top-banner-2

Thứ năm, 30/08/2018, 12:26 GMT+7

Cô chủ nhỏ Bống chè bưởi thắng lớn tại Shark Tank

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 30/08/2018, 12:26 GMT+7

Tuổi nhỏ nhưng khát vọng lớn, cô bé khởi nghiệp từ năm 7 tuổi nhận được đầu tư vượt mong đợi tại Shark Tank Việt Nam.

shark-tank-vhdn-6

Cú gọi vốn đặc biệt của startup nhí 11 tuổi “tài không đợi tuổi” đến từ Tuyên Quang thật sự để lại rất nhiều dư vị.

Ngay khi vừa xuất hiện, Bảo Ngọc – đồng sáng lập thương hiệu Bống chè bưởi đã khiến các Shark lẫn người xem tò mò với tiếng rao ngọt ngào “Ai ăn chè Bưởi bống nấu đây? Chè bưởi Bống nấu thơm ngon mát lành nào!”. Mạnh dạn mời hội đồng đầu tư thưởng thức những cốc chè công phu do chính mình tự nấu, Bảo Ngọc được cả 5 “cá mập” gật gù khen ngon.

Trình bày trước hội đồng đầu tư, Bảo Ngọc cho biết cô bé bắt đầu khởi nghiệp từ năm 7 tuổi với khoảng 20 cốc chè bán cho những khách hàng thân quen. Sau đó, mạng lưới bán hàng của startup nhí được mở rộng thông qua mạng xã hội Facebook. Hiện tại, trung bình Bảo Ngọc có thể bán được hơn 100 cốc/ ngày. Một ngày Bảo Ngọc thức dậy từ 5 giờ sáng để nấu chè, để đảm bảo việc học không bị ảnh hưởng, cô bé chỉ bán vào ngày Chủ nhật hàng tuần.

Công việc bán hàng do Bảo Ngọc cùng với mẹ đảm nhận, tuy nhiên, startup nhí bật mí cô mới chính là “sếp” trong công ty. Về tỉ lệ chia lãi cô bé chiếm 51%, còn mẹ chỉ hưởng 49% lợi nhuận. Lãi ròng kiếm được, Bảo Ngọc dùng để phục vụ cho việc học và nhu cầu cá nhân.

Hiện chỉ kinh doanh trong khu vực thành phố Tuyên Quang nên Bảo Ngọc đến Shark Tank để kêu gọi đầu tư 200 triệu đổi lấy 20% cổ phần công ty, hướng đến mục tiêu mở rộng cửa hàng trên toàn quốc. Bảo Ngọc cũng không giấu diếm khát vọng muốn được làm việc cùng các Shark và ước mơ trở thành nhà đầu tư thành công, thông minh như Shark Linh. “Con nghĩ là con đường con chọn có nhiều sự đặc biệt mà các bạn bình thường không bao giờ có thể trải nghiệm được. Và từ khi bắt đầu kinh doanh, con cũng đã biết sau này muốn trở thành như các Shark cũng rất khó khăn, con cũng sẽ trải qua rất nhiều lần thất bại” – Bảo Ngọc chia sẻ.

Bảo Ngọc cho biết, cô bé cũng đã tham khảo một số thị trường tại Hà Nội và nhận thấy các địa điểm có nhiều tòa nhà, văn phòng công ty chính là thị trường tiềm năng cho mô hình kinh doanh của mình. Bống chè bưởi cũng đã bán thử tại khu vực Keangnam Hà Nội thu được 46 triệu đồng/tháng, lãi ròng thu về 23 triệu đồng.

Với mục tiêu phát triển mạnh hơn thương hiệu Bống chè bưởi ở các tỉnh thành, có thể phục vụ cho người dùng cả nước, Bảo Ngọc sẽ mở rộng kinh doanh bằng hình thức Nhượng quyền thương hiệu. Trước câu hỏi sự khác biệt đến từ Shark Hưng, Bảo Ngọc tự tin trả lời sự đặc biệt của thương hiệu chính là câu chuyện đằng sau nó.

Chưa dừng lại ở đó, đối mặt trước những câu hỏi hóc búa của Shark Phú về tài chính và những rủi ro, Bảo Ngọc gây ấn tượng khi dũng cảm tuyên bố nếu có rủi ro xảy ra, cô bé sẵn sàng đi làm thuê trả nợ cho nhà đầu tư.

Tò mò về người đã khơi nguồn khát vọng, tạo nên tư duy khác biệt cho Bảo Ngọc, Shark Hưng liền yêu cầu được trò chuyện cùng mẹ của cô bé. Chia sẻ về câu chuyện nuôi dạy, định hướng phát triển cho con, mẹ của Bảo Ngọc cho biết hai vợ chồng định hướng con theo phương pháp giáo dục của người Do Thái. Để Bảo Ngọc quản lý tài chính sớm sẽ giúp cô bé có kế hoạch rõ ràng hơn cho các công việc của mình. “Con kinh doanh không phải lớn quá, vẫn trong tầm kiểm soát. Bố mẹ không có kinh nghiệm bài bản về kiến thức nên mong đến đây sân chơi rất lớn, con sẽ được nhận từ các cô chú kiến thức để trưởng thành dần lên” – mẹ Bảo Ngọc chia sẻ.

Sau phần chia sẻ từ mẹ của Bảo Ngọc, Shark Phú lập tức bác bỏ ý nghĩ “chơi cho vui” từ hai nhà sáng lập Bống chè bưởi. Ông chủ Sunhouse từ chối đầu tư với lý do: “Đây là câu chuyện đầu tư nhận tiền của người khác, nó không đơn giản như một gameshow mà đây là tiền thật. Các câu hỏi tôi đặt ra là điển hình về tư duy và quản trị, mô hình này tôi thấy thật sự không phải để tôi đầu tư. Vì nó chưa đủ năng lực, khả năng quản lý để phát triển. Bản thân cháu còn rất nhỏ, kể cả làm được thành công thì cháu cũng chưa thể phát triển nó”.

Bày tỏ sự bất ngờ khi lần đầu tiên được gặp một bạn nhỏ Việt Nam dám khởi nghiệp từ năm 7 tuổi, Shark Thủy chia sẻ niềm trăn trở: “Câu chuyện khởi nghiệp ở độ 7 – 8 tuổi thì sẽ có rất nhiều tranh cãi, nhưng tôi cũng trăn trở rất nhiều, tại sao có nhiều bạn trẻ học xong ra trường lại không biết làm gì, không xác định rõ định hướng, thường có tư duy tôi cho rằng chưa chắc đã đúng là chỉ biết học không thôi sẽ giỏi. Mà chúng ta phải tư duy đây cũng là học, kinh doanh chè Buởi sẽ không có rủi ro, khả năng mất vốn rất là thấp nhưng con sẽ học được gì từ cái này, con sẽ thành ai sau 10 – 20 năm nữa mới là cái quan trọng”.

Mong muốn khuyến khích sự phát triển của thế hệ thủ lĩnh tương lai, Shark Thủy đưa ra lời đề nghị đầu tư 200 triệu đồng đổi lấy 20% cổ phần của Bống chè bưởi, đồng thời Bảo Ngọc sẽ trở thành đại sứ thương hiệu của Apax Leaders. Với sự đầu tư và hậu thuẫn của Chủ tịch Egroup, Bống chè bưởi sẽ được kinh doanh trong hệ thống trung tâm giáo dục Apax Leaders, Soya Garden của Shark Thủy. Và đặc biệt, Bảo Ngọc sẽ nhận được thêm học bổng trị giá 500 triệu đồng trong thời hạn 5 năm để học tất cả các sản phẩm về tiếng Anh, tư duy lãnh đạo… và được Shark Thủy đưa đi thăm quan các trung tâm khởi nghiệp của Thế giới.

Cùng chung mục tiêu giúp sức cho thế hệ tương lai, Shark Hưng cũng đề nghị đầu tư thêm 100 triệu đồng đổi lấy 10 % cổ phần, số cổ phần của PCT CenLand sẽ do con gái ông đứng tên đồng hành cùng Bảo Ngọc. “Các Shark đầu tư cho con là muốn đầu tư vào tư duy về giáo dục và dạy dỗ con cái, làm thay đổi nhận thức của bố mẹ về quan niệm trẻ con chỉ học, học một cách máy móc. Con đã làm điều thật sự vĩ đại ở lứa tuổi của con chứ không phải chỉ cốc chè” – Shark Hưng bày tỏ.

Sau đề nghị đầu tư của Shark Thủy và Hưng, hai “cá mập” Quỹ quyết định từ chối rót vốn vào Bống chè bưởi. Shark Dzung Nguyễn giải thích lý do: “Chú thích cách giáo dục của mẹ con. Trẻ em Việt Nam thường không thích tự lập, giúp đỡ bố mẹ thì con đã biết giúp đỡ, tự lập từ bé. Đó là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, con vẫn phải ưu tiên cho việc học, định hình mong muốn cho tương lai của mình. Đã có hai Shark đầu tư cho con nên chú không tham gia nữa”.

shark-tank-vhdn-1

Thương vụ gọi vốn đặc biệt của startup nhí Bảo Ngọc đã thành công với sự đồng hành của hai Shark Thủy và Hưng, với tổng đầu tư 300 triệu đổi lấy 30% cổ phần công ty và phần học bổng trị giá 500 triệu đồng có thời hạn đến 5 năm từ Apax Leaders. Sự giúp sức từ các nhà đầu tư sẽ mở ra cho cô bé 11 tuổi nhiều cơ hội học hỏi trong tương lai. Khởi nghiệp không cần đợi tuổi, khi chúng ta có đam mê quyết tâm mọi việc đều có thể làm được. Điều đó cũng cho thấy, phong trào thúc đẩy khởi nghiệp mà Shark Tank mang lại cho cộng đồng, cho những người trẻ đang diễn ra vô cùng sôi nổi.

Cùng nắm tay Bảo Ngọc đến đích trong tập 9 và Startup “đóng giày” 4.0 của nhà sáng lập Lê Thanh đến từ thương hiệu ShoeX. Startup này gọi được 4 tỷ đồng của Shark Hưng và Shark Linh

shark-tank-vhdn-5

Nhà sáng lập Lê Thanh đến từ thương hiệu ShoeX mở đầu phần thuyết trình đầy ấn tượng với lời mời các nhà đầu tư “thử giày” và “đo giày”. ShoeX tạo nên các đôi giày cao cấp từ kỹ thuật làm giày truyền thống, có thời gian sử dụng lâu dài. Với ứng dụng 4.0 giúp đóng giày đúng kích cỡ, khách hàng ShoeX không lo đến việc đổi trả khi mua giày online. Tự tin mang đến Shark Tank ứng dụng đóng giày Scan Fit áp dụng công nghệ 4.0, Lê Thanh mong muốn kêu gọi đầu tư 4 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Thích thú và am hiểu về các sản phẩm công nghệ thời trang, Shark Hưng liền đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 36% cổ phần của ShoeX. Chưa dừng tại đó, Shark Thủy lập tức gia nhập cuộc chơi với lời đề nghị 5 tỷ đổi lấy 40% cổ phần. Bày tỏ bản thân không quá am hiểu về thị trường thời trang nam nhưng cảm thấy hứng thú với mô hình của ShoeX, Shark Linh quyết định cùng “bắt tay” với Shark Hưng.

shark-tank-vhdn-4

Không mong muốn sẽ bị pha loãng số cổ phần, nhưng trước sự tấn công, thuyết phục dồn dập từ Shark Hưng, Lê Thanh đã gật đầu đồng ý nhận đầu tư. Với sự gia nhập của hai Shark Hưng và Linh, ShoeX được mong đợi sẽ tạo nên sự đột phá cho ngành giày Việt.

Trong khi đó, Startup công nghệ 3D hụt đầu tư vì chen nhầm chân vào thị trường “ngách”

Nhà sáng lập Thân Đức Nghĩa của công ty 3D Factory giới thiệu đến nhà đầu tư nền tảng công nghệ kết nối cộng đồng sử dụng máy in 3D Việt Nam. Đức Nghĩa mong muốn kêu gọi 200 nghìn USD đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Đánh giá dung lượng và quy mô thị trường của 3D Factory quá hẹp, hai Shark Phú và Linh là những người đầu tiên từ chối đầu tư. Khó hiểu trước mô hình kinh doanh quá dàn trải, hơn nữa phần trình bày của Đức Nghĩa trái ngược hoàn toàn với định hướng kinh doanh ban đầu của 3D Factory, do đó Shark Dzung Nguyễn dứt khoát “lắc đầu” với startup này.

shark-tank-vhdn-9

Tiếp đó, Shark Thủy cũng rút lui với lý do: “Anh đánh giá cao sự cố gắng của em nhưng anh thấy tính thương mại của dự án không khả thi”. Quyết định tương tự, Shark Hưng cũng đưa ra lời khuyên cho Đức Nghĩa: “Em nên dành hết tất cả những gì có để thành lập xưởng thiết kế và dịch vụ in 3D, và tự sản xuất máy phục vụ cho nhu cầu của bản thân là chính. Thị trường ứng dụng in 3D hiện nay rất sơ khai, lợi ích kinh tế của nó còn rất hạn chế”.

Thương vụ khép lại dù không nhận được đầu tư nhưng Đức Nghĩa đã thu về rất nhiều lời khuyên giá trị từ các nhà đầu tư của Shark Tank Việt Nam. Đây cũng là bài học dành cho các startup Việt khi đi gọi vốn nên có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ càng để có phần thuyết trình tốt hơn.

Cùng theo dõi Shark Tank Việt Nam mùa 2 vào lúc 20h30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3 để đón xem những thương vụ ấn tượng tiếp theo.

Link full tập 9: https://www.youtube.com/watch?v=Jo5bX8jEWf0

Hằng Nguyễn

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cô chủ nhỏ Bống chè bưởi thắng lớn tại Shark Tank

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc