới 7 tuổi biết làm phép tính từ 1 đến 100, chỉ có 30% học sinh dưới 5 tuổi là có thể đọc chữ.

Rõ ràng, nhân lực đang là một vấn đề nhức nhối tại Ấn Độ bởi nếu lực lượng lao động mới không sản xuất ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế thì đây sẽ trở thành gánh nặng cho toàn đất nước.

Kỹ sư Ấn Độ học ra trường để làm công nhân.

Kỹ sư Ấn Độ học ra trường để làm công nhân.

Những bất ổn sau con số 7,6%.

Tính đến tháng 3/2016, Ấn Độ tăng trưởng 7,6% và trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Nguyên nhân chính cho đà tăng trưởng này được nhận định là do giá dầu giảm mạnh, vốn được Ấn Độ nhập khẩu nhiều. Hiện nước này đang nhập khẩu 2/3 số xăng dầu tiêu thụ và nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á này đã tiết kiệm được hàng tỷ USD nhờ giá dầu giảm.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cắt giảm lãi suất đã khiến người tiêu dùng chi tiêu đầu tư nhiều hơn là giữu tiền trong ngân hàng.


Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Ấn Độ

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Ấn Độ

Dẫu vậy, Ấn Độ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tình trạng hạn hán gần đây đang khiến ngành nông nghiệp của nước này lao đao, gây ra nguy cơ thiếu lương thực và nạn đói.

Ngoài ra, xuất khẩu của Ấn Độ tính đến tháng 4/2016 đã suy giảm tháng thứ 17 liên tiếp, qua đó có thể kéo lùi hoạt động sản xuất.

Hiện các nhà máy sản xuất ở Ấn Độ đang hoạt động dưới 30% công suất thiết kế, trong khi dòng vốn đầu tư tại nước này lại chỉ tập trung vào một số ngành nhất định như giao thông, viễn thông, phân bón...mà thiếu sự chú ý tới các dự án xây nhà máy hay khu công nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Ấn Độ trong tháng 3 chỉ tăng nhẹ 0,1% và con số này hoàn toàn không phù hợp với mức tăng trưởng GDP 7,6%.

Rõ ràng, những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cho Ấn Độ không bền vững và quốc gia này cần phải làm rất nhiều để củng cố đà đi lên này và một trong số đó phải kể đến nguồn nhân lực của đất nước.

Link nguồn: http://cafef.vn/chuyen-khong-chi-o-rieng-viet-nam-da-phan-ky-su-an-do-ra-truong-phai-di-lam-cong-nhan-20160603090651777.chn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vì sao đa phần kỹ sư Ấn Độ ra trường phải đi làm công nhân?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc