Thế hệ khán giả mới của Lưu Quang Vũ |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ sáu, 28/11/2014, 14:44 GMT+7 |
Nhẩm tính và không khỏi giật mình, Lưu Quang Vũ ra đi đã 26 năm. Vậy mà, dù thời tiết không thuận lợi, những cơn mưa giật từng hồi, kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn hút khán giả. Theo dõi vở diễn, từ đạo diễn đến diễn viên đã là một thế hệ mới của Nhà hát, nhưng những tràng vỗ tay vẫn rộ lên ở nhiều trường đoạn kịch tính, như 30 năm trước. Và đến bây giờ, thế hệ đầu tiên xem kịch Lưu Quang Vũ ngày ấy đã đi được nhiều chặng đường đời, đã nhìn thấy xã hội tiếp tục phát triển, rồi có cơ hội xem lại kịch của ông mới thấy ông đúng là một tài năng lớn, khi dưới ngòi bút của ông, những nhân vật như có sức sống vĩnh cửu. Và điều kinh khủng là sự tiên đoán của ông về cái xấu, cái ác tồn tại dai dẳng, như không hề thay đổi. Sức chiến đấu của một ngòi bút mạnh mẽ như một đoàn quân! Lần này Nhà hát Kịch Việt Nam mang vở Bệnh sĩ đi lưu diễn từ Bắc vào Nam. Bệnh sĩ lấy bối cảnh một làng quê thuần nông, kể chuyện về ông Chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm.
Một cảnh trong vở "Bệnh sĩ" Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, nhưng vì tính háo danh mà ai cũng cố gắng gắn cho mình cái "mác" thật sang trọng. Vậy nên, khi bản chất và hiện thực không thống nhất đã sinh ra những chuyện dở khóc dở cười. Bệnh sĩ là tác phẩm sân khấu cuối cùng của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, được viết cách đây 30 năm. Vở diễn lần này do NSƯT Tuấn Hải đạo diễn và NSND Đình Quang cố vấn nghệ thuật, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi: Xuân Bắc, Minh Tùng, Hồng Quang, Quỳnh Hoa và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau 2 tháng công diễn, tiếng cười trên sân khấu đã tìm được tiếng cười chia sẻ của khán giả, rất tươi mới và thời đại, không hề có cảm giác đang tìm về một điều xưa cũ, một giai đoạn đã xa. Vở kịch dự báo Bệnh sĩ chưa bao giờ được chữa khỏi trong xã hội Việt. Và với nền văn hóa chao đảo thời đổi mới và hội nhập, nhiều giai đoạn, nhiều tầng lớp người bị khuất phục trước sức mạnh của đồng tiền, của thói hãnh tiến nơi làng xã vẫn là hiện thực xã hội hiện tại hiện lên mồn một từ đời thực vào đến kịch. Chính điều này làm nên sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ. Trong vở này, tiếng cười vang lên rất nhiều lần, cười đó rồi đau lắm, bởi vì căn bệnh xấu xí của người Việt đã được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu 30 năm trước sao bây giờ còn nguyên, và còn nặng hơn, nó không chỉ lan tràn ở xã hội nông thôn, mà vào hẳn nhà quyền quý, thị dân, lan tràn trên mạng xã hội. Hồn Trương Ba, da hàng thịt được phục dựng cũng là một vở diễn thành công nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam năm nay. Cũng trong năm nay, ba nhà hát gồm Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo tham gia phục dựng năm vở kịch của Lưu Quang Vũ gồm: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Nàng Sita và Mùa hạ cuối cùng, không chỉ để tưởng nhớ sự ra đi của hai văn nghệ sĩ được yêu mến. Theo đó, bốn vở kịch của Lưu Quang Vũ sẽ được tái hiện lại, bao gồm: Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng cùng vở chèo Nàng Sita. Các nhà hát tin tưởng kịch Lưu Quang Vũ luôn có khán giả bởi tính hiện thực và hiện đại, và các nghệ sĩ có trách nhiệm đem hết tài năng đưa di sản của Lưu Quang Vũ đến với các thế hệ khán giả mới lớn lên. Đúng như mong đợi, hàng vạn khán giả đã đến rạp, một không khí như thời hoàng kim của kịch nói đang trở lại, nhất là ở các rạp miền Bắc. Kịch Lưu Quang Vũ đang trên hành trình Nam tiến. Có lẽ, những vở diễn này cũng sẽ đủ sức xây dựng trở lại một thế hệ mới xem kịch Lưu Quang Vũ ở TP.HCM cũng như cả nước. Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|