top-banner-2

Thứ hai, 18/07/2016, 16:02 GMT+7

Hài kịch đương đại: Từ nhạt nhẽo đến nhố nhăng

Viết bởi An An   
Thứ hai, 18/07/2016, 16:02 GMT+7

Gần đây, khán giả nước nhà đã “no tai, đã mắt” với nhiều chương trình hài giúp người xem có những phút giây thư giãn đích thực.

Gần đây, khán giả nước nhà đã “no tai, đã mắt” với nhiều chương trình hài giúp người xem có những phút giây thư giãn đích thực. Nhưng số lượng thôi chưa đủ, vì thực tế chỉ ra nhiều chương trình hài có sự nhảm nhí, phản cảm... đến từ người nghệ sĩ.

Nhiều mà nhạt...

Không khó để nhận thấy vào tối hai ngày cuối tuần, sóng truyền hình nước ta lại ngập tràn hài kịch. Thời gian qua, có khoảng trên dưới 50 gameshow hài phủ sóng truyền hình, trong đó phải kể đến những gameshow được khán giả chú ý như: Ơn giời, cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Người bí ẩn, Hội ngộ danh hài, Chết cười, Cười xuyên Việt, Gặp nhau để cười, Vui ơi là vui, Siêu thị cười, Tiếng cười sinh viên, Già néo đứt dây, Danh hài đất Việt, Làng hài mở hội, Tài Tiếu Tuyệt, Tuyệt chiêu hát nhép, Đấu trường tiếu lâm... Khi chương trình hài này vừa kết thúc, lập tức các nhà sản xuất đã “chế biến” món khác để thế vào. Tuy nhiên, các chương trình hài kể trên đều na ná nhau về hình thức, nhiều khi khán giả vừa xem tiểu phẩm ở chương trình này thì lại thấy ở chương trình khác, các nghệ sĩ hoặc người chơi chỉ cải biên đi chút ít để gọi là “có mới”. Thậm chí, ở nhiều chương trình hài như Ơn giời, cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Đấu trường tiếu lâm, Làng hài mở hội... đều có món đặc sản là trai giả gái để chọc cười khán giả.

Hơn nữa, các chương trình hài hiện nay đều thấy sự góp mặt của những danh hài thân thuộc như Hoài Linh, Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành, Chí Tài, Thúy Nga, Thu Trang... trong vai trò ban giám khảo hoặc khách mời. Điều đó dễ dàng khiến khán giả thấy nhàm chán. Đôi khi, trong vai trò giám khảo, một số nghệ sĩ có cách nhận xét thí sinh theo kiểu lặp lại. Chẳng hạn như Trấn Thành, với không ít người chơi ở chương trình hài anh thường đưa ra một câu quen thuộc “thật vi diệu” dù tiết mục, tiểu phẩm của thí sinh hoặc nhóm hài đó chưa đến mức phải tung hô lên mây xanh. Bên cạnh đó là danh hài Hoài Linh, Việt Hương..., có lẽ vì tham gia quá nhiều chương trình hài kịch trong vai trò giám khảo nên dẫn tới việc nhận xét người chơi (thí sinh) không có gì mới, lặp lại theo lối mòn với “chúc mừng phần thi của bạn, dù sao bạn cũng đã rất cố gắng”, “em làm chưa có tới”...

1-hai-qua-hoa-nham

 Trong một tiết mục hài gameshow truyền hình, Chí Tài (bên phải) giả gái xấu xí đến độ nhiều khán giả nữ thấy chạnh lòng.

Tới nhố nhăng, phản cảm

Bản chất của những chương trình hài trên sóng truyền hình là để tạo tiếng cười cho khán giả, tạo cảm giác thư thái cho người xem. Thực tế, không ít chương trình, các nghệ sĩ đã đem đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả bởi tiểu phẩm hài độc đáo, những lời thoại dí dỏm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng không thiếu “sạn”.

Đã có lần, người xem hài được nghe những câu thoại lấp lửng, thô tục và đầy “khiêu khích” như “Cong quá gãy thì sao?”; “Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện”; “Cái gì càng chơi càng ra nước?” buông ra từ một số nghệ sĩ trẻ... Lại có chương trình nghệ sĩ đóng hài, nữ đấm lưng cho nhân vật nam quá tỉ mẩn tới cả những nơi nhạy cảm trên cơ thể khiến người xem cũng phải đỏ mặt. Đặc biệt, như đã nói, nhiều chương trình hiện nay, một số nghệ sĩ như Trường Giang, Chí Tài có các màn giả gái, về ngoại hình có lúc rất xấu như kiểu xúc phạm phái nữ, hơn nữa còn khiến các bậc phụ huynh lo sợ ảnh hưởng đến giới tính của con em mình.

Trong một chương trình hài, nghệ sĩ trẻ Anh Đức tuôn một câu hết sức vô duyên: “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó”. Thậm chí, nghệ sĩ Xuân Bắc có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu, nhưng trong vai trò người dẫn chương trình đã có lúc “góp nhảm” bằng một câu: “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị”.

Cũng không ít chương trình hài, khán giả chứng kiến những cử chỉ âu yếm, ôm ấp, cợt nhả... quá đà của Trường Giang, Việt Hương, Trấn Thành với bạn diễn khiến sự hài hước trở nên vô duyên, nhố nhăng. Những động tác thân mật quá mức trên màn ảnh nhỏ làm nhiều người lo ngại nếu con trẻ xem được sẽ rất dễ bắt chước, làm sai lệch ý nghĩ và hành động của con trẻ trong cuộc sống.

Thiết nghĩ, tiếng cười chỉ có giá trị khi một tiểu phẩm (tiết mục) hài đó mới lạ, có sức sáng tạo, lối diễn của nghệ sĩ độc đáo... chứ không phải những lời thoại thô thiển, những cảnh nóng bỏng trên sân khấu. Vì thế, để hạn chế và ở giới hạn cho phép, bản thân nghệ sĩ phải có sự sáng tạo không ngừng, có lòng tự tôn nghề nghiệp và đặc biệt phải tôn trọng khán giả.

Theo Suckhoedoisong.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hài kịch đương đại: Từ nhạt nhẽo đến nhố nhăng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc